Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 11:14 GMT+7

"Nóng" tội phạm mua bán người qua biên giới

Biên phòng - Thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp. Chúng dùng đủ chiêu trò từ làm quen, giả vờ yêu đương thậm chí “hóa thân” thành những người “có địa vị xã hội” để đưa “con mồi” vào bẫy. Đau đớn hơn cả là bọn chúng sẵn sàng lừa bán cả chính người thân của mình để kiếm tiền. Trong số các nạn nhân rơi vào “bẫy”, một số may mắn được lực lượng chức năng giải cứu, nhưng phần lớn nạn nhân vẫn biệt tích nơi xứ người.

Bài 1: Muôn vàn chiêu trò của bọn ... "lái người"

Hàng loạt thủ đoạn nham hiểm, ác độc, cùng những lời dụ dỗ ngon ngọt, bọn “lái người” đã giăng “bẫy” khiến nhiều thiếu nữ ở các xã biên giới vùng sâu, vùng xa trở thành những “món hàng” mua đi, bán lại. Thậm chí họ có thể bị bán “sang tay” nhiều lần. Rất nhiều vụ án xảy ra là bài học cảnh tỉnh cho những người nhẹ dạ, cả tin...

5y0bakxep7-6178_f_jnmvbx0i1_anh_2
Những đứa trẻ vùng cao là cái đích mà các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em ngắm đến. Ảnh: Lê Đồng

Từ những lời “đường mật”...

Vừ Thị C, ở thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã bị chính mẹ đẻ và chị gái của mình lừa bán sang Trung Quốc mặc dù đã được giải thoát nhưng vẫn vẹn nguyên nỗi đau. Bị những người thân yêu lừa bán sang bên kia biên giới, sau đó bị bán tới hai lần để làm vợ hai người đàn ông hoàn toàn xa lạ để vừa làm nô lệ tình dục, vừa làm nô lệ lao động. Mặc dù đã mất hết niềm tin vào cuộc sống khi biết mẹ và chị gái ruột là thủ phạm đẩy mình đến bờ vực thẳm, nhưng do sự đày ải vượt quá giới hạn của sức chịu đựng nên trong một lần nói dối chồng chị C đã trốn thoát được về Việt Nam. Mặc dù đã tự giải thoát khỏi “địa ngục trần gian”, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, Vừ Thị C vẫn luôn đau đáu nỗi oán hận người thân, cam chịu mà không dám tố giác tội phạm.

Trong căn nhà tối om như hũ nút, hỏi chuyện, chị Vừ Thị C chỉ nói đúng hai từ “chi pâu” (tiếng Mông là không biết). Qua tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết, trong những ngày đầu tháng 7-2017, thấy hoàn cảnh gia đình riêng của con gái cực khổ, mẹ và chị gái của C “đặt vấn đề” sang Trung Quốc đi làm sẽ được trả công rất cao. Thấy mẹ và chị gái “thương tình" mách nước, chị C không mảy may nghi ngờ, khăn gói lên đường để lại đứa con đầu lòng cho chồng ở nhà chăm sóc.

Sau hơn một ngày đường vượt núi băng đèo, cuối cùng “miền đất hứa” cũng đã hiện ra trước mặt. Tuy nhiên, thay vì vui mừng bởi có công ăn việc làm thu nhập cao thì Vừ Thị C chết lặng người khi biết mình đã bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Chị kháng cự, nhưng được mẹ và chị gái khuyên nhủ “ở với họ sẽ được sung sướng, có tiền gửi về cho chồng con ở nhà”. Nghĩ đến chồng con cực khổ ở quê nhà chị đành cắn răng chịu đựng. Ở đây không được bao lâu, Vừ Thị C lại bị “sang nhượng” cho một người đàn ông khác với thân phận và công việc chẳng khác gì con trâu, con ngựa. Một thân một mình nơi xứ người, một chữ “bẻ đôi” cũng không biết, chị C đành nhắm mắt buông xuôi, chờ thời cơ bỏ trốn. Trong một lần nói dối chồng, chị C đã tìm đường trốn thoát về Việt Nam.

rs2ha8buc9-6178_f_jnmvbx0u2_anh_3
Chị Vừ Thị C luôn sống trong cảnh uất hận người thân mà không giám hé răng nửa lời. Ảnh: Lê Đồng

Trong những ngày sống bên kia biên giới thường bị đánh đập, đe dọa nếu bỏ trốn sẽ bị truy sát, đó là những gì chị Giàng Thị C, ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang kể cho chúng tôi câu chuyện của mình và con gái bị chính người anh trai lừa bán. Cánh đây hơn 1 năm, anh trai chị Giàng Thị C gọi điện rủ sang Trung Quốc làm ăn với mức lương tới 4.000 nhân dân tệ/tháng. Với một nông dân “tay lấm chân bùn” thì đó là mức thu nhập nằm ngoài giấc mơ. Tin tưởng anh trai, chị C cùng con gái là Già Thị M theo anh trai sang bên kia biên giới. Sau nhiều ngày di chuyển hết taxi lại đến xe khách, chị C bị tách khỏi anh trai và nhận ra 2 mẹ con đã bị lừa bán. Tại đây, chị Giàng Thị C phải làm việc vất vả trong một công xưởng, cơm ăn bữa có bữa không.

