Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 03:07 GMT+7

Nhà thơ thương binh Hoàng Cát:

"Ta phải sống - để yêu và được viết"

Biên phòng - "Sống hay chết/Chưa ai người biết trước/Cuộc chiến này còn quá đỗi cam go/Liệu ý chí của một người lính trận/Vượt qua chăng số phận dày vò???... Ồ!... Nếu không thắng - có nghĩa là ta chết!/ À á ha!!!... Nếu chết - hết làm thơ/ Ta phải SỐNG - để YÊU và ĐƯỢC VIẾT/Viết những lời YÊU CÁI ĐẸP đến vô bờ!"... Trong "Lần thứ ba" truyền hóa chất chống chọi với căn bệnh ung thư hạch cổ, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã viết như vậy. Và ông đã vịn vào câu thơ để sống, để vượt qua bệnh tật, để cống hiến cho đời. Tập thơ "Cảm tạ cuộc đời" ra mắt vào tháng 6-2015 là minh chứng cho sức sống bất diệt của thơ ca và nghị lực phi thường của một người lính có tâm hồn yêu cuộc đời, yêu thi ca và cái đẹp.

v3uf_23-1.JPG
Nhà thơ Hoàng Cát. Ảnh: Thanh Thuận
 
Người tự làm tuyển tập cho mình

Là "nhà thơ thương binh", lại biết mình có bệnh, Hoàng Cát luôn trù liệu cho mình. Bạn bè nhiều người đã thấp thỏm, phấp phỏng lo lắng về sức khỏe của Hoàng Cát. Nhưng rồi ông vẫn trụ vững được với tuổi tác và bệnh tật. Mấy năm trước, ông in tập thơ "Thanh thản". Ông xác định "đó có thể là tập thơ cuối cùng". Bởi ông lượng thấy sức khỏe của mình đã yếu, lại thêm bệnh nhồi máu cơ tim, nhiều lần khiến ông ngã quỵ giữa hè phố. Vì thế, ông luôn "thanh thản" và sẵn sàng đón nhận mọi điều đến với mình.

Sau khi tập thơ "Thanh thản" ra mắt, Hoàng Cát tâm sự với vợ: "Đời anh buồn thật, nhưng anh sẽ thanh thản thực sự khi làm xong tuyển tập cho mình". Khi ấy, người vợ hiền tần tảo của ông cả đời mới ki cóp được 20 triệu đồng, ngay lập tức đã đưa cả cho ông để thực hiện mong mỏi của chồng. Ông phải vay mượn thêm cùng với số tiền bạn bè "tài trợ", cuối cùng "Tuyển tập thơ" dày 560 trang, bìa cứng, đẹp, trang trọng đã được xuất bản với mức kinh phí gấp đôi số tiền vợ đưa.

Tự làm "Tuyển tập" cho mình, với nhiều người, điều ấy có gì đó… không hay, thậm chí còn là "điềm gở". Tuy nhiên, Hoàng Cát ví von việc tự tay làm "Tuyển tập thơ" cho mình như là cách tự xây "đền" cho mình. Mấy năm trước, Hoàng Cát cứ bị ám ảnh về hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật đang nằm trên giường bệnh, dây dợ quấn quanh người, khi ấy, bạn bè mới đôn đáo chạy đi làm cho cuốn "Tuyển tập". Và khi sách vừa rời nhà in, thi sĩ của những cánh rừng Trường Sơn đã không biết sách đẹp xấu ra sao và ông không muốn lặp lại trường hợp đó nữa!

