Biên phòng - Trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Đảm bảo minh bạch của APEC (ACTWG), ngày 18-2, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo về “Tăng cường sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng”, với sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Phóng viên báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Francesco Checchi, cố vấn khu vực về phòng, chống tham nhũng của UNODC về vấn đề này.

“Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ của APEC 2017, có rất nhiều tổ chức, cơ quan Chính phủ đến dự. Điều đó cho thấy sự cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chính phủ không sợ bị người dân phê bình hay chỉ trích, bởi phê bình cũng là động lực để phát triển. Rất cần có những cuộc thảo luận trung thực, thẳng thẳn với người dân để họ góp ý và đề xuất những giải pháp hay” – ông Checchi, mở đầu cuộc phỏng vấn.
PV: Qua hội thảo tại APEC 2017, ông thấy mô hình phòng, chống tham nhũng của nền kinh tế thành viên nào hay cần được học tập và nhân rộng?
- Tôi nghĩ rằng các kinh nghiệm tốt nên viện dẫn từ gợi ý Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc, để các thành viên ra quyết định và những chính sách tham gia các chương trình: từ phân bổ ngân sách, kiểm soát ngân sách, theo dõi kết quả của những đồng tiền chi ra. Tôi lấy ví dụ, ngay ở cấp phường, cấp xã, họ có tiếng nói đưa quyết sách của địa phương của mình, thậm chí giám sát cả ngân sách của Chính phủ ra sao. Người dân được tiếp cận thông tin và minh mạch các thông tin.
Tại hội thảo, đoàn Hàn Quốc có chia sẻ câu chuyện mà Việt Nam nên tham khảo: “Người dân tố cáo tham nhũng, bị trả thù, bị sa thải mất việc làm, cơ quan chống tham nhũng Hàn Quốc vào điều tra. Nếu kết luận người dân tố cáo đúng, cơ quan này ra quyết định yêu cầu doanh nghiệp và kể cả cơ quan nhà nước phải chấp hành quyết định, khôi phục việc làm cho người lao động trong vòng 30 ngày. Tại Hàn Quốc chưa có trường hợp doanh nghiệp và cơ quan nhà nước nào dám chống lại quyết định của cơ quan chống tham nhũng”.
PV: Lâu nay, các quan chức Chính phủ đã kê khai tài sản, nhưng chưa cho dân chúng biết. Theo ông cách làm như thế nào là hiệu quả cao?
- Có một số quốc gia đã áp dụng biện pháp phần kê khai tài sản của quan chức Chính phủ. Tuy nhiên cần lưu ý một số điều, việc công khai đó có vi phạm quyền riêng tư và an ninh, an toàn của quan chức hay không. Muốn làm tốt việc này, cần ban hành những chích sách và quy định rõ ràng để tránh bị vi phạm. Tôi lấy ví dụ ở Philippines, là thành viên của APEC, họ yêu cầu tất cả quan có chức vụ cao phải kê khai tài sản và công bố rộng rãi để cho người dân biết, nhưng họ chỉ công bố tổng giá trị tài sản. Họ không công bố địa chỉ nhà ở đâu, mấy chiếc thuyền để chỗ nào. Qua đó cơ quan quản lý pháp luật dễ quản lý việc kê khai tài sản, buộc họ phải kê đúng, kê đủ, tránh tình trạng để “quên” không kê vào.
PV: Hiện nay, đang nổi lên tham nhũng trong ban hành chính sách, nhằm “mở đường” cho lợi ích nhóm. Theo kinh nghiệm của thế giới, biện pháp nào nhằm hạn chế?
- Đây là vấn đề rất phức tạp, nó đã xảy ra nhiều nước khác, chứ không chỉ một nước nào. Điều quan trọng cần có những biện pháp giải quyết tối đa về xung đột lợi lích, giữa nhóm lợi ích doanh nghiệp hoặc nhóm lợi ích mà người ban hành chính sách gần gũi. Theo tôi phải hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, các quy định của ngành, của Nhà nước. Ví dụ người nào được cân nhắc hoặc bổ nhiệm vào vị trí nào đó, thì cần phải công khai hóa tài sản, cổ phiếu anh ta đang nắm giữ ở doanh nghiệp,… Để các cơ quan thực thi pháp luật biết và kiểm soát tốt, chứ không phải “biết” xong rồi “để đó”, mà không làm gì cả. Cần phải phân tích những thông tin đó, sẽ “ra” rất nhiều thông tin quan trọng, từ vị trí anh ta lên nắm giữ có ảnh hưởng đến công ty và nhóm lợi ích gần gũi với người bổ nhiệm.
PV: Theo ông biện pháp kiểm soát như thế nào?
- Nếu như có nền quản trị quốc gia hiệu quả, họ phải luôn nghĩ đến việc ngăn cản được các chính sách lợi ích giữa các chính trị gia nào đó với những công ty. Ở Châu Âu, Bắc Mỹ, họ có nền hành chính đầy đủ thông tin và quản lý tốt những nhóm lợi ích về chính sách. Điều cốt yếu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm giám sát những người ban hành chính sách. Đối với những công ty, cơ quan, ngành nhỏ,… cần có ủy ban nào đó để theo dõi, giám sát. Còn những chính sách quan trọng, mang tính chất quốc gia, sẽ có cơ quan độc lập, để độc lập giám sát, kiềm chế xung đột lợi ích, họ không bị đe dọa bởi nhà chính trị gia nào, kể cả Chính phủ. Có như vậy, mới không bị xung đột lợi ích, mọi sự kiểm soát được chặt chẽ.
Hải Luận (Thực hiện)