Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 07:16 GMT+7

"Nội các tỷ phú" của chính quyền Donald Trump

Biên phòng - Ngày 1-2, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn quyết định của tân Tổng thống Donald Trump đề cử cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil Rex Tillerson làm Ngoại trưởng mới của nước này. Trước đó, Thượng viện cũng phê chuẩn nhiều nhân vật “cộm cán” vào những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

ngoai-truong-my-rex-tillerson
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP

Rex Tillerson - Người ưu tiên việc đất nước trên hết 

Ông Rex Tillerson, 64 tuổi, là Ngoại trưởng thứ 69 của nước Mỹ. Là người gốc bang Texas, ông Rex Tillerson có bằng Kỹ sư Khoa học tại trường Đại học Texas, thành phố Austin. Sự nghiệp của ông bắt đầu tại Exxon năm 1975, khi ông làm việc ở vị trí kỹ sư sản xuất.

Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ và tận tuỵ cho công ty, ông Rex lên cấp quản lý của công ty Exxon, tại bộ phận sản xuất trung tâm tại Mỹ, chịu trách nhiệm cho các hoạt động sản xuất dầu khí tại phần lớn các bang Texas, Oklahoma, Arkansas và Kansas. Năm 1992, ông Tillerson được bổ nhiệm làm tư vấn sản xuất tại Tập đoàn Exxon. Ba năm sau ông trở thành chủ tịch công ty Exxon Yemen và công ty Esso Exploration and Production Khorat. Ngày 1-1-2006, ông được bầu làm chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Exxon Mobil. Ông nắm giữ hai vị trí quan trọng này cho đến nay.

Giống như tân Tổng thống Donald Trump, ông Tillerson không có kinh nghiệm tại bất cứ một vị trí công quyền chính thức nào cả. Giữ cương vị Ngoại trưởng thứ 69 của nước Mỹ, ông Tillerson được cho là một nhà vận động mạnh mẽ và có tầm nhìn rõ ràng cho những lợi ích cốt yếu của nước Mỹ và giúp đảo ngược hậu quả của nhiều năm thi hành chính sách và hành động ngoại giao sai lệch đã làm suy yếu an ninh và vị thế của Mỹ trên thế giới. Nói về ông Tillerson, Thượng nghị sĩ John Cornyn ca ngợi: “Kinh nghiệm và tài năng của ông sẽ phục vụ cho người dân Mỹ. Ông ấy là người ưu tiên việc đất nước trên hết”.

James Mattis - Người được “chọn mặt gửi vàng” 

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn Tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng. Đây là lần đầu tiên kể từ thập niên 1950, một cựu tướng Mỹ trở thành chủ nhân Lầu Năm Góc.

tuong-james-mattis-tuyen-the-nham-chuc-bo-truong-quoc-phong
Tướng James Mattis tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Reuters

Trên cương vị tướng một sao, tướng Mattis từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của thủy quân lục chiến đột kích bằng trực thăng xuống tỉnh Kandahar, Afghanistan, vào tháng 11-2001, thiết lập căn cứ tiền phương cho cuộc chiến chống Taliban sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Trong chiến dịch tấn công Iraq năm 2003, Mattis chỉ huy sư đoàn thủy quân lục chiến số một tiến vào thủ đô Baghdad trước khi trở lại quốc gia này để tham gia trận chiến đẫm máu ở thành phố Fallujah. Tháng 8-2010, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Bộ Tư lệnh miền trung (CENTCOM), trước khi bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama thay thế đột ngột vào tháng 3-2013.

Ông Mattis đặc biệt có thái độ cứng rắn với phía Iran, cho rằng chính quyền Obama quá ngây thơ khi chấp nhận thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Trên thực tế, chính quyền Obama tước chức chỉ huy CENTCOM của Mattis vì liên tục xung đột về đối sách với Iran. Và đây có thể là lý do chính đằng sau việc ông được ông Trump “chọn mặt gửi vàng”.

Ngoài ra, Thượng viện Mỹ đã nhất trí phê chuẩn quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử Hạ nghị sĩ Mike Pompeo vào cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Trên cương vị này, ông Pompeo sẽ chịu trách nhiệm quản lý một mạng lưới điệp viên trải khắp thế giới trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới đang căng thẳng.

Ông Pompeo, 52 tuổi, là nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, từng là một cựu chỉ huy Lục quân và từng tốt nghiệp hạng xuất sắc tại Học viện Quân sự West Point. Ông là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, người chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Barack Obama đã ký kết với Iran.

Vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa cũng được trao cho ông John Kelly, một Tướng thủy quân lục chiến về hưu khác.

Theo tờ The Hill, nội các của ông Trump còn có số lượng tướng kỷ lục. Xét về mặt an ninh quốc gia, các nhân vật này được coi là “nhóm đồng minh” vì chung quan điểm, kinh nghiệm và kỹ năng.

“Nội các tỷ phú” 

Ngoài những vị trí chủ chốt đã được Thượng viện phê chuẩn, một số vị trí quan trọng khác cũng được Tổng thống Donald Trump đề cử. Theo đó, vị trí Bộ trưởng Thương mại được Tổng thống Donald Trump tin tưởng giao cho tỷ phú Wilbur Ross.

ty-phu-wilbur-ross
Tỷ phú Wilbur Ross “lấn sân” sang chính trường. Ảnh: npr.org

Là một trong những cố vấn của ông Trump về các vấn đề kinh tế, tỷ phú Ross đã đưa ra một số kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ từng được ông Trump nêu ra bao gồm nới lỏng quy định, cải cách chính sách năng lượng và tăng cường cơ sở hạ tầng. Theo ông Ross, những biện pháp này sẽ đưa nước Mỹ thực sự trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 3%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo những biện pháp này cùng với kế hoạch cải cách thuế có thể làm tăng lạm phát, thâm hụt thương mại và triệt tiêu khả năng tăng trưởng trong dài hạn.

Theo CNN, trong các thành viên nội các mà ông Trump đề cử, có một số nhà tỷ phú, triệu phú, ba lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs và tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới. Nội các của ông Trump được “định giá” vào khoảng 14 tỷ USD, một nội các giàu nhất từ trước tới nay. Nếu được Thượng viện đồng ý với mọi đề cử của ông Trump thì nội các của ông sẽ có giá trị gấp 50 lần so với tổng tài sản 250 triệu USD của các thành viên trong nội các đầu tiên của Tổng thống George W. Bush. Truyền thông Mỹ gọi nội các của ông Trump là “đội triệu phú” hay “nội các tỷ phú”.

Tờ Los Angeles Times thống kê được rằng, phần đông nội các của ông Trump là người da trắng và nam giới. 15 vị trí quan trọng nhất trong chính  quyền của ông chỉ có một người Mỹ gốc Phi là ông Ben Carson, Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị; một phụ nữ gốc châu Á là Elaine Chao, Bộ trưởng Giao thông; và một phụ nữ da trắng Betsy Devos, Bộ trưởng Giáo dục. Mọi thành viên nội các đều phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn thì mới được bổ nhiệm chính thức. Điều đặc biệt là nội các của tân Tổng thống Donald Trump là chính phủ Mỹ đầu tiên kể từ năm 1988 không có thành viên nào là người Mỹ gốc Latin.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO