Biên phòng - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ ba ngày (từ 23 đến 25-4). Chuyến thăm được đánh giá là củng cố quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương song cũng không khỏa lấp được những hố sâu bất đồng trong nhiều vấn đề gai góc của khu vực và thế giới.

Hành trang mà Tổng thống Macron mang theo trong chuyến công du Mỹ lần này, ngoài món quà “cây sồi non” - biểu tượng cho tình đoàn kết Pháp-Mỹ trong gần 250 năm qua, là bốn hồ sơ quan trọng, gồm thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria, quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu và vấn đề chống biến đổi khí hậu, trong đó chủ đề quan trọng nhất và cấp bách nhất chính là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đúng như dự đoán của nhiều người, dù khẳng định: "Tình bạn Mỹ-Pháp là hình mẫu cho thế giới từ hơn hai thế kỷ nay", song Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cứng rắn khi bảo vệ quan điểm của mình đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Mỹ đã nhắc lại rằng thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) ký cách đây 3 năm là "thảm họa" và "điên cuồng". Ông Donald Trump còn cảnh báo thỏa thuận này sẽ không ngăn cản chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay việc Tehran hỗ trợ cho các nhóm phiến quân tại Trung Đông. Theo ông, Iran sẽ đối mặt với những vấn đề lớn chưa từng thất nếu như nhà nước Hồi giáo này tái khởi động chương trình hạt nhân.
Về phần mình, Tổng thống Macron vẫn duy trì quan điểm trước đó khi nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân Iran và cho rằng đây là một phần trong vấn đề an ninh tại khu vực Trung Đông. Ông cho rằng văn kiện trên là "sự lựa chọn sẵn có tốt nhất" để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Macron cũng đồng thời lưu ý Paris muốn kiềm chế Iran trong khu vực.
Về vấn đề Syria, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, quân đội Mỹ sẽ sớm trở về sau khi hoàn thành hầu hết nhiệm vụ chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, việc làm này sẽ không diễn ra ngay lập tức bởi Mỹ "muốn để lại một dấu ấn mạnh mẽ và lâu dài" tại Syria. Tổng thống Donald Trump nói thêm rằng, "các nước khác sẽ phải trả tiền cho sự hiện diện quân sự liên tục tại Syria".
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng bàn thảo các vấn đề quan trọng khác như cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, quan hệ thương mại và vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng thống Donald Trump đã đánh giá cao vai trò của Pháp trong liên minh quân sự ba nước Anh, Pháp, Mỹ trong cuộc không kích mới đây tại Syria nhằm đáp trả lại các cuộc tấn công bị nghi có sử dụng vũ khí hóa học. Trong khi đó, liên quan đến việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hồi năm ngoái, Tổng thống Macron cho rằng hai bên còn bất đồng trong vấn đề này, đồng thời cảnh báo các thế hệ tương lai đang lâm nguy nếu không còn văn kiện này.
Có thể nói, vượt qua những quan điểm trái chiều, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Emmanuel Macron tới Mỹ mang lại nhiều hy vọng cho mối quan hệ song phương. Trong chuyến công du được coi là “phép thử” này, Tổng thống Macron, bằng sự chủ động và khôn khéo, đã phần nào thể hiện được vai trò “người đối thoại của châu Âu” với Tổng thống Donald Trump. Với Washington, Paris sẽ là cầu nối không thể thiếu để hàn gắn lại mối quan hệ giữa Mỹ và “lục địa già” châu Âu vốn xấu đi kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức hồi năm ngoái. Ngược lại, Washington vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng hàng đầu của nước Pháp trong tương lai.
Thu Uyên