Biên phòng - Trong nhiều nỗ lực giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai khi làm ăn trên biển, BĐBP Phú Yên đã chú trọng vận dụng hai mô hình: Tổ tàu thuyền an toàn (TTAT) và hệ thống máy đàm thoại để tổ chức cho ngư dân khắc phục sự cố và ứng cứu kịp thời. 10 năm qua, phát kiến này được xem là "công cụ" hỗ trợ đắc lực, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nhất là trong mùa mưa bão.
|
Sử dụng máy đàm thoại để hỗ trợ giúp ngư dân khắc phục tàu thuyền bị hư hỏng và vận động giúp nhau vượt nạn. |
Chuyện chiếc máy đàm thoại
Ông Nguyễn Văn Mười, người thường được cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Đà Rằng, phường 6, TP Tuy Hòa mời tư vấn sửa chữa máy thủy cho tàu thuyền bị nạn trên biển, cho biết: "Khi có tin tàu thuyền bị hỏng máy ngoài biển báo về, anh em Trạm KSBP sẽ liên lạc, gọi thợ sửa. Thợ sửa máy đến trạm gọi ra biển hướng dẫn các thuyền trưởng cách khắc phục sự cố". Với chiếc máy đàm thoại Icom 718 đặt tại trạm, 10 năm qua, ông Mười cùng các "đồng nghiệp" ở cảng cá phường 6 đã có hàng trăm lần đàm thoại hướng dẫn ngư dân cách sửa chữa khắc phục sự cố khi tàu hỏng máy ngoài biển để tiếp tục chuyến đánh bắt. Cũng có khi, do điều kiện trên biển không thể sửa chữa, khắc phục được những hư hỏng lớn, cán bộ, chiến sĩ của trạm còn vận động các phương tiện hoạt động ở gần đó đến cứu vớt người hoặc lai dắt tàu đưa vào bờ.
Minh chứng cho điều ông Mười nói là những dòng thông tin trên những quyển sổ nhật ký theo dõi tàu thuyền được lưu ở tủ hồ sơ của trạm.
Ngày... tháng... năm 2005, 12 giờ 30 phút, từ biển báo về: Phương tiện của ông Nguyễn Văn Minh bị gãy cốt hộp số. Trung úy Nguyễn Lê Trúc Thân gọi ông Mười hướng dẫn sửa chữa... 17 giờ, đã khắc phục, anh Minh tiếp tục đi biển. Chuyến biển 30 ngày, tàu về bến được 3 tấn cá.
Ngày... tháng... năm 2006, tàu PY 90312 của Trần Bông bị gãy láp cách bờ 80 hải lý. Nhờ chú Mười hướng dẫn sửa nhưng không khắc phục được. Biển gió cấp 6, 7; 15 giờ, vận động 3 tàu gồm: PY 92412 của ông Hoàng Vui; PY 92212 của Nguyễn Văn Khánh; PY 92411 của Nguyễn Văn Lam lai dắt. Đi 2 ngày, tàu đã vào bờ...
Con số thứ tự hiển thị trong sổ đã trên 500 với những dòng thông tin liên tục liên quan đến chiếc máy đàm thoại và việc tổ chức ứng cứu. Và dòng tin mới nhất: Ngày 21-2, tại khu vực cách bờ 200 hải lý, chiếc tàu PY 92070 của Trần Hữu Phúc bị gãy cốt số. Trạm mời ông Mười đến tư vấn sửa tàu. Trên tàu không đủ máy móc để khắc phục sửa chữa. Trạm phó Nguyễn Ngọc Ry vận động phương tiện anh Lê Tín lai dắt. Tàu đã về bờ sau 7 ngày.
