Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 04:26 GMT+7

Âm vang bài ca biên cương và người lính

Biên phòng - Đúng 17 giờ, ngày 14-12, Cầu truyền hình trực tiếp "Âm vang biên giới" tại 3 điểm: Quảng trường Nhân dân Lai Châu, Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Quảng trường 30/4 Châu Đốc (An Giang) chính thức lên sóng. Đây là chương trình do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện, hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân, 55 năm Ngày Truyền thống BĐBP.

p3hi_8a-1.jpg
Hoạt cảnh "Hát mãi khúc quân hành" tại điểm cầu An Giang. Ảnh: Đăng Bảy
Ngày 13-12, tại Quảng trường Nhân dân Lai Châu, buổi tổng duyệt của chương trình đã phải lược bỏ phần sân khấu vì thời tiết xấu bất thường. Suốt cả ngày 14, mưa như trút và giá lạnh tê tái phủ lên Tây Bắc. Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV có mặt chỉ đạo tại điểm cầu Lai Châu vẫn quyết định sẽ lên sóng bằng sân khấu ngoài trời. Nhưng mưa càng nặng hạt, thêm vào đó, tin từ Châu Đốc và Bờ Y là, các điểm cầu này cũng đang có mưa. Cho đến 15 giờ, ngày 14, chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nữa chạm giờ lên sóng, không thể chần chừ, kíp thực hiện chương trình quyết định di chuyển địa điểm tổ chức chương trình vào Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh Lai Châu. Lúc này, trời mưa rất to, hàng chục tấn thiết bị âm thanh loa đài, máy ghi hình và dàn sân khấu được di chuyển từ ngoài trời vào trong hội trường một cách khẩn trương nhất có thể để đảm bảo an toàn, phát sóng đúng hẹn.

So với 2 điểm cầu còn lại, điểm cầu Lai Châu số lượng công việc thực hiện khó khăn gấp nhiều lần. Số thiết bị và nhân lực đã phải di chuyển bằng đường hàng không từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, sau đó đi đường sắt từ Hà Nội lên Lào Cai, rồi từ Lào Cai đi đường bộ sang Lai Châu. Thế nhưng, trời đã không chiều lòng người, phút cuối cùng, sân khấu hoành tráng và ấn tượng tại Quảng trường Nhân dân Lai Châu đã phải dỡ xuống, thay vào đó, kíp làm việc đã phải dựng một sân khấu tối giản, ấm cúng, quy mô nhỏ hơn trong hội trường và đảm bảo nối sóng cùng 2 điểm cầu còn lại.

Biên tập viên Phước Lập mở đầu chương trình bằng màn hiện dẫn dưới cơn mưa như trút tại Lai Châu. Anh nói, chưa bao giờ một kíp truyền hình trực tiếp của HTV lại hồi hộp và nhiều lo lắng diễn ra trong suốt quá trình nối cầu như lần này. Chỉ đến khi khán phòng lặng đi với bài hát "Chiều biên giới" - một hợp ca trên sóng của 2 ca sĩ xuất hiện ở 2 điểm cầu Châu Đốc, Lai Châu và phần phối bè tại Bờ Y, những lo ngại mới tan biến vì hiệu ứng cảm xúc đặc biệt mà tiết mục mang lại. Hợp ca được dàn dựng với ý đồ nối 3 vùng miền của Tổ quốc thành một dải, kết nối tình yêu con người, tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước và đây thực sự là bài ca toàn cảnh về biên cương và người lính. Hầu hết phần sân khấu ở 3 điểm cầu đã có hiệu quả nghệ thuật hoàn hảo, mang đậm chất văn hóa đặc trưng cho 3 miền, gắn với người lính Biên phòng và tình quân dân biên giới.

