Biên phòng - Biển miền Trung những ngày đông thường có sương mù dày đặc, thế nhưng, buổi sáng hôm ấy, trời trong veo, con tàu rời vùng biển Cửa Lò chạy như lướt trên mặt nước xanh thẳm. Vậy mà phải mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi mới đến được đảo Mắt - chốt tiền tiêu đầu ngọn sóng xứ Nghệ...
Một anh bạn đồng nghiệp ở báo Nghệ An cho biết, gắn liền với đảo Mắt là huyền thoại về nàng Tố Nương, quê ở vùng An Lạc, Sơn Tây (nay là Hà Nội) lấy chồng quê ở đất Hàm Hoan (nay là Nghệ An). Cả hai vợ chồng đều là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, sau cuộc dấy binh kiêu hùng, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu, họ lưu lạc mỗi người một nơi và nàng Tố Nương quyết định giong buồm về Hàm Hoan tìm chồng.
Gần tới bờ, không may thuyền bị trận phong ba dữ dội, xô dạt vào một hòn đảo lạ. Lúc này, nàng Tố Nương đã kiệt sức, không còn phương tiện vào đất liền. Bị kẹt nơi đảo hoang, ngày ngày, nàng dõi mắt vào bờ, ngóng trông về quê chồng, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Đảo Mắt có tên từ đó - gồm hòn lớn và hòn nhỏ, nối liền nhau, từ đất liền nhìn ra giống cặp mắt người con gái...
![]() |
Tăng gia trên đảo Mắt. |
Về phía ta, cách thời điểm đó 2 năm, do dự liệu trước một cuộc chiến tranh đánh phá quy mô lớn của Mỹ sẽ xảy ra trong một tương lai gần, Đại đội 32 đã được điều ra đảo Mắt làm nhiệm vụ đánh địch tập kích đường không, đổ bộ vào đất liền bằng đường biển trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đồng thời bảo vệ và tiếp chuyển cho các đoàn tàu vận tải hàng hóa, vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Là một trọng điểm ác liệt, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 32 đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, bắn chìm, bắn cháy 14 tàu chiến, bắn rơi 15 máy bay Mỹ.
Cuộc chiến kết thúc, các nhà quân sự tổng kết lại càng thấy rõ vị trí trọng yếu của hòn đảo nhỏ này. Họ ví đảo Mắt chính là "con mắt" có vai trò gìn giữ bình yên suốt cả vùng duyên hải Bắc Trung bộ. Có lẽ, do nhận thấy được vị trí chiến lược quan trọng của đảo Mắt nên những bộ óc chiến tranh chuyên nghiệp đến từ bên kia đại dương đã trút xuống đây khoảng 4.000 tấn bom đạn, tính bình quân, mỗi mét vuông phải "cõng" 2 tấn.
Khói lửa chiến tranh đã ngưng tắt gần 4 thập kỷ, nhưng trong lòng người dân xứ Nghệ, đảo Mắt vẫn chói ngời như một "ngôi sao lửa", ghi dấu niềm tin và ý chí quật cường của thời đại anh hùng. Đứng trên đảo Mắt hôm nay, sóng biển như đang rầm rì kể chuyện về những gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, như liệt sĩ Phạm Hồng Thủ, bị thương nặng với hàng chục vết thương, nằm trên bàn mổ vẫn lạc quan tin tưởng, không một tiếng kêu la.
Gần tắt thở, anh ghi lại quyết tâm: "Nếu tôi không còn cầm súng trực tiếp đánh Mỹ được nữa, thì Đảng cho tôi được cầm bút đánh Mỹ...". Bên những lùm cây xanh, một tấm bia vẫn còn đó, với những dòng chữ rắn rỏi khắc ghi và biết ơn vô hạn đối với các liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh anh dũng cho đảo Mắt mãi trường tồn: "Ngày 17-8-1965, toàn khẩu đội Trương Văn Thủ, Nguyễn Ngọc Linh, Phạm Văn Lưu, y tá Hồ Sỹ Châu đã chiến đấu anh dũng. Bị tên lửa bắn vào trận địa. Người bị thương, chân súng bị gãy, Hồ Sỹ Châu lấy thân mình làm giá súng. Khẩu đội tiếp tục chiến đấu đến phút cuối cùng, bắn tan xác một máy bay AD6 của đế quốc Mỹ, lập thành tích kỷ niệm ngày 19-8".
Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước trao tặng tháng 1-1973 là minh chứng cho ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ đảo Mắt trong những năm tháng đạn bom khốc liệt.
Dường như hôm nay, trời xứ Nghệ dồn tất cả niềm vui cho biển rộng, biển xanh đến tận cùng. Sóng biển dịu êm vỗ nhẹ vào mạn tàu. Từ đất liền ra đảo bây giờ, thời gian đã được rút ngắn rất nhiều so với những năm chiến tranh bom đạn ác liệt, nhưng cũng đủ cho chúng tôi tha hồ ngắm những cánh én xập xòe, chao liệng trên mặt sóng. Biết có đoàn công tác từ đất liền ra thăm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Mắt ra tận bờ biển đón chào trong niềm vui mừng như thể đón những người thân lâu ngày gặp lại.
