Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 07:03 GMT+7

"Bến đỗ" trên dòng Sê San

Biên phòng - Cũng giống như bao làng chài khác, cuộc sống của ngư dân vùng sông nước Sê San luôn là những tháng ngày lênh đênh không bờ bến. Mùa xuân năm nay, những cái lán nhỏ quần tụ ấy sẽ được đón một cái Tết hoàn toàn khác xưa...

zfcl_8a
Làng chài nhỏ trên sông Sê San. Ảnh: Khánh Ngọc

Chúng tôi tìm đến cái làng chài vốn "chẳng thuộc quyền quản lý của ai" bằng đường bộ thay vì 30 phút đi thuyền xuyên qua cụm các công trình thủy điện trên dòng Sê San. Sau nhiều giờ rong ruổi trên xe máy, được cảm nhận cái nắng cái gió, cùng bóng mát của những cây kơ nia sừng sững trên biên giới Tây Nguyên, chúng tôi đã có mặt tại làng chài. Mặt trời đã xế chiều, hầu hết các ngư phủ đều đi giăng lưới để chuẩn bị cho mẻ thu hoạch vào tảng sáng ngày mai. Trong lúc ngồi chờ đợi họ kết thúc công việc trở về, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn H., một trong những cư dân lâu năm nhất của làng chài khi anh đang chuẩn bị thuyền cho những chuyến đi mới. Câu chuyện về làng chài với 24 hộ dân nơi đây dần dần được gợi mở...

Những người dân làng chài về đây tụ hội đến từ nhiều miền quê khác nhau, do những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Đối với gia đình anh H. ngày trước chủ yếu mưu sinh trên lòng hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai, nhưng do trữ lượng thủy sản ngày càng cạn kiệt, không còn cách nào khác buộc anh phải tha hương. Sê San từ lâu được mọi người biết đến là "dòng sông năng lượng" với nguồn tôm, cá dồi dào, quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng, nên đã trở thành điểm neo đậu của gia đình anh từ 10 năm trước.

Câu chuyện sẽ còn dài nếu không có tiếng gọi với của một người dân làng chài đón con đi học về: "Qua đò không, cô ơi!". Vội vã thu xếp hành lý và những thứ đồ nghề lủng củng, chúng tôi bước lên thuyền giữa trời nước bao la, núi rừng trầm mặc. Tiếng hỏi han của những người hàng xóm vọng ra từ một vài cái lán nhỏ cụm trong lòng sông rộng lớn mang lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Không giống như dòng nước trong xanh của vùng núi đá vôi các tỉnh phía Bắc, nước sông Sê San lúc nào cũng lờ nhờ những giọt phù sa bazan.

Chúng tôi lom khom bước vào lán nhà anh H. khi trời đã tối sẫm. Chị L., vợ anh đang nướng thêm con cá quả chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Hiện tại, anh chị có 4 lồng cá mới nuôi gồm cá điêu hồng, thác lác cườm, cá lăng đuôi đỏ. Còn cá cơm, cá mè dinh, cá bống thì cũng giống như các hộ khác đặt lưới trên sông, trung bình cũng được 20kg/ngày, trừ mọi chi phí, anh chị thu được khoảng gần 200.000 đồng. Chị L. vừa nhanh tay quạt bếp than, vừa vui vẻ nói: "Cuộc sống mưu sinh trên sông nước vất vả lắm, các cô ạ. 2 giờ sáng, chúng tôi đã phải dậy đi kéo lưới. Vào những hôm gió mùa gió bắc, sóng to, lượng cá đánh bắt được thường ít hơn. Của thiên nhiên ban tặng nên không thể đoán định trước". 

Câu chuyện bên mâm cơm hôm nay dường như vui hơn bởi thông tin trưởng làng Nguyễn Văn Tr. mới đón ông bà nội ngoại, vợ và các con vào ở cùng. Theo bạn bè đến kiếm sống trên sông Sê San đã 6 năm nay, nhưng anh Tr. chỉ có một mình và suốt 6 năm không về quê ăn Tết. "Gia đình nghèo phải chịu thôi, nhớ Tết quê lắm, nhưng do cuộc sống mưu sinh phải bươn chải. Về quê ăn Tết muộn thì không có xe, về sớm thì phải làm còn tiết kiệm tiền gửi về nuôi con. 30 Tết năm nào cũng vậy, mình chỉ làm nồi thịt kho ăn trong cả 3 ngày".

Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, không biết người dân đầu tiên đến kiếm sống và lập nghiệp ở cái làng chài nhỏ trên sông Sê San này là ai. Người đến kẻ đi. Chỉ biết họ đều là những người trước đã từng mưu sinh trên các lòng hồ thủy điện khác. Khi nguồn thủy sản không còn, họ phải chuyển đến các lòng hồ khác với bao nhọc nhằn của những phận đời lênh đênh sông nước. Là một trong các nhánh lớn của sông Mekong, trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San chảy qua hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai với tổng chiều dài sông chính là 237km, diện tích lưu vực là 11.450km2.

