Biên phòng - Những ngày cuối năm, trong khi mọi người đang chạy đua với thời gian, tập trung giải quyết nốt những phần việc còn lại để sẵn sàng đón một mùa xuân vui vẻ ấm áp, thì trên vùng ngã ba biên giới thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, các lực lượng chức năng vẫn phải gồng mình với một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt mang tên pháo lậu. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, mặt hàng cấm này cũng có thể âm thầm “vượt biên” nếu thiếu vắng lực lượng chức năng. Với những gì đã và đang diễn ra trên vùng ngã ba biên giới, có thể khẳng định, năm nay pháo lậu gia tăng một cách đột biến...
“Sốc” từ những con số
Thời điểm từ tháng 11-2017 đến nay, khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y (bao gồm cả xã Đắc Xú, huyện Ngọc Hồi) được ví như “chiếc cuống phễu” của nạn mua bán, vận chuyển pháo nổ trái phép qua biên giới. Nếu so sánh với các năm trước thì rõ ràng, đây là hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, theo các lực lượng chức năng cũng như những thông tin chúng tôi ghi nhận được thì việc Bờ Y “được mùa”... pháo lậu cũng là chuyện... bình thường, bởi khoảng cách về giá giữa bên cung với bên cầu là rất lớn. Và cũng theo quy luật của cung - cầu, bao giờ hết “kẻ say sưa” thì mới không còn “người bán rượu”. Trong nội địa vẫn còn rất nhiều kẻ muốn “chơi pháo” thì thực trạng mua bán, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới gia tăng là lẽ đương nhiên. Đó là chưa nói đến chuyện pháp luật nước bạn không cấm mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại pháo nên sự phối hợp với các lực lượng chức năng từ bên kia biên giới trong đấu tranh phòng, chống đối với loại “hàng hóa” này gần như không thể thực hiện được.
Lợi nhuận cao (một bánh pháo hoa mua bên nước bạn có giá khoảng 250 ngàn đồng, nếu vận chuyển trót lọt qua biên giới sẽ tăng gấp đôi, còn khi đến tay “người chơi”, giá có thể gấp 3, 4 lần) nên bọn đầu nậu thoải mái “bung tiền” thuê người dân trên khu vực biên giới vận chuyển pháo từ bên kia qua với mức giá lên đến 1 triệu đồng/chuyến. Chưa hết, để hút cửu vạn tham gia “cõng hàng”, đầu nậu sẵn sàng “chơi đẹp”; nếu pháo về trót lọt thì trả tiền công, còn chẳng may bị bắt thì người vận chuyển thuê không phải bỏ tiền túi ra để bồi hoàn.
Từ thực trạng trên khiến cho nạn mua bán, vận chuyển trái phép các loại pháo nổ qua biên giới trên khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y càng đến ngày cận Tết càng trở nên phức tạp. Và giải pháp duy nhất của các lực lượng chức năng ở đây là phải căng mình ra để đấu tranh ngăn chặn. Theo số liệu báo cáo nhanh của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chỉ trong khoảng thời gian gần 3 tháng (từ tháng 10-2017 đến ngày 19-1-2018), đơn vị vừa độc lập, vừa phối hợp với các lực lượng chức năng cùng đứng chân trên địa bàn phát hiện, bắt giữ 19 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới.
Trong số này chỉ có 3 vụ với 6 đối tượng bị bắt quả tang, số còn lại đều vô chủ, đối tượng vứt bỏ hàng để chạy thoát thân. Tổng số tang vật mà Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y thu giữ được lên đến gần... 2,4 tấn, chủ yếu là pháo hoa có nguồn gốc từ nước ngoài. Đây rõ ràng là con số “cực sốc” nếu đem so sánh với cùng thời điểm của những năm trước đây. Tuy nhiên, theo các lực lượng chức năng, số lượng pháo lậu vận chuyển trót lọt qua khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y chắc chắn là rất lớn, bởi đường biên giới vừa dài, lại vừa lắm lối ngang ngõ tắt, rất khó để kiểm soát chặt chẽ suốt 24/24 giờ.
