Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:37 GMT+7

Âm vang Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Biên phòng - Cách đây vừa tròn 45 năm, với âm mưu giành thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, buộc phía Việt Nam phải chấp nhận các điều kiện có lợi cho Mỹ, ngày 14-12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng mang mật danh chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ II (Operation Linebacker II).

7gza_5
Trung đoàn Không quân 921 chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội tháng 12-1972. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện kế hoạch trên, Mỹ huy động 193 chiếc B.52 (chiếm 50% số máy bay B.52 trong biên chế); 2 đại đội máy bay F.111A (gồm 48 chiếc), gần 1.000 máy bay chiến đấu các loại; ngoài ra, còn một số máy bay tiếp dầu KC.135 và các máy bay bảo đảm khác. Nhưng, Mỹ đã thua đau trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam đã làm cho nhiều chính trị gia và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước phải lật dở, lần tìm và cắt nghĩa nguyên nhân.

Để làm nên chiến thắng này, chúng ta đã dự báo và chuẩn bị kỹ càng. Ngày 19-7-1965, với tầm nhìn chiến lược, khi tới thăm cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo Bộ đội Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Tiếp đó, Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Những lời tiên tri của Bác đã giúp bộ đội tên lửa phòng không nói riêng và quân, dân ta nói chung sớm có quyết tâm, chủ động chuẩn bị mọi tình huống và kế hoạch tác chiến để đối phó với B.52. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 (từ đêm 18 đến 29-12), quân và dân cả nước, trong đó nổi bật là quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, với bản lĩnh, trí tuệ, mưu trí, dũng cảm đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ; giáng cho Không quân Mỹ một đòn nặng nề nhất trong lịch sử (lần đầu tiên bị bắn rơi nhiều máy bay B.52), lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” - biểu tượng của lương tri và phẩm giá của thời đại.

Ngày 28-12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đến thăm hỏi, động viên Tiểu đoàn 79 tên lửa bảo vệ Hà Nội và chỉ rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, đồng thời khẳng định quyết tâm của quân và dân ta: “Từ đêm 18 tháng 12 đến nay, đế quốc Mỹ đã dốc toàn bộ lực lượng không quân chiến lược B.52 và toàn bộ lực lượng không quân chiến thuật của chúng ở khu vực Đông Nam Á, đánh phá rất quyết liệt vào miền Bắc nước ta, đặc biệt là vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, gây ra những tội ác vô cùng dã man đối với đồng bào ta.

Chúng tưởng rằng với vũ khí kỹ thuật hiện đại, có thể đè bẹp được ý chí và quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta, buộc nhân dân ta phải khuất phục chúng. Nhưng giặc Mỹ đã tính nhầm. Quân và dân ta luôn luôn thấm sâu lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, đã kiên quyết đánh trả chúng, giáng cho chúng những đòn trừng trị đích đáng”. 

Góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta, phải kể tới lực lượng Phòng không - Không quân với vai trò nòng cốt của thế trận phòng không nhân dân. Trong hồi ký “Sức mạnh làm nên chiến thắng”, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân viết: “Trên mảnh đất Thăng Long lịch sử lại một lần nữa viết nên những trang sử chói lọi trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Uy danh của không quân chiến lược Mỹ, “pháo đài bay siêu đẳng” B.52 đã phải gục ngã dưới chân thành Thăng Long lịch sử. Trong chiến dịch này, Quân chủng Phòng không - Không quân đã lập công xuất sắc, nhưng vai trò nòng cốt là binh chủng tên lửa”.

Đại tá, Thạc sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên, nguyên là sĩ quan điều khiển thuộc Tiểu đoàn tên lửa Phòng không 57 anh hùng đã trực tiếp tham gia chiến đấu và bắn rơi 4 máy bay B.52, góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt trên bầu trời Hà Nội phân tích về nguyên nhân của thắng lợi: Sở dĩ bộ đội tên lửa góp phần quan trọng trong chiến thắng trận “Điện Biên Phủ trên không”, vì các chiến sĩ tên lửa của ta có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự thông minh, sáng tạo trong sử dụng vũ khí-khí tài của bạn để tạo nên những cách đánh hiệu suất chiến đấu cao… Khi đó, đế quốc Mỹ đã coi thường khả năng chiến đấu của lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam.

Trong bài viết: “Điện Biên Phủ trên không - Qua lăng kính 15 năm sau”, Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng chỉ ra những nhân tố tạo nên chiến thắng này: “Trận “Điện Biên Phủ trên không” không phải là sự kiện ngẫu nhiên, tách rời khỏi toàn bộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta và sự lãnh đạo có chủ đích, có bước đi của Đảng. Tính thừa kế thể hiện trong mọi khía cạnh: Thái độ dũng cảm chấp nhận mọi hy sinh để đi đến toàn thắng của nhân dân Thủ đô; chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta; trí tuệ chiến lược của bộ não chỉ đạo chiến tranh; năng lực điều khiển và tài sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ phòng không; trình độ nắm vững kỹ thuật hiện đại của các nhà trí thức quân sự… Chiến thắng bởi sự tổng hợp mọi ưu điểm đã thành bản chất của Đảng và quân, dân ta do quá trình trui rèn nhiều năm trong thực tiễn thử thách khốc liệt”.

Joseph Amter (Luật gia và đồng Chủ tịch hội nghị Nhà Trắng nghiên cứu về hòa bình) cho rằng, việc Mỹ sử dụng chiến tranh không quân lớn nhất trong lịch sử, đặc biệt dùng B.52 đánh phá hủy diệt Bắc Việt Nam là một sai lầm: “Từ ngày 18 đến 30-12-1972, Mỹ ném xuống Hà Nội, Hải Phòng hơn 35.000 tấn bom, đạn. Lầu Năm Góc cho rằng, các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch chỉ còn là những đống gạch vụn… Tổng thống R.Nich-xơn đã đánh giá thấp quyết tâm của nhân dân Bắc Việt Nam… Khoảng 33 đến 35 máy bay B.52, gần 100 phi công Mỹ đã bị bắn rơi trong 12 ngày đêm”.

Trong hồi ký, Mc Namara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Mỹ đã phạm sai lầm lớn trong chiến tranh Việt Nam - những sai lầm cơ bản có tính chiến lược. Mỹ đã không đo lường hết được ý thức dân tộc của con người Việt Nam khi đổ quân vào Việt Nam, ném bom miền Bắc lần này, phiêu lưu đến mức tung không lực khổng lồ đánh thẳng vào các thành phố miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Mỹ cũng không nghĩ đến, về mặt khí tài và kỹ thuật quân sự, Quân đội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể trừng trị được các “át chủ bài” trên không của Mỹ và cuối cùng Mỹ đã không hiểu lịch sử Việt Nam xa xưa và hiện tại”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không thắng lợi, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thời gian đã lùi xa, song chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị; đồng thời để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc chúng ta hôm nay và mai sau.

Hải Hà

Bình luận

ZALO