Biên phòng - Các diễn viên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã biểu diễn 5 tiết mục văn nghệ với thời lượng 22 phút, tại đêm “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia” lần thứ nhất, được tổ chức tại tỉnh Kon Tum vào đầu tháng 11 vừa qua. Chương trình thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Đó là thành quả của việc luyện tập công phu và chuyên nghiệp, mặc dù ngôn ngữ bất đồng.

Những ngày cuối tháng 10, Đoàn Văn công BĐBP di chuyển từ Hà Nội vào Tây Nguyên để chuẩn bị cho chương trình hợp diễn phục vụ hoạt động giao lưu biên giới giữa 3 nước. Trong buổi giao lưu, các Tỉnh trưởng đến từ các tỉnh Sekong, Attapeu của Lào, tỉnh Rattanakiri của Campuchia chia sẻ nhiều câu chuyện về tình hữu nghị giữa nhân dân 3 nước, về triển vọng phát triển của khu vực biên giới tiếp giáp giữa 3 nước. Còn nhiệm vụ của các diễn viên là thông qua ngôn ngữ nghệ thuật để phác họa lại tình đoàn kết 3 nước anh em dưới ánh đèn sân khấu.
Trung úy Thtanong Chanthamath, công tác ở Đoàn Văn công của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapeu có vẻ đẹp mặn mà, đôi mắt long lanh với cái nhìn sâu trên khuôn mặt tròn và nụ cười rất duyên. Cô chia sẻ bên lề buổi tập, bằng tiếng Lào, thông qua phiên dịch: “Ban đầu, em còn bỡ ngỡ, nhưng sau đó thì mọi người kết nối được với nhau, mặc dù chúng em không cùng tiếng nói với các diễn viên nước bạn Việt Nam và Campuchia, nhưng vẫn cố gắng suy nghĩ, làm theo hướng dẫn để hợp luyện thành công các tiết mục văn nghệ”.
Tiếp xúc với các diễn viên của Lào, tôi cảm nhận được niềm vui của các bạn khi được tham gia đồng diễn các tiết mục có sự góp mặt của diễn viên đến từ 3 nước có đường biên giới tiếp giáp. Ngôn từ của các diễn viên khi phỏng vấn cũng luôn chứa đầy chất văn chương và mềm mại. Thtanong Chanthamath nói rằng: “Bên cạnh việc tập luyện thì em thấy rằng đây là cơ hội để tìm hiểu về văn hóa 3 nước để phát triển tốt hơn trong tương lai và kế thừa tốt hơn tình đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia”.
Trong số các diễn viên biểu diễn, có sinh viên Campuchia đang học tập tại phân hiệu của Trường Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, đó là Sophia Chiên, quê ở tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Năm 2017, Sophia Chiên sang Việt Nam học tiếng Việt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh Kon Tum và năm 2018, chuyển sang học đại học. Do biết tiếng Việt nên chàng sinh viên khoa Công nghệ thông tin này cũng làm luôn việc nhận “tín hiệu” từ phía các diễn viên Việt Nam và phiên dịch, hướng dẫn lại các bạn Campuchia thực hiện các động tác để ráp nối toàn bộ chương trình.
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP cho biết: “Các tiết mục phải đảm bảo về chủ đề thể hiện tình đoàn kết của 3 nước nói chung và có những tiết mục nói riêng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Khi tập luyện, mặc dù bất đồng ngôn ngữ, song các diễn viên của 3 nước đều có điểm chung là người làm nghệ thuật nên khi ra hiệu cũng hiểu nhau, cứ thế thực hiện. Nhiều khi biểu diễn xong về phòng rồi, mình phải điện cho phiên dịch để nhờ kết nối và trao đổi cụ thể về chuyên môn cho buổi tập tiếp theo đạt chất lượng tốt”.
Đồng chí Khăm Phởi Bút Đa Viên, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Sê Kông, Lào - địa phương có đường biên tiếp giáp với 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum nói về tình đoàn kết trong đêm giao lưu: “Chúng ta cùng sinh sống trên dãy Trường Sơn, cùng uống nước của nhiều dòng sông, dòng suối chảy từ Tây sang Đông. Điều đặc biệt hơn là chúng ta đoàn kết như anh em một nhà”.
Trong đêm “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia”, tiết mục mở màn là ca khúc “Thắm tình biên cương”, được diễn viên của 3 nước múa phụ họa với số diễn viên trên sân khấu lên đến 36 người, gồm các đoàn: Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, Đoàn Văn công BĐBP, Đoàn Văn công Công an tỉnh Rattanakiri, Đoàn Văn công Bộ Chỉ huy Quân sự Attapư. Hai bên cánh gà của sân khấu là 16 diễn viên mặc quân phục BĐBP Việt Nam, 9 diễn viên nữ mặc trang phục truyền thống như những bông hoa điểm giữa đội hình.
Các bài hát: “Thắm tình biên cương”, “Tiếng hát từ mốc 3 biên”; “Sải Chay Lào - Việt” và “Việt Nam - Campuchia Samakhi”... được cất lên, người nghe sẽ thấy hiện ra dãy Trường Sơn hùng vĩ - nơi mà trong quá khứ hào hùng, nhân dân 3 nước đã chiến đấu chung một chiến hào, cùng nhau tải đạn ra trận để chống kẻ thù chung, thực hiện khát vọng độc lập dân tộc. Có những ca khúc cất lên giúp người nghe cảm nhận sâu lắng một dòng sông Mê Kông chảy qua những vùng đất xa xôi, nơi có nhiều dân tộc anh em cùng khát vọng chung sống hòa bình.
Lê Văn Chương