Mỗi lần ra thơ lại thấy khỏe hơn

Có điều lạ mà vui, cứ sau mỗi lần Hoàng Cát ra tập thơ, sức khỏe của ông lại tốt hơn, tinh thần minh mẫn hơn. Thời gian gần đây, rất ít thấy Hoàng Cát xuất hiện. Hóa ra ông đang nằm nhà điều trị căn bệnh ung thư hạch cổ. Những đợt xạ trị hóa chất liên tiếp khiến người đàn ông U70 mệt nhoài. Mái tóc bồng bềnh "rất Hoàng Cát" cũng đã rụng hết. Khi biết mình bị thoát vị ổ bụng và ung thư hạch cổ, Hoàng Cát đã có ý định... buông bỏ. Vì ông nghĩ tới khoản tiền cả trăm triệu phía trước, biết tìm đâu. Nhưng những câu thơ ông "tiên tri" năm nào: "Tôi sống được là nhờ lòng bè bạn/ Như nắng giữa mùa đông, như gió mùa hè/ Như cốc nước làm vợi đi cơn khát/ Như bản nhạc buồn ru dịu những đêm khuya..." đã ứng nghiệm. Khi biết tin ông bị bệnh nan y, nhiều bạn bè văn nghệ sĩ đã ra tay giúp đỡ.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2015, Hoàng Cát lại có thêm một tập thơ mới, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành với cái tên "Cảm tạ cuộc đời". Đó chính là thực hiện "lời hứa" mà ông đã viết trên blog, nơi ông vẫn cập nhật sáng tác hàng ngày của mình như một cách ghi nhật kí chiến đấu với bệnh tật, với những tâm sự có lúc hết sức trẻ trung, có lúc nặng trĩu, nhưng hầu hết đều bộc lộ sự kiên cường, yêu cuộc sống.

Được sự khuyến khích và hỗ trợ kinh phí chút ít của Hội Nhà văn Việt Nam, Hoàng Cát quyết định bỏ tiền ra, cho xuất bản tiếp một tập thơ mới. Cuốn sách đã ra đời với 133 bài. Tất cả những bài trong tập thơ mới này đã được Hoàng Cát viết ra từ năm 2009 đến tận những ngày gần đây khi ông được các bác sĩ xác định bị bệnh ung thư, phải vào nằm Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều tháng để chữa trị.

Nhiều người theo dõi blog của ông không cầm lòng được trước những câu thơ: "Ơi người vợ già lầm lụi của anh!/ Anh đau ốm dài ngày - cho đời em thêm khổ/ Bệnh ung thư sau chiến tranh khốn khó/ Chả riêng anh - em hỡi - chả riêng ai!/ Mình của nhau đã biết mấy buồn vui/ Thêm chút nữa khổ đau - thì em ơi - gắng gượng/ Ta giữ lại giữa lòng ta lửa ấm/ Sưởi cho nhau. Nuôi mãi cuộc đời nhau... (Ta giữ lại lòng ta lửa ấm). Hay đoạn thơ: "Từng là lính. Ta chưa từng sợ chết/ Ung thư ơi! mi hành hạ chi ta?/ Mi chỉ làm đời ta thêm cay đắng/ Thêm khổ đau - khi ta đã sang già! (Đêm bệnh viện)...

"Ta đã có cả tuổi xanh ngang dọc"

Dù trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Hoàng Cát vẫn luôn chan chứa tình yêu cuộc sống. Bởi vì, ông từng là một người lính, từng đối mặt với chiến tranh và cái chết khi tuổi còn rất trẻ: "Ta đã có cả tuổi xanh ngang dọc/ Giữa trận tiền, không hề sợ đạn bom/ Không tiếc cả mạng mình cho Tổ quốc"...

Hoàng Cát quê ở Nam Đàn (Nghệ An), xuất thân trong một gia đình địa chủ, 18 tuổi vẫn còn phải học lớp 7, đến khi đi bộ đội cũng phải 8 lần viết đơn xin mới được đi B. Nhập ngũ năm 1965 vào chiến trường Trị Thiên. Mồng 2 Tết năm Kỷ Dậu (1969), ông làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh Bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5.

