Biên phòng - Núi đồi bị khoét xẻ, đào bới, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, an ninh trật tự mất ổn định... đó là những hệ lụy nảy sinh từ thực trạng khai thác vàng trái phép tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Mặc dù lực lượng chức năng đã ráo riết vào cuộc, nhưng câu chuyện về vàng vẫn còn nóng ở mảnh đất nghèo A Vao.
"Vàng tặc" lộng hành
Nước ở con suối chảy về trung tâm xã A Vao lúc thì đục ngầu bùn đất, khi chuyển sang màu đen, sực nức mùi lưu huỳnh. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao buồn rầu chia sẻ: "Ai cũng nghĩ sướng nhất là có vàng, có bạc. Thế mà, nhiều năm nay, bà con mình lại sống khổ trên vàng. Giờ đây, kiếm một bát nước suối trong vắt như ngày xưa mà uống cũng khó, chắc phải lên tít thượng nguồn kia. Mà có khi "vàng tặc" cũng đã tàn phá thượng nguồn rồi cũng nên". Cũng theo ông Hùng, từ ngày các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép đặt chân đến xã A Vao, bản làng không còn bình yên như xưa. Người dân chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than khi thấy núi đồi bị khoét xẻ, đào bới, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, đất sản xuất bị thu hẹp dần và các tệ nạn xã hội lăm le xâm nhập bản làng.
Chia sẻ của ông Hồ Văn Hùng khiến bước chân chúng tôi thêm trĩu nặng trên đường tìm tới điểm khai thác vàng nằm tít mít giữa đại ngàn mang tên Khe A Ho. Để đến đây, mọi người phải vượt qua những con dốc dài, dựng đứng như chốc thẳng lên trời. Cái nắng bỏng lửa khiến những ngọn đồi trơ trọi như đang bốc cháy. Dù có "thâm niên" băng rừng vượt suối, nhưng chúng tôi ai nấy đều mệt lử, gần như không thể bước nổi, chốc chốc lại dừng chân thở lấy hơi mới có thể đi tiếp. Được biết, đây là điểm khai thác vàng trái phép gần trung tâm xã, đường đi thuận lợi nhất. Vì thế, chúng tôi đều lấy làm lạ, tại sao các đối tượng lại có thể đưa được vô số máy móc, trang thiết bị cồng kềnh, có khối lượng lớn vào khu vực này để khai thác vàng trái phép?
Hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao đã diễn ra nhiều năm qua. Các đối tượng trong và ngoài địa bàn cấu kết với nhau để khoét núi, đào hầm, xay đá, sau đó dùng thủy ngân để tận thu vàng. Đáng chú ý là một số người dân sinh sống ở xã Tà Rụt, A Ngo (huyện Đakrông) thuê lao động từ Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh… vào khai thác vàng ở xã A Vao theo hình thức "ăn chia". Cùng với đó, các đối tượng này cũng rủ rê những thanh niên không có công ăn việc làm trên địa bàn để gùi cõng máy móc, hàng hóa và trực tiếp khai thác vàng. Dần dần, xã A Vao xuất hiện những "điểm nóng" như: Khe Đang, Khe Pa Ka, Khe A Ho… Hoạt động khai thác vàng trái phép không chỉ làm môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có những biện pháp truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc". 6 tháng qua, chỉ tính riêng Đồn BP Ba Lin đã phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, truy quét 59 đợt, phá hủy nhiều phương tiện, máy móc, lán trại khai thác vàng và xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp. Mạnh tay hơn, đồn đã phối hợp với lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm của tỉnh đánh sập 3 hầm tại hai điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao, phá hủy 3 máy nghiền đá, 2 máy phát điện, 1 máy khoan...
