Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 06:02 GMT+7

"Mỗi người Việt Nam học được rất nhiều từ Đại tướng"

Biên phòng - Cuộc đời của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, mà tên thân mật là anh Văn luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại tướng là người đức tài trọn vẹn, cả cuộc đời luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Bác Hồ "Dĩ công vi thượng", nghĩa là luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng và dân tộc lên trên hết.

57c395fe15be4d826b000080
Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1964). Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của người vẫn luôn sống mãi với non sông đất nước. Tấm gương trong sáng từ vị "Đại tướng của nhân dân" đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.  Trước ngày Đại tướng đi xa, chúng tôi có dịp ngồi tâm sự với Đại tá Nguyễn Huyên, phụ trách Văn phòng Đại tướng để trao đổi một số công việc và nghe anh tâm sự những điều học được từ những năm tháng giúp việc cho Đại tướng.  Sau một thoáng trầm ngâm, Đại tá Huyên tâm sự: Được trực tiếp giúp việc anh Văn, tôi và anh em học được rất nhiều điều ở Đại tướng. Nhưng hôm nay chỉ kể được một đôi điều thôi! Tôi nghĩ không chỉ mỗi người Việt Nam chúng ta, mà nhất là thế hệ trẻ cũng sẽ học được rất nhiều từ Đại tướng.

 Điều đầu tiên mà chúng tôi học được ở Đại tướng là tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Tuổi trẻ của Đại tướng đã phải xếp bút nghiên lên đường đấu tranh cách mạng cứu nước, cứu dân. Trong khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng, Đại tướng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt, đi vào quần chúng vận động cách mạng, phát triển lực lượng chính trị, tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân cùng với toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù tàn bạo.

Trong chỉ huy chiến đấu, Đại tướng đã kiên cường, mưu trí, sáng tạo đánh địch với tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong mọi tình huống, lập nhiều chiến công oanh liệt. Trong thời kỳ xây dựng, Đại tướng đã đem hết sức lực và trí tuệ làm việc ngày đêm, góp phần vào lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng đất nước. Vào đầu những năm 1980, Đại tướng được Đảng giao phụ trách, chỉ đạo hai lĩnh vực khoa học và giáo dục. Ông đã đem hết nhiệt tình trách nhiệm để nghiên cứu học tập và làm việc. Có thể nói, nhờ trí tuệ uyên thâm, nhờ kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy trong quân đội lại biết cách tự nghiên cứu học tập về hai lĩnh vực mới, nên những ý kiến chỉ đạo của ông sát thực tiễn và đúng đắn, được các nhà khoa học, các nhà giáo dục đón nhận với một tình cảm chân thành, tin tưởng và kính trọng.

Tôi còn nhớ có lần bà Nguyễn Thị Bình, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói đùa: "Quân của anh Văn bây giờ còn đông hơn cả ngày xưa nhiều lần rồi!". Ý bà muốn nói, trước đây Đại tướng chỉ huy chỉ có một triệu quân, còn ngày nay ông đang chỉ huy đội ngũ mấy chục triệu giáo viên và học sinh, sinh viên cả nước. Đại tướng luôn là người có uy tín lớn được các cấp, các ngành, địa phương ủng hộ, tin tưởng, bởi trước hết, con người ông luôn vì dân, vì nước, sống gần gũi thân ái với đồng bào, đồng chí lại lãnh đạo chỉ huy hết sức thực tiễn, năng động, sáng tạo...

Điều thứ hai học được ở Đại tướng là tinh thần luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Cả cuộc đời mình, ông luôn tâm niệm lời Bác "Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng", "phải phục tùng tổ chức". Bởi thế, có những lúc đụng đến một vấn đề gì phải cân nhắc, ông lại nhớ lời Bác dạy. Sau Đại hội Đảng lần thứ V, ông đi thăm Nghệ Tĩnh, có đồng chí cán bộ ở địa phương gặp, thấy ông vẫn khỏe, liền nói: "Anh còn khỏe thế này sao lại rút khỏi Bộ Chính trị?"