Trung úy, Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt Lầu Bá Tu là người Mông, quê ở mãi vùng biên Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) cho biết, ngoài nhiệm vụ phòng thủ chiến đấu theo chức năng, đơn vị các anh còn phối hợp chặt chẽ với Đồn BP Cửa Lò - Bến Thủy, Hải đội 2, BĐBP Nghệ An và Cảnh sát Biển Vùng 1 nắm và kiểm soát chặt chẽ tình hình biển đảo trong khu vực đảm nhiệm. Ngoài ra, các anh còn tham gia hướng dẫn tàu bè cập bờ tránh bão, lánh nạn và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn mỗi khi có tình huống xấu xảy ra.
Hàng ngày, việc trực sẵn sàng chiến đấu được đơn vị thực hiện nghiêm túc, triệt để. Nói về đời sống sinh hoạt trên đảo, Trung úy Lầu Bá Tu tâm sự, các phong trào văn hóa, thể dục thể thao được các đoàn viên, thanh niên tích cực triển khai thực hiện. Nhiều môn thể thao như: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn luôn thu hút cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Thông qua các buổi sinh hoạt đồng đội, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chia sẻ tình cảm, tạo bầu không khí dân chủ, vui tươi, lành mạnh, qua đó đã tạo thành sức mạnh tổng hợp để mỗi cán bộ, chiến sĩ hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao. "Tuy xa nhà, nhưng cán bộ, chiến sĩ gắn bó như anh em trong nhà. Vậy nên, khoảng cách giữa đảo với đất liền không có gì xa xôi. Chúng tôi luôn xác định đảo là nhà, biển cả là quê hương" - Trung úy Lầu Bá Tu nói, rồi như không thể giấu nổi niềm vui, anh hát liền hai bài hát về biển đảo quê hương thật hùng hồn cho chúng tôi nghe.
Dứt lời ca của Trung úy Tu, Binh nhì Nguyễn Văn Long, chiến sĩ Trung đội 12,7mm cười mủm mỉm, tâm sự khi tôi hỏi về suy nghĩ của mình khi được làm nhiệm vụ trên hòn đảo tiền tiêu này: "Anh thấy đấy, có cấp trên "đẹp trai hay hát" như anh Tu thì bao nhiêu nỗi buồn vì xa nhà cũng được vơi bớt. Lính trẻ chúng em luôn tự hào và xác định trách nhiệm mà quân đội đã giao phó. Cuộc sống trên đảo còn khó khăn và trách nhiệm công tác rất nặng nề, nhưng em vẫn muốn được ở lại công tác lâu dài trên đảo Mắt...".
Theo chân Binh nhì Nguyễn Văn Long đi thăm doanh trại, mới thấy đất và cây ở đảo Mắt không phụ công vun trồng của những người lính trẻ. Đu đủ, cà chua, bầu bí sai trĩu quả, hồng xiêm, bưởi, na chín lúc lỉu, thấp thoáng đây đó, lũ gà vịt chạy lăng xăng kiếm mồi. Chưa hết, dưới bàn tay tài hoa của những người lính thợ, các loại cây cảnh được tỉa tót, uốn lượn theo nhiều kiểu dáng trông rất đẹp.
Có thể nói, khuôn viên doanh trại của Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt chẳng khác gì một công viên thu nhỏ trên đảo. Dường như thấy ánh mắt ngạc nhiên của khách, Đại úy Trần Văn Thảo, Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết, với lính đảo, không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, mà còn phải có bản lĩnh vững vàng, không được mềm yếu và phải chiến thắng chính mình.
Anh em ở đảo với cuộc sống xa đất liền, gia đình, người thân, nếu không có tình thương yêu lẫn nhau chắc chắn không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Chính vì vậy, việc tạo ra một môi trường doanh trại xanh, sạch, đẹp, gần gũi với đất liền cũng là một phương cách quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ có thêm nguồn động viên, nuôi dưỡng tâm hồn để sống với hoài bão, lý tưởng của mình...
Nghe lời tâm sự của một trong những "thượng cấp" của đảo Mắt, trong mỗi chúng tôi như thấy ấm áp hơn trước những con người đang ngày đêm canh giữ một vùng biển, đảo quê hương. Thật có lý khi ai đó trong đoàn công tác ra đảo lần này đã ví hòn đảo nhỏ giữa trùng khơi như một "ngôi sao lửa".
Cái tên ấy như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại - như muốn nói rằng, đảo Mắt đã được trời đất sinh ra giữa lòng Mẹ Tổ quốc và sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian. Dù gọi theo cách nào, thì cái tên đảo Mắt, với mỗi chúng tôi sẽ mãi còn in sâu trong ký ức về hình ảnh của những người chiến sĩ dũng cảm đang ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo của quê hương.