Thiếu tá Bùi Đình Lợi, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BP Ba Lin cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng phòng chống tội phạm của BĐBP Quảng Trị, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Đakrông, chính quyền xã A Vao... tập trung truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc". Cùng với các biện pháp cứng rắn, các cán bộ, chiến sĩ cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay với "vàng tặc" hay tham gia gùi cõng hàng hóa, đào đãi vàng trái phép... Nhờ đó, tình trạng khai thác vàng trái phép không còn ồ ạt, ngang nhiên như trước. Tuy nhiên, việc khai thác vàng nhỏ lẻ vẫn còn tiếp diễn".
Một thực tế đáng trăn trở khác là khi các điểm khai thác vàng trái phép đã cạn kiệt hoặc bị truy quét, đẩy đuổi quyết liệt, vàng tặc lại chuyển đến những địa bàn khác xa xôi, cách trở hơn để tiếp tục khai thác, tạo nên những điểm nóng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Trong khi đó, tại các địa điểm bị bỏ hoang, người dân bản địa lại tìm đến để đào đãi, sàng sảy, kiếm tìm vàng với các dụng cụ thô sơ.
Còn nhiều khó khăn
Tất cả các điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao đều nằm ở sâu giữa đại ngàn, địa hình núi rừng hiểm trở. Cách duy nhất để đến đây là vạch rừng, băng đèo, lội suối tiềm ẩn nhiều tai nạn nguy hiểm. Trong khi đó, khu vực này không có sóng điện thoại nên việc liên lạc không hề đơn giản. Lo ngại hơn khi "vàng tặc" ở A Vao dường như được "mật báo" từ trước nên hầu hết thời điểm lực lượng chức năng có mặt để đẩy đuổi, truy quét thì các điểm khai thác cơ bản ngừng hoạt động, chỉ trơ lại một số máy móc cũ kỹ, bị hư hại. Còn các đối tượng khai thác vàng trái phép thì lẩn trốn trong rừng sâu, rất khó phát hiện. Nhưng ngay khi lực lượng chức năng rút đi, hoạt động khai thác vàng trái phép lại tiếp tục diễn ra.
Qua các đợt truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc" trên địa bàn xã A Vao cho thấy sự hiệp đồng, phối hợp giữa chính quyền địa phương và lực lượng chức năng có lúc vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Chính điều này đã làm hiệu quả của công tác phòng chống "vàng tặc" chưa cao. Trong khi đó, do chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, một bộ phận người dân vẫn tiếp tay hoặc tham gia đào đãi vàng trái phép. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, nhân lực tại các điểm khai thác vàng trên địa bàn xã A Vao chủ yếu là người dân bản địa. Có trường hợp khai thác ngay trong rẫy thuộc quyền sở hữu của bà con nên công tác quản lý, ngăn chặn của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Một thực tế khác là do kinh phí còn hạn chế nên các hoạt động truy quét, đẩy đuổi vàng tặc chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, hằng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND huyện đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tình hình khai thác vàng trái phép tại xã A Vao vào cuối tháng 3 và cuối tháng 4. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí đã và đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét bố trí, hỗ trợ kinh phí cho huyện trích từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho địa phương để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn và truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép.
Có thể khẳng định, việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn khai thác vàng trái phép ở xã A Vao không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Thiết nghĩ, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, giữa chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần có quy chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Trong đó, chính quyền huyện Đakrông cũng như xã A Vao phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình và tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, không tiếp tay, tham gia đào đãi vàng trái phép; giúp người dân hiểu một cách sâu sắc hậu quả nghiêm trọng do nạn khai thác vàng trái phép gây ra.
Mặt khác, xử lý nghiêm cán bộ, công chức dung túng, bao che, tiếp tay cho các đối tượng "vàng tặc"; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư, thôn bản trong việc phát hiện những đối tượng vi phạm báo cho chính quyền và cơ quan chức năng biết để xử lý. Quan trọng nhất là chính quyền, các đoàn thể xã hội phải giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Chỉ khi cuộc sống đủ đầy thì người dân mới không bao che, tiếp tay cho "vàng tặc".
Tây Long