Biên phòng - Được thụ hưởng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) xác định đây là "đòn bẩy" quan trọng và cũng là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a, diện mạo mới ở một huyện nghèo vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Nghị quyết 30a của Chính phủ đã tạo ra bước ngoặt mới trong xóa đói giảm nghèo ở Mường Lát. |
Có dịp trở về với huyện biên giới Mường Lát trong những ngày đầu năm 2015, chúng tôi thấy được một diện mạo mới trên mỗi bản làng, một cuộc sống ấm no đang hiện hữu trong mỗi nếp nhà của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, kinh tế còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống giao thông không thuận lợi do địa hình bị chia cắt, trình độ dân trí còn hạn chế với nhiều tập tục lạc hậu khiến cho cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện càng thêm nghèo khó. Vì vậy, khi những "làn gió" từ Nghị quyết 30a đến gần hơn với người dân đã góp phần mở ra một con đường sáng giúp người dân miền núi thoát đói, giảm nghèo.
Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: "Ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mường Lát đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.
Qua triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong huyện đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 30a, cũng như những giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương mình, từ đó, cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng thời tổ chức lồng ghép, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án, chính sách trên địa bàn".
Nhằm giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Mường Lát đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động, tuyên truyền nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Huyện đã triển khai có hiệu quả 11 mô hình giảm nghèo tại các xã với gần 2.500 hộ tham gia, trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu như trồng dưa hấu và hỗ trợ bò giống; đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc dưới tán rừng.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng được huyện Mường Lát triển khai hiệu quả như hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất với kinh phí gần 1,37 tỷ đồng (164 nhóm hộ tham gia); hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với kinh phí trên 10,5 tỷ đồng (cho 2.107 hộ); hỗ trợ lương thực cho người nghèo vùng giáp biên giới; cho vay phát triển sản xuất (với 3.154 hộ và số tiền 58,042 tỷ đồng)...
Việc thực hiện các chính sách, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần từng bước thay đổi, xóa bỏ những tập tục làm ăn lạc hậu, đồng thời mở ra hướng phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo cho bà con nhân dân.
Khi no ấm đã về
Bản làng của đồng bào người Mông, người Thái hay người Dao ở huyện Mường Lát như hân hoan hơn để đón chào một cái Tết ấm áp, no đủ nơi vùng biên. "Làn gió" 30a về với từng bản nghèo, từng nếp nhà của người dân đã tạo nên một luồng sinh khí mới, đem đến cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống no đủ, không còn nỗi lo đói mùa giáp hạt.
Hình ảnh những ngôi nhà sàn kiên cố của đồng bào dân tộc Thái, những ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới của đồng bào Mông nằm san sát nhau trên những cung đường chúng tôi đi qua là hình ảnh tươi mới cho cuộc sống đổi thay của người dân huyện Mường Lát. Bởi có nhà ở kiên cố, đồng bào yên tâm bám bản, không di cư tự do như trước nữa. Toàn huyện đã xây dựng nhà ở mới cho 1.278 hộ nghèo với tổng kinh phí là 10,735 tỷ đồng. Các hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở đã phần nào làm giảm bớt những khó khăn, đồng thời từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bản Sáng, xã Quang Chiểu những ngày này luôn đông vui như ngày hội, bởi bà con trong bản ai cũng phấn khởi đón chào một năm mới trong no ấm, trong niềm vui về một bản làng đang đổi thay. 74 hộ dân trong bản đã không còn lo cái đói mùa giáp hạt. Con đường bản Sáng nay đã rộng rãi, khang trang khi được bê tông hóa; những ngôi nhà sàn kiên cố, vững chãi nằm san sát nhau, những vụ lúa, ngô cho năng suất cao... tất cả đã góp phần làm cho bản vùng biên một diện mạo mới đổi thay hơn.
Ông Lương Văn Trường, Trưởng bản Sáng vui vẻ nói: "Bản ta giờ không còn hộ nghèo nữa rồi, cái điện lưới quốc gia và nước sạch đã về với bản, người dân trong bản ai cũng vui vẻ, phấn khởi chăm lo cho cuộc sống tốt đẹp hơn".
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Mường Lát đã tạo ra nguồn lực đầu tư rất lớn để địa phương tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, qua đó tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.