Biên phòng - Chuyện những người lính Biên phòng trích tiền lương hàng tháng trao tặng cho những học sinh nghèo không còn xa lạ đối với nhiều người dân khu vực biên giới. Người dân cũng không còn ngạc nhiên khi thấy nhiều em học sinh mồ côi được những người lính quân hàm xanh đón về chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ tại đồn Biên phòng.

Một ngày hè oi ả, chúng tôi theo chân những người lính Đồn Biên phòng Bình Minh, BĐBP Quảng Nam tới thăm em Nguyễn Thị Nương, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình. Chúng tôi bước vào trong nhà, thấy hơi nóng từ trên mái phả xuống hầm hập. Các mảng tường đều bị bong tróc, mái ngói xô lệch như sắp sập.
Trong ngôi nhà cũ kỹ, nhỏ hẹp này, 16 năm qua, Nương đã lớn lên trong sự thiếu thốn cả vật chất và tình cảm của bố mẹ. Nói vậy là bởi, 18 tháng tuổi, cô bé này mất mẹ. Không lâu sau đó, người bố vào Nam làm thuê rồi lập gia đình mới, ở luôn trong đó. Người nuôi nấng em là ông bà nội già yếu, năm nay đều gần 70 tuổi. Thu nhập của gia đình bà Hoa (bà nội Nương) chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Ông bà còn có một người con bị bệnh thần kinh đang phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần. Vì thế, gia đình bà luôn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nương đến trường thiếu thốn mọi thứ và luôn thấp thỏm âu lo.
Từ năm 2015, Đồn Biên phòng Bình Minh đã nhận đỡ đầu Nương cùng với 6 học sinh khác. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị góp tiền lương mua tặng mỗi em một chiếc xe đạp và hỗ trợ cho các em mỗi tháng 500.000 đồng/em cho tới khi học hết lớp 12. Chia sẻ với khó khăn của bà Hoa, Đồn Biên phòng Bình Minh còn vận động các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí giúp xây dựng lại ngôi nhà cho gia đình bà. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoa không giấu được xúc động khi nói về tấm lòng của những người lính biên phòng: “Dù được nhà trường hỗ trợ một nửa học phí, nhưng với vợ chồng tôi, chi phí cho cháu học tập vẫn là một nỗi lo lớn. Gia đình tôi rất may mắn khi được các chú bộ đội giúp đỡ. Bất kể mưa, nắng, khi chúng tôi đề nghị giúp đỡ, các chú đều có mặt. Từ ngày con bé được các chú Biên phòng chăm lo, tôi mới thấy yên lòng”.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, tại xã biên giới Bắc Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An, học sinh hay nghỉ học, ở nhà giúp đỡ cha mẹ làm rẫy; thậm chí có trường hợp bỏ học giữa chừng để đi làm hoặc lấy chồng. Với mong muốn các em nhỏ được học hành đầy đủ, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã nhận đỡ đầu 5 học sinh nghèo, trong đó có 2 học sinh nước bạn Lào. Gặp chúng tôi, cô bé Cụt Thị Thu, học sinh lớp 9, ở bản Huổi Cáng 1, do Đồn Biên phòng Mỹ Lý đỡ đầu, chia sẻ: “Các chú BĐBP thường tới thăm, tặng gạo, quần áo, vở viết cho cháu. Cháu rất quý các chú. Cháu ước mơ trở thành cô giáo để dạy học cho các em nhỏ trong bản”. Không phụ lòng các chú bộ đội, Thu luôn chăm chỉ học tập và đạt kết quả khá, giỏi trong nhiều năm liền.
Ở xã biên giới Sơn Vỹ, Mèo Vạc, Hà Giang, những người lính Biên phòng Lũng Làn đã trở thành điểm tựa của nhiều hộ dân, trong đó có gia đình ông Già Chứ Mua, bản Cò Súng, người đang nuôi dưỡng Già Mí Ly; Ly cũng là “con đỡ đầu” của Đồn Biên phòng Lũng Làn. Đường vào nhà Ly đầy đá hộc, khấp khểnh như sống trâu. Trên con đường ấy, cứ chiều Chủ nhật hàng tuần, Ly đi tới trường rồi trưa thứ 6 lại đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ về nhà. Hoàn cảnh của Ly khiến ai biết chuyện cũng đều chạnh lòng. Mẹ em đau ốm thường xuyên, nhưng không có tiền mua thuốc chữa trị. Khi Ly được hơn 1 tuổi thì mẹ qua đời.
9 tháng sau, bố của em cũng mất sau một đêm đau bụng quằn quại. Ly và người em được bác Mua đón về nuôi dưỡng, bữa đói, bữa no, áo không đủ ấm. Ly ước mơ được đi học để làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Điều ước của Ly có lẽ sẽ bị bỏ dở giữa chừng nếu không có sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Lũng Làn. “Nó thích đi học, nhưng gia đình tôi nghèo quá. Tôi nghĩ nếu khó khăn quá, sẽ phải cho nó nghỉ học” – Ông Mua nói. Thấu hiểu khó khăn và muốn chắp cánh cho ước mơ của Ly, Đồn Biên phòng Lũng Làn đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí học tập cho em.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã giúp hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tới trường, qua từng năm học có chuyển biến tích cực trong cả học tập, rèn luyện. Kết thúc năm học 2016-2017, có 33 em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” tốt nghiệp lớp 12, trong đó có 7 em đỗ vào các trường đại học. Chương trình đã được lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được Trung ương Đoàn bình chọn là Công trình Thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2016”.
Nương, Thu và Ly là ba trong số hàng ngàn học sinh được những người lính biên phòng tiếp sức nuôi dưỡng ước mơ thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2014 đến nay. Khởi nguồn chương trình nhân văn này là từ việc thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, do Quân ủy Trung ương phát động. Cụ thể hóa cuộc vận động này, Cục Chính trị BĐBP đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường” trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, nòng cốt là các tổ chức Đoàn cơ sở trong BĐBP. Theo đó, mỗi tổ chức Đoàn cơ sở nhận đỡ đầu ít nhất 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tuyến biên giới và đỡ đầu ít nhất 1 em học sinh nước láng giềng Lào, Campuchia, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng, cho tới khi học hết lớp 12.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, đã có hàng ngàn học sinh được nhận đỡ đầu trong chương trình (năm học 2014-2015, đỡ đầu 1.015 em; năm học 2015 – 2016, đỡ đầu 2.327 em; năm học 2016-2017, đỡ đầu 2.844 em). Đầu năm học 2017-2018, số học sinh được nhận đỡ đầu trong chương trình là 2.802 em, trong đó có 87 học sinh nước Lào, 91 học sinh nước Cam-pu-chia, 820 em mồ côi, 40 em được nuôi dưỡng tại đồn Biên phòng (tăng 21 em so với năm học 2016-2017).
Bên cạnh việc hỗ trợ bằng tiền mặt, các tổ chức Đoàn cử cán bộ, đoàn viên, thanh niên thường xuyên phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương kèm cặp, giúp đỡ các em học tập tiến bộ. Nhiều đơn vị tổ chức thường xuyên các bữa ăn cho các em được nhận đỡ đầu. Các tổ chức Đoàn BĐBP đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây mới 3 trường và điểm trường, 15 lớp học bán trú, củng cố 20 nhà ở giáo viên trên biên giới trị giá 3 tỷ đồng.n
Bích Nguyên