Được khoảng 2 tháng, chị C trốn ra ngoài nhưng do không biết đường đi lối lại, hỏi chẳng ai hay vì bất đồng ngôn ngữ, lại chẳng “một xu dính túi” nên không thể quay trở về Việt Nam, rồi chị bị những kẻ mua người phát hiện bắt trở lại. Để “giằn mặt” nạn nhân, chúng thường dùng vũ lực “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” không thương tiếc. Sau một thời gian sống trong đòn roi của những kẻ “buôn người”, Giàng Thị C lại tiếp tục bị “sang tay” cho một người đàn ông khác với thân phận của một nô lệ không hơn không kém. May mắn cuối cùng cũng đã đến với chị khi khoảng hơn 1 năm sau, chị đã được cơ quan chức năng nước bạn phát hiện, giải cứu, trao trả về Việt Nam.

Đến manh động...

“Mật ngọt” thì “ruồi” phải chết, nhưng táo tợn hơn là tội phạm mua bán người lân la làm quen nạn nhân sau đó manh động bắt cóc giữa ban ngày hoặc theo lên tận nương, rẫy để khống chế nạn nhân mang đi. Câu chuyện của chị Hoàng Thị V, trú tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang khiến cho chúng tôi phải rùng mình... 

Cách đây hơn 1 năm, khi đang đi làm nương cùng với cô ruột là bà Hoàng Thị Sùng, chị V bỗng giật mình phát hiện 3 thanh niên lạ mặt lân la tiến lại gần. Bất ngờ, một tên xông vào bóp cổ, đập đầu chị V vào gốc cây. Nạn nhân cố sức kêu cứu thì bị những kẻ lạ mặt dùng gậy đập vào đầu bất tỉnh rồi kéo cả hai cô cháu sang bên kia biên giới. Thấy bà Hoàng Thị Sùng đã già không bán được, những tên “đồ tể” trói chặt vào một gốc cây, sau đó tiếp tục kéo chị V đi. Khi bọn bắt cóc mất dạng, bà Hoàng Thị Sùng đã tự cởi dây trói chạy về Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang khai báo sự việc.

Về phần chị V, những kẻ bắt cóc dự tính sẽ mang sang Trung Quốc bán kiếm tiền, nhưng vì biết có người truy đuổi nên bọn chúng nhốt chị vào một hang đá. Tại đây, bọn chúng thay nhau hãm hiếp người phụ nữ, mặc cho nạn nhân kêu khóc van xin. Sau khi thỏa mãn thú tính, bọn tội phạm đã thả chị Hoàng Thị V ra khỏi hang vì chúng biết rằng nếu tiếp tục kéo nạn nhân mang đi thì sớm muộn sẽ bị lực lượng BĐBP bắt giữ. 

5bd1832d455714170600047e
Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang tuyên truyền về thủ đoạn của đối tượng mua bán người cho nhân dân trên khu vực biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Căn cứ lới khai báo của nạn nhân, Đồn Biên phòng Săm Pun đã nhanh chóng xác minh, khoanh vùng đối tượng. Qua điều tra, xác định 3 kẻ bắt chị V là Súng Mí Gấu (SN 1993), trú tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và hai đối tượng người Trung Quốc là Vừ Mí Nô và Vừ Mí Già.

Tại Đồn Biên phòng Săm Pun, đối tượng Sùng Mí Gấu khai nhận, sau khi học hết lớp 9, Y sang Trung Quốc làm ăn và quen các đối tượng buôn người. Từ đó Gấu và đồng bọn thường phục kích tại các đường mòn giáp biên chờ phụ nữ đi qua để bắt cóc. Có trường hợp nạn nhân đi cùng đàn ông chúng vẫn nổ súng đe dọa, bắt lấy phụ nữ, Thời gian qua, chúng bắt và bán được 3 người, thu 21.000 nhân dân tệ và 30 triệu đồng. Số phận những nạn nhân bị chúng bắt cóc bán sang Trung Quốc vẫn chưa biết đã trôi về đâu, sống chết thế nào.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong 5 năm trở lại đây (2013-2018), BĐBP Hà Giang đã đấu tranh, triệt phá thành công 19 chuyên án mua bán người, bắt và xử lý 105 vụ/46 đối tượng, giải cứu thành công 98 phụ nữ, trẻ em đưa về đoàn tụ với gia đình.

Đằng sau mỗi một vụ mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em là nỗi đau của những người mẹ mất con, những người chồng mất vợ, không gì bù đắp được. Số nạn nhân may mắn được giải cứu trở về đoàn tụ với gia đình là rất ít so với thực tế đang diễn ra tại các địa phương. Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này.

Bài 2: Đâu là sự thật của vấn nạn mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em qua biên giới? 

Lê Đồng - Thái Nga

Bình luận

ZALO