Biên phòng - Tối 19-4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm vang đất Việt” và khai mạc các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương...
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, xác định tầm quan trọng của văn hóa dân tộc đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ chọn ngày 19-4 hằng năm là Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, đồng thời tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Phó Chủ tịch nước, 10 năm qua, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đã lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ khi ra đời đã không ngừng phát triển, trở thành “Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em”. Hàng nghìn lượt đồng bào đại diện cộng đồng các dân tộc đã luân phiên tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, góp phần giới thiệu, tôn vinh những nét đặc sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá để các dân tộc hiểu về nhau hơn và tăng cường tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sau 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, lĩnh vực văn hóa dân tộc đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Có thể thấy, việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam hằng năm theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đảm bảo các yêu cầu thiết thực, tiết kiệm, đồng thời đảm bảo phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc dân tộc.
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, Bộ VHTT&DL đặc biệt quan tâm tổ chức các ngày hội, giao lưu văn hóa theo vùng, miền, từng dân tộc, tạo điều kiện tăng cường giao lưu văn hóa, qua đó di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm; kết hợp bảo tồn làng, bản, buôn và phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống mang tính tiêu biểu của các dân tộc.
Ngay sau phần khai mạc, các nghệ nhân, nghệ sĩ khắp cả nước đã mang đến chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Âm vang đất Việt” với 6 phần: “Phách nhịp vùng cao”; “Khúc Nhị Hà”; “Câu hò điệu ví”; “Âm vang đại ngàn”; “Vọng miền sông nước” và “Tinh hoa Đất Việt”.

Các phần diễn được xây dựng theo thể liên hoàn, phức điệu, dưới các hình thức ca, diễn xướng, múa, nhạc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, sân khấu phức hợp... Thông qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với sự đa dạng phong phú trong bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thanh Thuận