Sau khi học xong, việc sản xuất thử cũng đã thành công, ông và đồng đội đang định trở về đơn vị ở Phú Lộc thì bất ngờ bị bom B52 rải trúng công xưởng. Hoàng Cát bị bom hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Ông kể lại rằng, lúc đó chân trái của ông nát như một cái bắp cải bị đập dập. Lúc đó, ông vừa tròn 27 tuổi.

Khi vết thương đã lành, Hoàng Cát được anh em đồng đội cáng dần ra Bắc. Số phận luôn bắt ông đối mặt với tử thần. Vừa cáng rời khỏi bệnh xá một ngày thì gặp một trận càn rất lớn của địch. Ông vẫn nhớ một chiến sĩ tên Linh, đồng hương Nghệ An, cùng một chiến sĩ người dân tộc Tà Ôi cáng ông. Cả ba không may lọt đúng vào điểm đổ quân của máy bay cánh quạt Mỹ. Đồng chí Linh đi trước cáng gục chết ngay tại chỗ.

Trong bài "Trái tim tôi là một nấm mồ", ông viết: "Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa/ Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi/ Địch xả liên thanh, Linh nát người... / Tôi đã chôn cất biết bao bè bạn/ Giữa trái tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi". Người lính dân tộc Tà Ôi lao mình xuống suối. Cái võng cáng ông bị cánh quạt máy bay thổi tốc lên trời. Lúc đó, Hoàng Cát nghĩ mình cầm chắc cái chết. Ông liều bò, lăn xuống sườn dốc. Đêm đến, nghe ám hiệu "tróc chó" của ông, đồng đội người Tà Ôi bò tới. Thấy ông còn sống, đồng chí này liền cõng ông ra trạm chuyển thương.

Tuy nhiên, một lần nữa số phận lại thử thách ông. Vừa ra đến trạm thương binh, ông lại tiếp tục gặp bom, các lán đều bay hết. Chiếc võng ông nằm bị bom giật, cả người, cả võng rơi xuống hầm. Vậy mà ông vẫn sống. Đến năm 1971, ông trở ra Hà Nội với chiếc chân trái giả và một mảnh đạn nằm trong hộp sọ.

Tình yêu văn chương từ nhỏ vẫn tiềm ẩn ở Hoàng Cát, nhưng con đường đến với văn chương của ông lại quá trúc trắc. Bài thơ đầu tiên ông viết có tên "Ngôi nhà 400 khung cửa sổ" in năm 1961 trên báo Lao động. Sau đó, ông đã xuất bản nhiều tập thơ. Thơ vẫn cho ông những đức tin, sự cứu cánh để vững tin, đi tiếp. Và cũng như nhiều nhà thơ khác, Hoàng Cát đắm đuối với thơ và luôn vịn vào câu thơ để sống, để vượt qua bất kì hoàn cảnh khó khăn nào.

Tôi vẫn nhớ lần đầu đến thăm Hoàng Cát, căn nhà ông nằm ở ngõ nhỏ của đường Nguyễn An Ninh. Khoảng sân nhỏ có một cây khế lâu năm trùm lối lên cầu thang. Những chùm khế vàng ươm, lúc lỉu, to bằng vốc tay, ngon mắt đến lạ lùng. Cây khế ấy quả chín, nhiều khi ông vẫn cứ để cho chim về ăn, không vặt.

Trong căn nhà nhỏ ấy, dưới vòm lá khế xanh mát ấy có người vợ hiền cùng ông chèo chống qua bao nhiêu biến cố cuộc đời, vẫn nở nụ cười hiền lành khi ra mở cửa cho khách. Mong rằng, dưới căn nhà nhỏ ấy, dưới bàn tay tần tảo yêu thương ấy, Hoàng Cát sẽ vượt qua mọi thử thách để tiếp tục sống và "viết tiếp những nỗi niềm vui buồn, ấm lạnh - hầu như vẫn luôn luôn tuôn trào trong tâm hồn nhà thơ...".
Thanh Thuận

Bình luận

ZALO