Ông cười bảo, đó là do tổ chức phân công và mình vào Đảng có phải để làm Bộ Chính trị đâu! Trong thực tế, chúng ta thấy có những người lợi dụng chức quyền lo cho con, cháu, tư lợi cá nhân, nhưng với Đại tướng, con cháu, người thân và kể cả những người giúp việc cũng không hề có một đặc ân nào. Tôi còn nhớ trước đây có đơn vị xây cho Đại tướng một căn nhà ở TP Hồ Chí Minh để những lần vào công tác có chỗ nghỉ ngơi, nhưng ông không nhận. Những lần vào phía Nam, ông thường nghỉ ở nhà khách của Trung ương, Chính phủ theo đúng chế độ tiêu chuẩn. Anh em giúp việc chúng tôi cũng vậy, không ai lợi dụng uy tín của Đại tướng để trục lợi cho riêng mình.

Điều thứ ba học tập ở Đại tướng là tác phong làm việc dân chủ, tập thể. Ông là con người làm việc dân chủ, tập thể, thương yêu cấp dưới. Bất kể công việc gì, ông cũng luôn coi trọng việc bàn bạc tập thể. Công việc liên quan đến ngành nào thì ông họp bàn với ngành ấy, luôn coi trọng lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Quá trình tiếp xúc không ít ý kiến trái chiều, nhưng Đại tướng vẫn vui vẻ nghe, bởi thế nên đi đâu cũng thấy mọi người mạnh dạn nói với ông những suy nghĩ, thắc mắc của mình, kể cả những điều khác ý ông. Nghe rồi, ông thường gọi chúng tôi và các cán bộ cùng đi trao đổi, xem xét thực tiễn để chỉ đạo. Đại tướng là người quan tâm đến cấp dưới, thường hỏi thăm tình hình gia đình anh em, hầu như Tết năm nào, ông cũng dành thời gian đến nhà thăm hỏi, chúc Tết anh em giúp việc và bảo vệ.

 Là cán bộ nghiên cứu, chúng tôi học ở Đại tướng quan điểm thực tiễn. Trong thời gian phụ trách chỉ đạo hai lĩnh vực khoa học và giáo dục, ông đã chú trọng công tác điều tra cơ bản để biết thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Ông trực tiếp cùng cán bộ khoa học, cán bộ quản lý các ngành đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu vấn đề phát triển nông nghiệp toàn diện, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc… vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, sinh thái. Đại tướng đến các địa phương có biển, đảo để nghiên cứu vấn đề kinh tế biển, đảo và khoa học về biển.

Tôi nhớ thời kỳ Quân đội làm kinh tế, ông xuống tận nơi xem các đơn vị bộ đội làm kinh tế như thế nào. Ông dành nhiều thời gian đi thăm, làm việc ở các trường phổ thông, đại học, Viện nghiên cứu khoa học… Mỗi khi đến làm việc ở đâu, ông thường cho cán bộ đi trước nắm bắt tình hình, nghe anh em báo cáo và kiến nghị, đề xuất rồi mới nghe lãnh đạo địa phương và đơn vị báo cáo để hiểu sâu thêm vấn đề. Có những lần đi địa phương, ông mời cả Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng đi cùng để trao đổi ý kiến. Bởi vậy, những ý kiến ông nêu ra đều sát thực tiễn lại cụ thể nên người nghe rất tin tưởng và trân trọng. 

Học tập ở ông tinh thần tự học, học tập suốt đời. Là một cán bộ trí thức, nhưng ông vẫn luôn coi trọng tự học tập để làm giàu trí tuệ của mình. Ông học bằng nhiều cách: Học trong thực tiễn như trên đã nói. Học trong sách, tự đọc và phân công người đọc rồi nghe anh em báo cáo lại. Ông rất chú trọng phương pháp học tập bằng cách nghe ý kiến các chuyên gia, giành thời gian nghe các nhà khoa học đầu ngành trình bày lĩnh vực của mình, cả tình hình thế giới và trong nước về lĩnh vực ấy như thế nào. Một cách học nữa là ông rất chăm nghe thời sự và ông thường nhắc nhở chúng tôi phải theo dõi thường xuyên tình hình thời sự trong nước, thế giới.

Tôi nhớ trước đây, việc nghe đài BBC gần như bị cấm, vậy mà ông bảo chúng tôi cần nghe xem họ nói về ta thế nào để  biết mà phân tích tình hình. Có thời gian buổi sáng sớm hằng ngày, Đại tướng vừa đi tập thể dục, tôi vừa đi theo mang các bản tin để báo cáo về  thời sự. Mỗi lần đi công tác địa phương, đơn vị, ông không quên nhắc chúng tôi đem theo đài, sách, báo đi cùng. Là con người của công việc, đối với ông mỗi ngày phải cập nhật được những thông tin mới. Ngày nghỉ, ông hay đi ra ngoài để hiểu tình hình, gặp gỡ người nông dân, nhà khoa học, người lính để hỏi chuyện.

