Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 11/06/2023 09:00 GMT+7

"Cối chày thơm cả nghĩa tình nước non"…

Biên phòng - Cùng với nhiều thứ âm thanh thôn dã khác, tiếng giã gạo luôn là nỗi nhớ khôn nguôi trong hồn người xa quê, xa xứ. Cái âm thanh thậm thịch, thậm thình đều đều nhẫn nại không chỉ là nỗi nhớ trong tâm tưởng, mà đã thành tên gọi của một xóm cư dân người Việt cổ - xóm Thậm Thình, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - nơi Đất Tổ Vua Hùng. Tương truyền đây là nơi chuyên giã gạo cung triều. Từ âm thanh đặc trưng của va đập cối chày ấy mà có tên là "xóm Thậm Thình".

dkri_9a
 Trong các dịp lễ hội, đồng bào Tây Nguyên vẫn thường thi giã gạo. Ảnh: Tạ Văn Sỹ

Riêng ở Tây Nguyên, tiếng chày giã gạo của các bà, các cô, các chị, các em gái chỉ mới vừa thưa vắng chừng độ vài chục năm nay, khi máy xay xát được kéo về đến tận buôn làng. Nói các bà, các cô... là bởi, giã gạo tuy là công việc nặng nhọc, nhưng tập quán ở Tây Nguyên, phần việc này chỉ dành riêng cho phụ nữ, nam giới tuyệt nhiên không; còn ở miền xuôi, nam giới cũng tham gia giã gạo (nên mới có điệu hát giao duyên "Hò giã gạo").

Có dịp ở đêm tại các pơ-lei (làng theo cách gọi của đồng bào Bắc Tây Nguyên; Nam Tây Nguyên gọi buôn là bon) những năm trước đây đều khó có thể quên tiếng giã gạo thậm thình khắp đầu thôn, cuối xóm. Thời điểm cả pơ-lei giã gạo tập trung nhất là vào buổi chiều tối và sớm mai. Sau một ngày ở trên nương rẫy, chiều về, các bà, các cô liền ra "nhà xum" (kho lúa gia đình) khom người vỗ mấy tiếng đàn klông-pút rồi lấy lúa vào gùi mang ra cối giã để kịp nấu cơm tối. Nếu chiều hôm đó không kịp giã đủ cho cả ngày mai nữa, thì tờ mờ sáng hôm sau, các bà, các cô lại phải thức dậy sớm để giã tiếp kịp nấu cơm sáng và mang lên nương.

Tiếng giã gạo buổi chiều tối thường hòa lẫn trong nhiều âm thanh khác, như tiếng chó sủa, tiếng gà giành chuồng, tiếng mõ khua lốc cốc của trâu bò, tiếng người cười nói râm ran... nên ít gây ấn tượng. Ấn tượng nhất là tiếng giã gạo lúc tinh mơ. Trong lúc mọi người còn nằm trong chăn để tránh cái rét ngọt ngào của gió núi sương rừng thì các bà, các cô đã vần cối ra "nhà chồ" giã gạo. Tiếng giã gạo kéo theo tiếng gà gáy sáng sôi động cả không gian tĩnh mịch đại ngàn. Cái âm thanh, âm trầm đều đều như đưa khách vào những suy nghĩ miên man xa vắng...

 Cách giã gạo của phụ nữ Tây Nguyên có nét khác miền xuôi một chút. Ở dưới xuôi, khi giã gạo, người ta với tư thế choãi chân trước, chân sau. Khi lấy sức cúi người nện chày xuống cối thì chân trước là chân trụ, chân sau thả lỏng; khi rút chày lên thì chân sau là chân trụ, chân trước thả lỏng. Phụ nữ Tây Nguyên khi giã gạo lại đứng chụm hai bàn chân khít vào nhau, khi nện chày xuống thì lưng người gập theo và mông nhô ra sau; khi rút chày lên thì hít hơi lấy sức, thót bụng lại và ngực ưỡn ra trước. Với tư thế này, người quan sát có cảm giác động tác giã gạo của chị em phụ nữ Tây Nguyên có vẻ... "nhún nhảy, điệu đà" tựa như một vũ điệu, đẹp mắt hơn, nhưng cũng lại có vẻ hơi khổ công, tốn sức hơn so với miền xuôi.

Hình ảnh động tác giã gạo ấy được nhà thơ Hồng Chinh Hiền mô tả bằng những câu thơ: "Phơi dưới trời dầu dãi tấm thân/ Mưa chan nước hay nắng hừng tuôn lửa/ Những lưng ong trùng triềng nghiêng ngửa/ Cối gạo khuya tùm tụp tiếng chày/ Bấm hai chân, vung vẩy hai tay...". Phải đảm nhận một công việc thường ngày cực nhọc như thế nên có lúc, những nàng "sơn nữ" chỉ biết than thầm: "Chúng em người con gái Xê-đăng/ Khổ hơn mọi người con gái khác/ Đêm quỳ xuống còng lưng giã bắp/ Buôn ngủ say còn lửa bập bùng/ Lửa thức cùng con gái Xê-đăng...". Biết là cực đấy nhưng đành phải ráng chịu, bởi dường như chuyện giã gạo cũng là "thước đo" phẩm hạnh của người phụ nữ nơi đây.

Suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắp núi rừng Tây Nguyên đều râm ran, vang động tiếng chày giã gạo nuôi quân để "bộ đội ta ăn no đánh thắng". Hình ảnh này đã được đi vào thi ca để nhớ lại một thời chiến tranh khốc liệt nhưng rất vinh quang của dân tộc ta. Ca khúc "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của nhạc sĩ Xuân Hồng đã thật sự đi vào lòng người dân đất Việt. Hay bài thơ "Tiếng chày trên tuyến lửa" của tác giả Thanh Kỳ, bác sĩ Trạm quân dân y Khu V đã khắc họa về tình quân dân sâu đậm nơi tuyến lửa: "Nhớ đêm nào trăng in bên núi/ Đường hành quân qua suối Kông Nông/ Quần với Mỹ diệt từng hỏa điểm/ Nhớ tiếng chày khoan nhặt đêm sương/.../ Gạo ra trận mang tiếng chày ra trận/ Dưới làn mưa đại bác, bom xăng/ Người con gái trên chiến hào bão lửa/ Vung tay chày như tư thế xung phong...".

Không khí, khí thế giã gạo nuôi quân ấy cũng được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3) viết lại trong hồi ký "Ký ức Tây Nguyên" của mình: "Một lần khác, chúng tôi được anh cán bộ kinh tế H67 (huyện Sa Thầy, Kon Tum) dẫn đến chỗ đồng bào đang nộp thóc... Một cảnh tượng thật khó quên đối với tôi: Cả làng giã gạo... Mọi người vừa giã vừa hát: "Trăng lên rồi/ Đêm đẹp lắm/ Lũ làng mừng giã gạo nuôi quân/ Ơi, anh giải phóng, cái chân không mỏi/ Lũ làng đây cái tay cũng không mỏi/ Anh diệt nhiều thù, cối gạo càng trắng thơm...".

Giờ đây, tiếng giã gạo đã dần đi vào tiềm thức, ký ức của mỗi chúng ta. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tiếng máy nổ ầm ào của những cỗ máy xay xát hiện nay không bao giờ thay thế được vị trí âm thanh "thậm thình" đều đều nhẫn nại của tiếng chày giã gạo trong tâm thức mọi người. Tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi để khép lại miền hồi ức của mình: "Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình/ Cối chày thơm cả nghĩa tình nước non...".

Tạ Văn Sỹ

Bình luận

ZALO