Điểm cầu Lai Châu tạo được nhiều ấn tượng vì những xúc cảm nồng đượm có được từ các nhân vật giao lưu truyền đến cho khán giả. Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu, Đại tá Nguyễn Văn Tuất nhận bó hoa tươi thắm từ chính những em bé mà các đồn biên phòng nhận đỡ đầu, dạy học, rèn luyện trong đồn biên phòng với mục đích bồi dưỡng nhân lực bảo vệ biên giới bằng chính con em đồng bào ở đây. Trưởng bản Phản Xạ Chô, người đại diện cho bà con dân tộc La Hủ gắn bó mật thiết với BĐBP Lai Châu, chân thành và thật thà nói về đời sống của bà con La Hủ hiện thời. Tiếng chào, lời hỏi thăm: "Chào bác Phản Xạ Chô, bác khỏe không" vọng về từ Châu Đốc của Thiếu tướng Trần Hữu Phúc, người từng lặn lội cùng đồng đội của mình vào rừng làm nhà, lập bản cho bà con, làm ông Xạ Chô nghẹn lời. Những giọt nước mắt đã lăn trên má của người phụ nữ Thái Lò Thị Thơn, khi chị bất ngờ thấy lại người lính Biên phòng Vũ Quang Mạo sau 24 năm anh cứu chị khỏi tật nguyền. Tất cả như nén lại và lan tỏa một niềm tin sâu sắc vào tình quân dân nồng ấm, vào bình yên biên giới hôm nay và sự phát triển bền vững cho mai sau.

Tại điểm cầu An Giang, sau khi Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chính thức phát động chương trình "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới", 68 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ BĐBP các tỉnh phía Nam đã ủng hộ trên 23 tỷ đồng.

Tại điểm cầu Bờ Y, Kon Tum, trước khi khai mạc, trời đổ mưa. Khi khai mạc, trời hết mưa nên mọi diễn biến của điểm cầu đúng như kịch bản. Có nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã tự nguyện tham gia đóng góp ủng hộ chương trình "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới" với số tiền trên 20 tỷ đồng. Kết thúc chương trình, nhiều người dân còn lưu luyến ở lại để bày tỏ tình cảm với Ban tổ chức và ê kíp truyền hình. Không giấu được cảm xúc, già làng Thao Pú (83 tuổi), dân tộc KDong ở làng Iệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi bày tỏ: "Được xem chương trình này, già rất xúc động, già thấy những người lính Biên phòng không chỉ vững chắc tay súng giữ vững biên cương Tổ quốc, mà còn là những người con ưu tú của dân bản. Đồng bào mình xóa được cái đói, đuổi được cái dốt... tất cả đều nhờ có các anh BĐBP giúp đỡ đó. Không những vậy, lúc ốm đau, thiên tai, lụt bão cũng như hỏa hoạn, người đầu tiên có mặt cũng là BĐBP. Được xem chương trình này già mới biết, mới hiểu, sao già thấy thương BĐBP nhiều quá".

Trong thời gian gần 3 giờ, Cầu truyền hình "Âm vang biên giới" đã cống hiến cho người xem một chương trình đặc sắc, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp. Xen kẽ các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, mang đậm sắc thái văn hóa nhiều vùng biên cương Tổ quốc và tôn vinh chiến công của BĐBP, nhiều đoạn video clip về hình ảnh những người lính Biên phòng trong công tác giúp dân xóa đói, giảm nghèo, những bác sỹ quân hàm xanh ngày đêm chăm lo sức khỏe cho nhân dân biên giới đã để lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng sâu sắc. Một số tiết mục giao lưu với những tấm gương quân y trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa đã khắc họa được tình cảm gắn bó giữa lực lượng BĐBP và nhân dân các dân tộc vùng biên giới Việt Nam với các nước bạn láng giềng qua những mô hình phối hợp, hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí... chung tay tạo nên biên giới hòa bình, hữu nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh BĐBP thay mặt Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp nhận sự ủng hộ của các tập thể và doanh nghiệp cho chương trình "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới". Mục tiêu của chương trình là kêu gọi đóng góp 60 tỷ đồng để xây dựng khoảng 1.000 căn nhà, tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đầu của đợt phát động, chương trình đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là hơn 65 tỷ đồng - một thành công ngoài mong đợi.

Kết thúc chương trình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu đã tặng Bằng khen cho ê kíp chương trình Cầu truyền hình "Âm vang biên giới" Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; cảm ơn và tặng Bằng khen cho tổng đạo diễn và đạo diễn chương trình đã thực hiện thành công chương trình ý nghĩa này.

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP phấn khởi: "Chương trình "Âm vang biên giới" thành công ngoài mong đợi. Với số tiền trên, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tiến hành xây dựng nhà cho những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng để giúp các đồng chí này giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, yên tâm công tác".
T.Hằng - V.Hà - Đ.Bảy - X.Hoàng

Bình luận

ZALO