Biên phòng - Từ bao đời nay, Cơ Tu ở làng Ka Noon không du canh, du cư, vẫn ở nguyên tại vùng đất mà tổ tiên, ông bà họ quen gọi là Ka Noon để trồng trọt, chăn nuôi. Chính từ ngôi làng này đã sinh ra nghệ nhân Cêêr KaTíc và được xem là "báu vật" của làng.
Ông Cêêr KaTíc cho chúng tôi biết, ông biết khắc tượng và vẽ tranh từ lúc còn nhỏ. Mỗi khi làng Ka Noon tổ chức lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơ mêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối a ví), lễ bỏ mả (Têng-ping), lễ ăn mừng Gươl, lễ Phuôih zơ vây ha roo... ông đứng ra xin già làng để làm cây nêu (cột đâm trâu), trang trí ở Gươl làng. Cả làng không ai tin là ông lại khéo tay đến vậy.
![]() |
Ông Cêêr KaTíc (bìa phải) cùng các nghệ nhân Cơ Tu đang hoàn tất điêu khắc Gươl tại khu Nhà làng truyền thống Tây Giang. |
Còn nhớ, vào tháng 7-2010, chúng tôi gặp Cêêr KaTíc trong "Ngày hội văn hóa các dân tộc miền núi Quảng Nam", tổ chức tại huyện Tây Giang, khi ông cùng các nghệ nhân Cơ Tu khác trong huyện hội tụ tại khu Nhà làng truyền thống Tây Giang. Tại đây, bằng tài năng cộng với sự đam mê, tích lũy từ vốn nghệ thuật của các nghệ nhân đi trước, Cêêr KaTíc đã thực hiện việc trang trí, làm đẹp cho ngôi Gươl (Nhà làng truyền thống) và nhà mồ bằng những bức tượng gỗ, có nhiều hoa văn, sắc thái độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống Cơ Tu. Cêêr KaTíc đã tạo nên những bức tranh, nhóm tượng mang vẻ đẹp kỳ bí, hấp dẫn, được mọi người trầm trồ, thán phục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi góp công làm nên quần thể kiến trúc ở khu Nhà làng truyền thống Cơ Tu, phong trào phục hồi Nhà làng truyền thống của dân tộc Cơ Tu miền núi tỉnh Quảng Nam đã phát triển rất mạnh. Nhiều làng Cơ Tu ở các xã lân cận như: Ch'Om, Ga Ri, Tr'Hy... thuộc huyện Tây Giang; đến một số xã vùng thấp như: ATing, Zơ Ngây, Sông Kôn, Tà Lu hay Ma Cooih... thuộc huyện Đông Giang; các xã: Tà Bhing, Chà Val, Cà Dy thuộc huyện Nam Giang, khi muốn trang trí cho ngôi Gươl truyền thống của mình, thường mời nghệ nhân Cêêr KaTíc đến để làm giúp. Ông Cêêr KaTíc không nhớ hết mình đã làm được bao nhiêu Gươl, nhưng rất ít khi ông lấy tiền.
Anh Pơloong Đinh, Chủ tịch UBND xã A Xan, cho chúng tôi biết: Từ tình yêu cháy bỏng nghệ thuật tạo hình truyền thống, nghệ nhân Cêêr KaTíc đã cùng các già làng, trai tráng ở thôn Ka Noon tạo dựng nên một ngôi Gươl vào loại bề thế nhất vùng. Gươl Ka Noon quê ông thực sự là một công trình nghệ thuật tạo hình hiếm có của vùng núi rừng Trường Sơn. Những tác phẩm điêu khắc, hội họa ấy tại Gươl làng Ka Noon thuộc xã A Xan, huyện Tây Giang thực sự là một bảo tàng về nghệ thuật dân gian Cơ Tu, được thể hiện qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Cêêr KaTíc. Các tác phẩm của ông thể hiện sâu đậm hơi thở của núi rừng, cuộc sống mộc mạc nơi hoang dã.
Có dịp đến Gươl thôn Ka Noon khám phá, người xem như bị cuốn hút bởi những tượng gỗ, các bức phù điêu với nhiều họa tiết hoa văn sinh động. Bên cạnh bức phù điêu khắc nổi sống động là cảnh dân làng uống rượu cần, cảnh săn bắn, mô phỏng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như phụ nữ ngồi dệt vải, giã gạo, gói bánh, làm gốm hay khắc họa bức tranh lễ hội cộng đồng... Đó là hình ảnh đâm trâu hiến tế, tạ ơn đất trời, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, lễ cưới thắm tình đôi lứa và diễn xướng với điệu múa tung tung da dá truyền thống của trai gái Cơ Tu, trên tấm ván thương mặt trước của Gươl và nhiều tượng gỗ khá đẹp mắt: Người già đeo trang sức, tượng đàn ông Cơ Tu đóng khố, tượng phụ nữ Cơ Tu bị bướu cổ... Tất cả được vẽ và chạm khắc trên gỗ, nhưng đã thể hiện trọn vẹn phần hồn của người Cơ Tu.
Mới đây, khi về huyện Tây Giang để tham dự cuộc Hội thảo "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Cơ Tu", chúng tôi được gặp Cêêr KaTíc tại khu Nhà làng truyền thống. Ông tâm sự: "Hiện, mình tuổi cao sức yếu, không còn khỏe như ngày trước, đã bắt đầu nghĩ đến việc truyền nghề lại cho con cháu trong làng". Điều ông tâm huyết là hoàn toàn có cơ sở, bởi ông là nghệ nhân duy nhất ở vùng núi Tây Giang còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Cơ Tu. Một khi ông đã ở tuổi xế chiều, cũng rất cần đến những chàng trai Cơ Tu trẻ tuổi tích cực theo học để duy trì, giữ vững được "cái hồn" của làng Ka Noon.