Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 03:50 GMT+7

"Mất mát lớn lắm, nhiều hộ dân chỉ trong phút chốc bỗng trắng tay..."

Biên phòng - Đã 7 ngày trôi qua, nhiều người dân bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá khủng khiếp của trận lũ kinh hoàng. Cơn lũ dữ đã cuốn phăng tất cả theo dòng nước. Bản Poọng hoàn toàn bị cô lập với miền xuôi.

qerb63jnih-4275_f_jlqctg5y0_anh_1
Người dân bản Poọng được sơ tán về Đồn Biên phòng Tam Chung. Ảnh: Lê Đồng

Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện vùng cao biên giới Mường Lát, nơi có 89 hộ với 418 nhân khẩu chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra trong những ngày vừa qua.

Mưa lũ đã cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa của 65 hộ dân, 24 hộ còn lại bị ngập trong bùn đất. Cơn lũ đi qua, bản làng vùng cao biên ải này, đi đến đâu cũng gặp cảnh hoang tàn đổ nát bởi tài sản, vật nuôi, hoa màu đều bị cuốn trôi theo dòng lũ hoặc nằm vùi dưới lớp đất đá, hạ tầng giao thông bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở.

Căn nhà sàn kiên cố của gia đình anh Lò Văn Quyền chỉ trong phút chốc đổ nát do lũ, cả nhà anh phải di dời về Đồn Biên phòng Tam Chung. Tranh thủ lúc nắng ráo, anh trở về nhặt nhạnh những đồ dùng còn sót lại. “Chẳng còn gì cả, căn nhà kiên cố là sự nỗ lực của gia đình tích góp bao nhiêu năm qua, giờ chỉ còn đống đổ nát, không biết những ngày tới đây sống bằng cách nào đây, trắng tay rồi”- Anh Quyền nghẹn ngào tâm sự.

9p2d1wmlub-4275_f_jlqctg6q1_anh_2
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung giúp dân bản Poọng dựng lại nhà cửa sau cơn lũ. Ảnh: Lê Đồng

Đã 1 tuần trôi qua, hàng trăm người dân bản Poọng vẫn chưa hết bàng hoàng khi thấy nước lũ đổ về cuồn cuộn, cuốn phăng tất cả tài sản của người dân. Trên gương mặt vẫn còn nỗi sợ hãi khi cả gia đình thoát nạn trong trận lũ và sạt lở đất, đá vào ngày 31-8, anh Lò Văn Mày kể về giây phút kinh hoàng khi cơn lũ ập tới. “Hôm đó, lũ trên núi lao xuống cuồn cuộn, đất đá rơi xuống ngổn ngang, quá hoảng loạn tôi chỉ biết kéo vợ con chạy càng xa càng tốt. Khủng khiếp quá, chỉ trong phút chốc, căn nhà kiên cố của gia đình đã bị vùi trong đất đá. Không thể tin nổi, tất cả tài sản, vốn liếng tích góp nhiều năm qua của gia đình giờ chẳng còn gì cả”.

Không để người dân thiếu thực phẩm, nước uống, Đồn Biên phòng Tam Chung đã huy động cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn tổ chức sơ tán, di chuyển hàng trăm người dân ở bản Poọng qua các khu vực sông suối nguy hiểm về trú tại đơn vị; đồng thời, bố trí chỗ ăn ở, hỗ trợ lương thực và nước uống cho người dân, tổ chức cấp cứu kịp thời những người bị thương.

Đứng dậy sau lũ dữ, làm lại từ đầu, ông Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng chia sẻ: “Mất mát lớn lắm, nhiều hộ dân chỉ trong phút chốc bỗng trắng tay, nhưng không vì thế mà người dân chúng tôi chùn bước, chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua, động viên nhau làm lại từ đầu. Hiện tại, một số người dân quay trở lại nhặt nhạnh những gì còn sót lại trên nền nhà đã bị san phẳng”.

5p9t86meqk-4275_f_jlqctg772_anh_3
Tranh thủ lúc trời nắng ráo người dân bản Poọng trở về nhà nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau cơn lũ. Ảnh: Lê Đồng

Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ như nối lại sóng liên lạc sau 5 ngày bị mất, khắc phục các điểm sạt lở vùi lấp tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 15C, 16C nối các huyện miền xuôi với huyện Mường Lát... song thiệt hại là rất lớn. Công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương, đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch lên huyện Mường Lát do các tuyến đường này vẫn chưa thể thông tuyến do khối đất đá sạt lở quá lớn. Hiện nay, nếu muốn lên huyện Mường Lát chỉ còn cách di chuyển bằng xuồng theo thượng nguồn Sông Mã.

Trung tá Phan Doãn Kiểu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết: “Trận lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho người dân bản Poọng. Trước tình hình trên, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ tập trung tiếp cận vào bản Poọng để nhanh chóng di chuyển các hộ dân về đơn vị ăn, ở tạm; bố trí, sắp xếp, sơ tán nhân dân vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến các khu vực an toàn. Kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục các tuyến giao thông huyết mạch, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Vấn đề chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là công tác cứu trợ từ bên ngoài vào bản Poọng gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu về lương thực, thuốc men, nước uống của người dân rất cấp thiết”.

Ngày 5-9, huyện Mường Lát đã nhận được 4 tấn gạo đầu tiên trong tổng số 10 tấn gạo cứu trợ từ UBND tỉnh Thanh Hóa sau nhiều ngày bị cô lập do mưa lũ. Để vận chuyển được 4 tấn gạo lên Mường Lát khá vất vả do tuyến đường Quốc lộ 15C, 16C (tuyến đường bộ duy nhất vào huyện Mường Lát) đã bị ách tắc hoàn toàn. Hiện, chính quyền phải đưa gạo từ khu vực tập kết lên Đồn Biên phòng Trung Lý, sau đó, cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý cùng chính quyền địa phương vận chuyển bằng xe máy vượt qua các đoạn đường sạt lở, rừng núi hiểm trở và dùng ca nô vận chuyển theo dòng sông Mã về trung tâm huyện Mường Lát.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO