Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 02:33 GMT+7

"Khát vọng xanh" của những sỹ quan trẻ

"Khát vọng xanh" của những sỹ quan trẻ

Biên phòng - Trẻ trung, hoạt bát, mạnh mẽ, giàu khát vọng và đặc biệt yêu thích "màu xanh biên cương" là đặc điểm chung dễ nhận thấy ở những sỹ quan trẻ vừa tốt nghiệp các học viện, nhà trường Quân đội năm 2013 được Bộ Quốc phòng biên chế về lực lượng BĐBP.

 4379.jpgCác sỹ quan Biên phòng tốt nghiệp Học viện Hậu cần tập trung nghe quán triệt nhiệm vụ.

Tôi tình cờ quen 40 tân sỹ quan tốt nghiệp Học viện Hậu cần, Đại học Chính trị, Đại học Trần Quốc Tuấn, Đại học Nguyễn Huệ năm 2013 được biên chế về lực lượng BĐBP. Mỗi người một vẻ, một miền quê, một khát vọng..., trong đó, tôi "bị" hấp dẫn trước vóc dáng "khiêm tốn" song tính cách mạnh mẽ của Trung úy Lê Xuân Oanh, sinh năm 1991, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp chuyên ngành Quân nhu, Học viện Hậu cần. Oanh kể: "Quê tôi ở xã miền núi Yên Tăng, Yên Định. Bố mẹ làm ruộng rất vất vả mà cuộc sống vẫn khó khăn, song luôn động viên, chăm lo con cái học hành, mong con vươn lên thoát nghèo. Vì thế, hai anh em bảo nhau gắng học thật tốt để không phụ công bố mẹ. Năm 2009, tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi thi đậu vào Học viện Hậu cần. Hai năm sau, em gái Lê Thị Yến cũng thi đậu Đại học Luật Hà Nội".

"Thép đã tôi thế đấy"

Lúc đầu, Oanh định thi vào trường Sỹ quan Lục quân I (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn), song mọi người lo Oanh sẽ không "trụ" nổi môi trường rèn luyện khắc nghiệt này bởi vóc dáng "khiêm tốn". Với suy nghĩ mộc mạc, hậu cần nghĩa là gắn liền với ăn, mặc, ở và lời mẹ dặn: "Con nên theo ngành hậu cần, hợp với sức khỏe của con hơn!". Thế là, Oanh đã quyết tâm thi đậu Học viện Hậu cần với số điểm khá cao: 25/20 điểm chuẩn.

Suốt 4 năm học, Oanh là một trong những học viên rèn tốt, học chăm, được khen thưởng nhiều năm qua các phong trào thi đua của đơn vị và Học viện. Do học tập, rèn luyện xuất sắc, cuối khóa học, Oanh được phong quân hàm Trung úy. Tôi hỏi: "Cơ duyên nào đưa Oanh trở thành sỹ quan Biên phòng?". Rất vô tư, Oanh đáp: "Trước đây, qua báo, đài, tôi ấn tượng với hình ảnh anh BĐBP tuần tra truy bắt tội phạm, những đêm bên bếp lửa bập bùng, ấm tình quân dân biên giới... nhưng không dám thi vào Học viện Biên phòng, vì thể lực không đủ sức trèo đèo, lội suối tuần tra biên giới, vả lại, thi đỗ Học viện Biên phòng... khó lắm! Biết thế nhưng lòng vẫn tiếc nuối! Thế rồi, khi nhà trường tìm hiểu nguyện vọng của học viên sau khi tốt nghiệp, không đắn đo, tôi trình bày nguyện vọng được "đầu quân" BĐBP. Thật may mắn, khi ước mơ của tôi đã thành hiện thực!".

Tôi đã xúc động khi biết chàng Thiếu úy sinh năm 1989 Cao Hữu Song, quê Điền Hải, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy tham mưu Lục quân, trường Sỹ quan Lục quân II (Đại học Nguyễn Huệ). Năm 2008, Song thi đỗ Đại học Nông Lâm Huế. Đang học ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, thế rồi hơn 1 tháng học môn Giáo dục Quốc phòng ở trường, những ấn tượng tốt đẹp về người lính và môi trường quân đội cứ "ám ảnh" Song. Và hơn cả là tình thương bố mẹ vất vả làm bún nuôi 7 anh chị em Song học đại học, cao đẳng, khiến Song quyết chí chuyển ngành. Năm 2009, khi bao sinh viên đang vui hè, thì Song âm thầm ôn thi vào trường Sỹ quan Lục quân II. Tốt nghiệp, Thiếu úy Cao Hữu Song nhận công tác về BĐBP. Tình cờ đọc bài "Bố sống trong cống, chấp nhận bị khinh rẻ nuôi 4 con học đại học" trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Song vô cùng xúc động trước việc một học sinh nghèo ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến thương bố mẹ tảo tần vất vả đã miệt mài học tập, thi đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Chàng sỹ quan trẻ liền gọi điện về tòa soạn báo chia sẻ: "Dù mới tốt nghiệp, lương không cao, nhưng tôi muốn giúp Tiến một khoản tiền. Hy vọng món quà nhỏ này sẽ góp phần động viên Tiến tiếp tục phấn đấu vươn lên!".

Tiếp nối truyền thống gia đình, quê hương

Tuy "đầu vào" của những sỹ quan trẻ này là các trường đều không thuộc lực lượng BĐBP, song cuối cùng, họ lại xác định "đầu ra" là lính "quân hàm xanh". Ngoài ước mơ, sở thích, tôi biết thêm lý do các sỹ quan trẻ "đầu quân" về BĐBP còn bởi muốn tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, quê hương. Đó là trường hợp của Thiếu úy Lê Minh Hoàn, sinh năm 1991, ở Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Hoàn vừa tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy tham mưu Hậu cần, Học viện Hậu cần, Hoàn kể: "Bố tôi là Trung tá, Chủ nhiệm Quân y, BĐBP Quảng Bình. Tôi về BĐBP từ sự động viên của bố và bản thân cũng muốn phát huy truyền thống gia đình...".

Với dáng người rắn rỏi, nước da sạm nắng, nụ cười điềm đạm, Thiếu úy Trần Nhật Linh, tốt nghiệp Đại học Nguyễn Huệ được điều động về BĐBP bộc bạch: "Quê tôi ở huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Tỉnh tôi là tỉnh biên giới biển, trong khi bạn bè cùng trang lứa đua nhau theo các ngành kinh tế, kỹ thuật, xây dựng..., còn tôi muốn về công tác trên vùng biển quê hương. Trong xã tôi có bác Đại tá BĐBP nghỉ hưu là tấm gương mẫu mực trong khóm, ấp. Khi còn công tác, bác là "điểm tựa" của ngư dân bám biển. Từ ngày còn học thiếu sinh quân, tôi đã rất ngưỡng mộ bác ấy. Vì thế, sắp ra trường, tôi mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng chuyển sang BĐBP".

40 sỹ quan trẻ là 40 tính cách, 40 khát vọng, song "mẫu số chung" là màu cờ sắc áo lực lượng BĐBP, là tình yêu biên giới, biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Với tình yêu thiết tha và khát vọng mãnh liệt ấy, xin chúc cho những tân sỹ quan mang "quân hàm xanh" sẽ nhanh chóng trưởng thành, vững vàng trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bùi Hồng Mạnh

Bình luận

ZALO