Có lần ngày Chủ nhật, chúng tôi đề nghị ông phải dứt hẳn ra một ngày để nghỉ ngơi cho thoải mái, nhưng không ngờ Đại tướng bảo: "Các cậu tưởng cho mình nghỉ ngơi như vậy là thảnh thơi à, một ngày mà đầu óc không có thêm thông tin mới thì có cảm giác trì trệ, còn mệt mỏi hơn!". Từ đó, những ngày Chủ nhật, chúng tôi thường tổ chức cho ông đi ra ngoại thành vào nhà dân, nhà cán bộ để thăm hỏi, biết thêm tình hình. Khi thì vào một trường học, khi thì vào thăm hợp tác xã, đơn vị bộ đội… những lần đi như vậy đều không báo trước, cứ gặp ai thì hỏi.

Đại tướng là con người coi trọng bình đẳng nam nữ. Tôi nhớ mấy lần có đoàn đến làm việc, nhiều lúc anh em nam giới hay nhanh chân ngồi cả lên hàng đầu. Thấy thế là Đại tướng lại mời vài chị em cùng ngồi lên hàng trên và vài đồng chí nam giới phải nhường chỗ, ngồi xuống hàng dưới. Có địa phương lên thăm ông, thấy trong đoàn không có phụ nữ, ông liền hỏi lãnh đạo đoàn: Ở địa phương các đồng chí không có phụ nữ tham gia cơ quan lãnh đạo hay sao mà không thấy có chị em nào trong đoàn? Phụ nữ là một nửa của đất nước, như vậy là các đồng chí chưa tôn trọng phụ nữ. Những sự kiện cụ thể nói trên đã làm chúng tôi nhớ mãi.

Đại tá Nguyễn Huyên còn cho biết, là những người gần gũi và giúp việc cho Đại tướng và gần như cả cuộc đời gắn bó với số nhà 30 Hoàng Diệu, anh em trong Văn phòng ai nấy đều bàng hoàng, xúc động và cảm thấy mất mát thật to lớn khi được tin Đại tướng ra đi. Những ngày cả nước viếng Đại tướng, anh em hầu như quên cả việc nhà, cùng gia đình Đại tướng lo mọi người dân đến viếng Đại tướng được an toàn, thuận lợi nhất.

Đó là những ngày anh Huyên được chứng kiến tình cảm của đồng bào, đồng chí và mọi tầng lớp nhân dân trong nước, bè bạn quốc tế dành cho Đại tướng. Rất nhiều người đến từ đêm để xếp hàng vào viếng Đại tướng. Mọi người xếp hàng một cách tự nguyện và trật tự, nét mặt ưu tư, lặng lẽ vào viếng Đại tướng theo chỉ dẫn của các chiến sĩ cảnh vệ. Có những thương binh đi từ Hà Giang xuống, đạp xe từ Thừa Thiên Huế ra; có người không đi được đã nhờ người thân cõng đến viếng… Từ "nam, phụ, lão, ấu" đến đồng bào các dân tộc, các tôn giáo đã vào viếng Người anh cả đáng kính của QĐND Việt Nam. Nhìn cảnh đồng bào đứng chật hai bên đường từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đến sân bay Nội Bài và từ sân bay Đồng Hới lên Vũng Chùa, Quảng Trạch (Quảng Bình), mỗi quãng đường dài mấy chục cây số càng thấu hiểu tình cảm của đồng bào, đồng chí cả nước, bè bạn quốc tế dành cho Đại tướng.

Sau ngày Đại tướng đi xa, nhiều đồng bào, đồng chí mỗi khi đi qua số nhà 30 Hoàng Diệu đều dừng chân nhìn ngôi nhà này, có người còn đứng vái. Với họ, đó không chỉ là ngôi nhà thân yêu mà Đại tướng đã sống và làm việc, mà sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người, nơi đây đã trở thành bảo tàng, nhà lưu niệm về vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc và các thế hệ người Việt Nam.

Đại tướng giờ đã đi xa, nhưng tài năng, đức độ và tinh thần "Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng" của ông mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta. Một con người suốt đời vì nước, vì dân, đúng như Đại tướng vẫn thường nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".

Lê Quý Hoàng

Bình luận

ZALO