Suốt một thời gian dài, do ở đây chưa được quy hoạch nên các hộ dân sống ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Bên này đuổi, họ sang bên kia. Những cái chòi của họ cứ kéo đi kéo lại neo đậu một thời gian rồi lại chuyển đi nơi khác. Cuộc sống bấp bênh không ổn định do không được đăng ký tạm trú khiến họ không thể đưa vợ con theo cùng. Rất may, thời gian gần đây, họ được quy hoạch là người dân thuộc xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum, là huyện mới thành lập và được cấp giấy tạm trú. Vì thế mới có câu chuyện của anh trưởng làng Nguyễn Văn Tr. đón gia đình vào ở cùng. Hiện giờ, 24 hộ dân làng chài có 66 nhân khẩu. Trong số 13 trẻ em sống ở làng chài thì có 9 em đã được cắp sách tới trường, số còn lại chưa đến tuổi đi học.

 Hôm sau, khi quay trở lại trung tâm huyện Ia H'Drai, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi. Ông Quyền cho biết, sau khi huyện Ia H'Drai chính thức được thành lập mới vào cuối năm 2015 đã tiến hành quy hoạch người dân làng chài. Từ đó đến nay, từ tỉnh đến xã đều có nhiều chính sách nhằm ổn định đời sống mọi mặt cho người dân. Hiện, tỉnh có chương trình hỗ trợ cho 14 hộ dân nuôi được 20 lồng bè.

Theo đó, hỗ trợ cá giống, một phần thức ăn, hướng dẫn về kỹ thuật, sau khi thu hoạch, người dân được hưởng 100% số cá bán ra. Huyện Ia H'Drai còn cấp áo phao, phao cứu sinh cho người dân, các cháu học sinh cũng được cấp cặp áo phao. Lãnh đạo xã Ia Tơi và Đồn BP Sa Thầy thường xuyên vào làng chài thăm hỏi động viên và nắm tình hình nhân khẩu, an ninh trật tự. Thông tin vui nhất là huyện đang chuẩn bị triển khai dự án cấp đất nền, hộ khẩu cho 24 hộ dân nơi đây. 

6i8y_8b
Từ khi được cấp giấy tạm trú, con em người dân làng chài đã được đi học. Ảnh: Khánh Ngọc

Vậy là từ nay, cuộc sống của người dân làng chài đã có bến đỗ. Tôi nhớ lại câu chuyện đêm hôm trước của chị L., người đàn bà bôn ba theo chồng đã bao năm nay. Sau khi cho đứa con út 6 tuổi đi ngủ sớm để sáng mai lên bờ kịp cho buổi học trên trung tâm xã, chị miên man kể cho tôi nghe những câu chuyện về gia đình chị. Từ chuyện nhà chồng không hòa hợp phải để 3 đứa con ở quê với ông bà.

Một năm sau, hai đứa cũng bỏ học lênh đênh theo cha mẹ, đến nay cũng đã gần chục năm. Cuộc sống "giật gấu vá vai" của 4 con người mưu sinh hằng tháng vẫn phải vay tiền gửi về quê cho ông bà nuôi con trước, sau có thì trả. Riêng chuyện về Tết, chị nói, Tết quê nhà mới đúng là Tết cổ truyền. Còn với người dân làng chài nơi đây, Tết đơn sơ quá. Cùng lắm đêm 30 cũng chỉ làm mâm cơm, không cúng tất niên, không có không khí đón xuân với hoa đào, hoa mai bung nở... Đến nỗi, đứa con út mà chị sinh trên thuyền, nay đã 6 tuổi hỏi mẹ: "Tết là gì hả mẹ?"... 

Câu hỏi đó dần sẽ được hóa giải, bởi chương trình cấp nền nhà cho người dân làng chài đã nằm trong chương trình của huyện. Nhưng với chị, tin vui này dường như không làm chị xáo trộn về tinh thần. Chia sẻ của người đàn bà sinh sống ở làng chài ấy khiến tôi cảm thấy chạnh lòng: "Dù có thế nào thì vẫn phải sống ở đây cho đến hết cá. Ở đây mát mẻ, nuôi con thấy thoải mái hơn ở quê...". Phải chăng cuộc sống lênh đênh xuôi theo dòng nước của những phận người ấy đã ăn sâu vào nếp nghĩ của họ. Nhưng chắc chắn một điều, năm nay, 24 hộ dân của cái làng chài nhỏ bé ấy sẽ đón một cái Tết khác xưa, ấm áp hơn, sum vầy hơn và bình yên hơn.

Khánh Ngọc

Bình luận

ZALO