Trung úy Nguyễn Lê Trúc Thân, Trạm trưởng Trạm KSBP Đà Rằng cũng cho biết, bây giờ, máy Icom đã phổ biến chứ ngày trước, bà con chỉ liên lạc về bờ qua đài Duyên Hải. Song, nhiều khi mạng bị nghẽn thì đành mất liên lạc. "Máy đàm thoại được lắp đặt tại trạm ngày đó là kết quả sau nhiều trăn trở và quyết tâm lớn của anh em trong trạm" - Trạm trưởng Thân bộc bạch. Anh giải thích, những năm khởi phát nghề cá ngừ đại dương, một số tàu thuyền ra giữa biển, không biết có phải vì gặp áp thấp hay gió bão lớn rồi bị nhấn chìm, nhưng đã mất biệt không hề có bất kỳ một thông tin, tăm tích nào trước đó. Người thân mòn mỏi chờ, một tháng rồi hai, ba tháng, mãi vẫn không thấy người đi biển trở về. Vậy là họ phải chấp nhận xem như đã mất tích. Chính những gian nguy bất trắc trên đường làm ăn của ngư dân khiến cán bộ, chiến sĩ Biên phòng không khỏi xót xa. Ý nghĩ giá như có sự kết nối thông tin liên lạc từ bờ ra biển đã thôi thúc. Vậy là anh em tranh thủ ý kiến của các lão ngư, vừa đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, rồi xin hỗ trợ, vừa vận động bà con gom góp. Giữa năm 2004, chiếc máy đàm thoại hiệu Icom 718 trị giá 18 triệu đồng đã được lắp tại trạm. Đây cũng là trạm tiếp nhận và chuyển phát thông tin đầu tiên giữa bờ với ngư dân trên biển nhằm giảm thiểu tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản.
|
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân TP Tuy Hòa bị nạn tại cửa biển được ngư dân trong các tổ TTAT lai kéo về bờ. |
Liên kết vượt nạn
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP Phú Yên cho biết, với việc phát động phong trào "Vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh trật tự khu vực ven biển", năm 2004, BĐBP Phú Yên vận động thành lập tổ TTAT đầu tiên tại thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh. Từ đó đến nay, mô hình đã triển khai rộng trên khắp các xã vùng biển Phú Yên với 102 tổ TTAT, hơn 5.000 ngư dân tham gia. "Qua 10 năm hoạt động, đã có hàng trăm cuộc ứng cứu người bị nạn, giúp nhau lai dắt tàu thuyền bị hỏng máy, phá nước giữa biển vào bờ an toàn. Đáng ghi nhận là từ đó đến nay, ngư dân đã không để xảy ra thiệt hại về người khi có tai nạn, rủi ro" - Đại tá Minh khẳng định.
"Đã liên kết trong một tổ như anh em ruột thịt thì dù khó khăn đến mấy cũng phải có trách nhiệm với nhau, phải cố gắng cứu giúp". Đó là khẳng định của ngư dân Trà Chí Thu, Tổ trưởng tổ TTAT khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa khi kể lại chuyện cứu thành công tàu bị nạn 45CV của ngư dân Lê Văn Lạt. Ngày đó, con tàu của anh Lạt bị phá nước, chìm ngoài khơi ở độ sâu 100m. Anh em trong tổ nhận tin liền đến ngay khu vực tàu bị nạn. Cả tổ đã cột dây, tiến hành lai dắt tàu suốt đêm nhưng không thành công. Qua ngày hôm sau, anh em lại bỏ làm biển để tiếp tục kéo tàu. Sự nỗ lực và kiên trì trong suốt 3 ngày liền của cả tổ đã đưa được con tàu của ngư dân Lê Văn Lạt vào bờ. Bây giờ, nghề biển đã đem đến cho gia đình anh Lạt nguồn thu từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. "Nếu con tàu chìm luôn giữa biển thì tôi đã kiệt quệ và bỏ nghề từ ngày đó" - Anh Lạt xúc động tâm sự.
Phú Yên có trên 7.000 tàu thuyền với hơn 35.000 lao động tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó, gần 700 phương tiện hoạt động xa bờ. Thực tế, đa phần phương tiện tàu thuyền của ngư dân Phú Yên gần như sử dụng lại máy móc mua cũ được đại tu, nhiều thân vỏ tàu gỗ qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng hoạt động trong điều kiện sóng to, gió lớn (theo Phòng Quản lý biển, BĐBP Phú Yên). |
Ông Phan Văn Thuẫn, chủ một tàu đánh bắt xa bờ phường 6 thổ lộ: "Mỗi chuyến ra biển, tiền tiêu tốn ít nhất từ 120 đến 150 triệu đồng. Vậy nên, không dễ gì bà con mình bỏ chuyến biển để kéo tàu bị nạn quay về. Thế nhưng, anh em trong tổ TTAT thì không bao giờ bỏ nhau. Người được phân công lai dắt thì sẵn sàng đi cứu tàu bị nạn. Những người ở lại thì tiếp tục chuyến đánh bắt hải sản và san sẻ, hỗ trợ sản phẩm cho anh em đi làm nhiệm vụ. Điều đó giúp cho tổ ngày càng gắn kết, anh em cộng đồng trách nhiệm, tương trợ nhau.