Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 05:41 GMT+7

"Nhà thơ" của vạn chài Mỹ Tân

Biên phòng - Anh em ơi, đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo…!" - Tiếng hò của ông Lê Văn Đồng vang vọng làng chài. Mấy chục năm rồi, ông Đồng làm thơ, hát hò để động viên hơn 2.000 ngư dân bám biển Trường Sa vào mùa biển mới.

flun_8-1.JPG
Thơ, hò vè của ông Đồng được xướng lên trong lễ giỗ thần Nam Hải và mở biển.
Cho tàu lượn một vòng ở vùng biển Trường Sa và thả thúng câu mực. Công việc xong xuôi, thuyền trưởng Võ Minh Hiền bật máy Icom để bắt đầu nối sóng với làng chài Cù Lao Mỹ Tân. Sau nội dung thời tiết, thời sự của đất liền và biển là thời gian dành cho hò vè, dân ca. "Biển mênh mông nước xanh sóng lượn/Ánh bình minh mây tượng muôn hình/Con thuyền lướt sóng thinh thinh/Bốn phương biển cả là tình quê hương..." - Thuyền trưởng Hiền lắng nghe "nhà thơ" Lê Văn Đồng gác đài Icom ngâm nga những bài thơ sáng tác tặng dân chài.

Ngư dân Lê Văn Đồng ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn. Xưa kia, ông Lê Vững - cha ông Đồng khuyên con: "Ráng theo nghề biển thì kiếm đủ ăn, không sợ đói". Giờ ông Đồng đã 71 tuổi, sống trọn đời ở làng chài. Ông kể chuyện và ghi lại nắng, gió, cù lao, con cá, cuộc đời của người dân chài bằng một tập thơ đầy dư vị biển. Thơ không xuất bản, chỉ dành tặng cho ngư dân làng chài, những trai tráng ngày đêm bám biển Trường Sa. Với ông Đồng, "đó là cách chia sẻ với ngư dân, tạ ơn người mẹ già Huỳnh Thị Khai đã có công nuôi dưỡng". 

Đời bám biển thấm cảnh sướng, khổ. Sướng nhất là khi cá đóng trắng lưới. Tiếng cá nhảy đồm độp khi giũ lưới trên thuyền. Khổ nhất là những ngày mưa lạnh, rét run, sóng trùm trên đầu. Mỗi khi thuyền vào bến thì phải căng mắt cho thuyền lọt vào cửa, lúc đó, ông Đồng vái thầm: "Ông bà đỡ con thuyền, cản bớt sóng lượn". Sau này, cảm giác đó được ông sáng tác thành thơ: "Gặp khi sóng lớn dạt dào/Kêu ngài ngài đỡ dựa vào cứu dân/Anh em ta khỏe khoắn dần dần/Nhờ ngài cứu độ tấm thân an toàn". Bài thơ này được vạn chài sử dụng trong lễ giỗ thần Nam Hải Đại Tướng quân vào dịp Tết.

Ông Đồng theo cha đi làm biển từ năm 14 tuổi. Ký ức về cửa biển Cổ Lũy, về những vùng biển hút mắt, nước xanh ngắt... thấm vào tâm hồn ông và bật ra thành thơ. Làm thơ để đọc tặng anh em bạn chài. Giờ ông tiếp tục sáng tác thêm các bài hò vè. Biết ông Đồng học mới hết lớp 6, nhưng có tài làm thơ có vần có điệu, năm 1977, các cụ già làng chài đề nghị ông đứng ra sáng tác các phần nội dung hò bả trạo phục vụ cho lễ hội của vạn chài Cù Lao Mỹ Tân. Ngày Tết, làng chài vui như mở hội vì tiếng hò, tiếng thơ lanh lảnh: "Mặt trời lên chiếu ánh hào quang/Vung tay thả lưới dịu dàng/Cá chuồn tung cánh bay đan xòe xòe...".

"Nhà thơ" làng chài nghỉ biển giờ gác đài Icom cho ngư dân. Ngư dân đi Trường Sa rất thích thơ ca, hò vè, vậy là bài thơ từ đất liền được ông Đồng đọc cho những người ngoài đảo. Ngư dân Nguyễn Thìn cho biết, "ngoài đó 3 tháng mới về nên nhớ nhà. Câu mực đêm thức trắng nên anh em buồn ngủ díp cả mắt. Những lúc ấy, đọc thơ của "nhà thơ" Lê Văn Đồng, anh em thấy vui lắm".

Trong căn phòng đặt máy Icom, lão ngư Lê Văn Đồng bật máy Icom và ngâm nga một khúc thơ dành cho các ngư dân trên biển. Tinh thần kiên trì bám biển của ngư dân được góp sức bằng những vần thơ tha thiết, vọng ra từ đất liền:

"Anh em ơi...ơi... đừng thấy sóng cả mà ngả tay chèo...!". Điệu hò vọng ra từ vạn chài Cù Lao Mỹ Tân như chiếc cầu nối đất liền với người nơi khơi xa. Lão ngư dân - "nhà thơ" Lê Văn Đồng nhìn ra phía biển mỉm cười. Những bài thơ ông sáng tác từ năm 1967, giờ thành bài truyền thống của vạn chài Mỹ Tân.
Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO