Biên phòng - Nét mặt tươi tắn, phong cách dễ gần, chị bước vào lớp tập huấn cho người khuyết tật (NKT). Trong không gian của những người đồng cảnh đang ngồi phía dưới, chị bừng lên như một đốm sáng nhỏ. Không chỉ thành đạt trong công việc, chị còn là một trong số ít những phụ nữ khuyết tật có được hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống gia đình. Chị là Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA), một tổ chức hỗ trợ nâng cao năng lực cho NKT.
|
Hạnh phúc với chị Oanh là luôn nắm bắt và cảm nhận từng phút giây sống. |
Hiện tại, công việc chính của chị Oanh trong Ban IDEA là quản lý, tư vấn, trợ giúp các địa phương trong cả nước thành lập các nhóm tự lực của NKT. Cùng với nhiều hoạt động từ những dự án khác nhau như đào tạo, tập huấn, tổ chức hội thảo, sự kiện, hỗ trợ kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng mềm, mô hình sinh kế nhỏ, quản lý tài chính, khởi sự kinh doanh. Bằng công việc hàng ngày của mình, chị cùng đồng nghiệp đang ngày càng mang lại nhiều sự tự tin, công bằng hơn cho NKT.
Chị Oanh chia sẻ, sau hơn 20 năm nỗ lực làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ NKT, chị thấy vui vì khác thời của chị, NKT thường chỉ bó hẹp với những công việc như may vá, đan lát, thì bây giờ, với những kiến thức và kỹ năng mà họ nhận được từ các tổ chức xã hội, rất nhiều NKT đã tự tin hòa nhập cộng đồng, trở thành những giám đốc công ty, những chủ doanh nghiệp hay có được công việc tốt. Tuy nhiên, đối với NKT, có được điều đó là cả một quá trình gian nan, phấn đấu để vượt qua. Và việc tham gia vào các nhóm tự lực của NKT chính là điểm khởi đầu giúp họ hình thành nên quá trình đó. Chị Oanh còn cho biết, phần lớn những NKT khi mới tham gia nhóm đều rụt rè, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ vui vẻ, tự tin hẳn lên và rất gắn bó với nhau. Những người đồng cảnh cùng tham gia các hoạt động, người nọ hướng dẫn người kia, động viên nhau chiến thắng những trở ngại do khiếm tật của mình để tự phục vụ trong khả năng có thể. Bản thân là một NKT nên hơn ai hết, chị Oanh hiểu điều quan trọng nhất giúp NKT tự tin là cảm giác không bị phụ thuộc vào người khác.
Chỉ tay lên bức tranh treo trên tường, chị Oanh kể với tôi về điều mà những NKT khi mới tham gia nhóm tự lực thường trả lời mỗi khi chị đặt câu hỏi: "Bạn có thể lấy nó xuống được không?". "Em có thể làm được nhưng mà khó lắm". Những NKT trước đây chỉ ở trong nhà, nhận sự chăm sóc, trợ giúp của những người thân, họ thường không có ý niệm rằng, họ hoàn toàn có thể làm được nhiều việc, nếu cố gắng. Chị Oanh cho rằng, sự cố gắng là điều mà ai cũng cần phải có, nhưng đối với NKT, sự cố gắng đó đòi hỏi nhiều hơn bất kỳ ai về cường độ và sức lực. Nhưng mọi điều sẽ trở nên giản đơn hơn, nếu nó được hình thành như một thói quen để phục vụ những sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Chúng ta hãy hình dung, khi một NKT với tay lấy một chiếc cốc, người khác có ý lấy hộ, nhưng họ bảo để họ tự làm và nghĩ cách để có thể lấy được nó. Hôm nay, họ cố gắng tự lấy được cái cốc thì ngày mai, họ lại muốn cố gắng để làm được những việc khó hơn và dần dần sự cố gắng đó đã trở thành ý thức trong họ lúc nào không hay. Họ đã không còn phải phụ thuộc vào người khác và họ thấy hạnh phúc. Cũng kể từ đó, họ đạt được những thành công mà trước đây họ không bao giờ nghĩ tới, mặc dù tất cả những việc mà NKT làm đều cần nhiều thời gian hơn những người khác rất nhiều. "Nếu không có phương tiện nào khác, đừng lãng phí thời gian ngồi ao ước, cứ đi, dần rồi cũng tới đích", đó là điều chân thành nhất mà chị muốn chia sẻ với những người đồng cảnh. Bởi đó chính là những đúc rút của chị Oanh sau những trải nghiệm gian nan của bản thân, suốt một thời tuổi trẻ.
Xóa nhòa ranh giới
Đến bây giờ, chị Oanh vẫn còn ám ảnh bởi những năm tháng mình phải chạy chữa bệnh tật khắp nơi. Thời bao cấp, nhà ai cũng khó khăn, chị Oanh là con cả trong gia đình có 5 anh chị em. Hình ảnh đứa con đầu lòng, mới 2 tuổi đã bị bệnh khiến mẹ chị quyết tâm chữa chạy cho chị. Vì mẹ chị Oanh còn vướng bận 4 đứa em nhỏ, nên mỗi đợt đi chữa trị hàng năm trời, thường chỉ có một mình. Chị đã trải qua bao nhiêu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Phòng chị Oanh nằm điều trị nhiều khi cạnh nhà xác, tiếng la hét, khóc lóc dội vào tai, nhưng chị Oanh đã vượt trên tất cả chỉ với hy vọng đôi chân của mình sẽ lành lặn trở lại. Cứ nuôi hy vọng như thế, trường kỳ suốt mấy chục năm trời. Cho đến khi chị Oanh nhận ra rằng, tập trung sức lực, ý chí vào những điều không thể chỉ càng làm cho mình tổn thương và mất thời gian, tiền của hơn, chị kiên quyết dừng hẳn việc chữa bệnh, sau bao nhiêu năm chạy chữa không có kết quả. Rồi tình yêu đến với chị. Anh là một giảng viên trường Đại học Dược, sau 7 năm yêu nhau, vượt qua bao trở ngại và cũng bằng ấy năm, anh đồng hành cùng chị trên hành trình của những hy vọng mong manh ấy. Sau khi con trai chị đã vào lớp một, chị bắt đầu tham gia sinh hoạt trong nhóm tự lực Vì tương lai tươi sáng. Tại đây, chị đã tham gia các khóa đào tạo, các hoạt động cộng đồng, cứ thế dần dần chị trưởng thành và phát triển cho đến thành công như ngày hôm nay. Ngoài chị Oanh, trong nhóm tự lực của chị ngày ấy cũng có rất nhiều anh chị khuyết tật thành đạt, trở thành những người có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào của NKT Việt Nam.
|
Mỗi ngày, cùng với các đồng nghiệp, chị Oanh đang nỗ lực mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho NKT. |
Trong căn phòng làm việc bài trí đơn giản, hài hòa với những bức tranh, ảnh và những lọ hoa rực rỡ, nhìn chị thật tươi tắn, đằm thắm với giọng nói nhẹ nhàng của người con gái Hà thành. Mà thật lạ, những loại hoa quen thuộc mà người ta vẫn nhìn thấy hàng ngày, dưới bàn tay chị Oanh đều trở nên thật khác lạ và có hồn. Nếu như hoa violet thường hay được cắm chung với thược dược, thì chị Oanh lại cắm nó với loa kèn, một lọ thược dược đơn sắc đỏ tạo cảm giác thật tươi mới. Chị Oanh say sưa nói với tôi về ngôi nhà của mình, nơi mà các thành viên trong gia đình, chồng chị, con trai chị luôn muốn được trở về mỗi ngày. Bởi không hời hợt, chị luôn nghĩ ra cách thức để làm cho nó sinh động, mọi chi tiết trong sinh hoạt hàng ngày, mọi ngóc ngách của ngôi nhà luôn được chị hướng tâm đến. Chị thích sắp đặt, đảo vị trí của những đồ đạc trong nhà, ngắm nghía thay đổi, thêm bớt một chút.
Tôi hỏi chị có buồn không vì khiếm khuyết của mình, chị bảo, đã từ lâu, chị quên hẳn cảm giác mình là NKT. Chị đang có một gia đình hạnh phúc viên mãn với người chồng thành đạt (chồng chị là PGS-TS Nguyễn Duy Thuần, hiện là Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam), đứa con trai duy nhất của chị hiện là giám đốc một công ty về công nghệ thông tin; chị có một công việc với động lực mang lại cuộc sống tích cực hơn cho NKT. “Hạnh phúc với mỗi người là sự cảm nhận khác nhau, nhưng với tôi, hạnh phúc không phải là điều gì to tát phải đau đáu đi tìm. Hạnh phúc đơn giản là những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta cảm nhận được, là những điều tốt đẹp mà chúng ta hồn nhiên mang lại cho nhau, không đố kị, bon chen" - Chị Oanh tâm sự.
Phải chăng, chính tâm thế sống đó đã giúp chị luôn bình an đi giữa cuộc đời, như câu nói mà chị trải nghiệm "lòng rất sâu nên mặt nước bình yên"...