Căng mình giữa muôn vàn khó khăn thử thách
Tiếp nhận thông tin từ Đại úy Nguyễn Văn Sỹ, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y khiến chúng tôi nhiều lúc bị “rối” bởi số lượng vụ việc diễn ra dày đặc: Ngày 16-1, trạm phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu phát hiện, thu giữ 24kg pháo hoa; ngày 17-1, phối hợp với Đoàn 2, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và Chi cục Hải quan cửa khẩu thu giữ 55kg; ngày 18-1, phối hợp với Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Kon Tum thu giữ 260kg pháo...
Ít người nhiều việc, giờ lại phải tập trung cho “chiến dịch” bắt pháo lậu vào dịp giáp Tết, nên thậm chí bữa cơm chiều của cán bộ, chiến sĩ trong Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y có khi phải “gác” lại vào lúc... nửa đêm. Đại úy Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ với chúng tôi: “Nếu pháo lậu trà trộn vào hàng hóa đi qua cửa khẩu là ngay lập tức bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ ngay. Chính vì vậy, đối tượng thường lựa chọn dọc hai bên “cánh gà” cửa khẩu để hoạt động. Và chỉ cần một vài phút ngủ trưa hay ăn bữa cơm chiều của lực lượng chức năng thôi là hàng lậu có thể vận chuyển trót lọt. Hơn hai tháng qua, cán bộ, chiến sĩ trong trạm phải thay nhau thường trực trên các khu vực trọng điểm suốt cả ngày lẫn đêm để chống pháo lậu, vất vả vô cùng...”.
Đại úy T.V.K, trinh sát viên của Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho biết, đánh pháo lậu cũng như đánh ma túy, phải trinh sát, nắm tình hình, thu thập thông tin để xác định thời gian, địa điểm “hàng” về. Tuy nhiên, do pháp luật nước bạn không cấm mua bán, sử dụng các loại pháo nên các lực lượng của ta phải tự thân vận động. Có vụ, trinh sát cải trang truy bắt pháo lậu thì bị nhóm cửu vạn cố tình chống đối giành giật lại hàng. Đám người này chỉ “biến dạng” khi thấy có lực lượng Biên phòng đến chi viện.
Trong khi các chiến sĩ trong trạm phải căng mình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những điểm nóng sát cửa khẩu, còn hai bên “cánh gà”, lực lượng của đồn thường xuyên đón lõng trên khắp các ngả đường từ biên giới xuôi về trung tâm xã Bờ Y. Những cuộc mật phục xuyên đêm được triển khai một cách âm thầm, lặng lẽ trong cái giá rét của những ngày áp Tết. Thượng tá Hà Văn Trịnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho biết: “Nhìn anh em đi mật phục, truy bắt pháo lậu đẫm mình trong sương đêm, lạnh giá run cầm cập khiến cho người chỉ huy trăn trở day dứt vô cùng. Thương cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi cũng chỉ biết động viên và cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ, chứ thật lòng mà nói, nguồn kinh phí của đơn vị rất eo hẹp, lấy đâu ra tiền để bồi bổ sức khỏe cho anh em. Càng bắt được nhiều pháo lậu càng chi phí lớn, song chúng tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đấu tranh đến cùng”.
Lời chia sẻ của Đồn trưởng Hà Văn Trịnh cũng chính là khó khăn, thử thách lớn nhất của các đơn vị Biên phòng trong công tác đấu tranh chống mua bán, vận chuyển các loại pháo trái phép qua biên giới. Bắt được pháo lậu là một chuyện, lại còn phải mang mẫu xuống tận thành phố Đà Nẵng để giám định, rất tốn kém cả công sức lẫn tài chính.
Gần 3 tháng căng mình trên biên giới, với 19 vụ bắt giữ pháo lậu (tính đến ngày 19-1-2018), có thể nói, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, nói như Đồn trưởng Hà Văn Trịnh, đơn vị sẽ quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để đấu tranh đến cùng. Bởi, chỉ có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả nạn mua bán, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới, góp phần giữ vững sự bình yên, an toàn, tiết kiệm cho mọi nhà khi ngày Tết cổ truyền đang đến rất gần.
Thái Kim Nga