Biên phòng - Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19, âm nhạc đã kịp thời tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới toàn xã hội, ngợi ca các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có BĐBP... Trào lưu sáng tác đó khẳng định âm nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời "tiếp lửa" cho cả cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên cho đất nước. Trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng, Thượng tá - nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP cho biết:

Âm nhạc dễ đi vào lòng người và có sức lan tỏa rất lớn trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19. Do đó, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chuyên và không chuyên đã kịp thời cho ra đời các sản phẩm âm nhạc góp phần ca ngợi, cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần của cả dân tộc trong việc chung tay phòng, chống đại dịch này.
- Nhạc sĩ có thể khái quát những sáng tác về lực lượng BĐBP về đề tài Covid-19?
- Các tác phẩm đều có những thông điệp tích cực, muôn màu, muôn vẻ, nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau... Ví như có tác phẩm là tâm tư của một người vợ với nỗi nhớ chồng da diết; có tác phẩm là tâm sự của người trong cuộc khi con chào đời mà bố đang ở biên giới, là niềm tự hào của người con khi có bố là BĐBP... Chính vì thế, thông qua những sáng tác về đề tài Covid-19, các tác giả đã cho ta thấy bức tranh muôn màu của cuộc sống.
- Thời gian qua, lực lượng BĐBP lan tỏa tinh thần chống dịch, trong đó có sáng tác âm nhạc. Với tư cách là Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP, đồng thời cũng là một nhạc sĩ, anh có cảm nghĩ gì trước phong trào sáng tác âm nhạc của BĐBP?
- Văn nghệ sĩ mang quân hàm xanh có mặt trên mọi mặt trận, ở đâu có người lính Biên phòng thì ở đó có nghệ sĩ Biên phòng. Tinh thần đó hoàn toàn tự nhiên, lan tỏa và trách nhiệm tới từng người chiến sĩ - nghệ sĩ mang trên vai màu xanh biên giới. Và để có những tác phẩm âm nhạc kịp thời thì người nhạc sĩ phải đi trước một bước, phải trăn trở với thời cuộc, phải đồng hành cùng nhịp sống, diễn biến của đất nước.
- Những sáng tác của các nhạc sĩ trong lực lượng BĐBP và sáng tác của các nhạc sĩ ngoài lực lượng về BĐBP đã đón nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả. Cảm xúc của anh như thế nào?
- Tôi tự hào là người nghệ sĩ của biên giới, của BĐBP, của nhân dân các dân tộc trên khắp các miền biên cương của Tổ quốc. Đồng hành với chúng tôi còn có các văn nghệ sĩ yêu màu xanh áo lính, yêu mến những người thầy giáo mang quân hàm xanh, những người thầy thuốc quân hàm xanh... Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trên lưng ngựa “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” đã trở thành niềm cảm xúc mãnh liệt đối với văn nghệ sĩ. Họ đã có những tác phẩm thật tuyệt vời, đã kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên tuyến đầu chống dịch.
- Về đề tài này, vừa qua, nhạc sĩ đã có sáng tác “Em cùng bố chống Corona” được nhiều người yêu thích. Anh có thể cho biết rõ hơn về ca khúc này?
- “Em cùng bố chống Corona” là một ca khúc thiếu nhi mới được sáng tác của tôi. Ca khúc đã được thu âm, dựng thành MV và nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả trên cả nước, đặc biệt là các em thiếu nhi và cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới. Đây có lẽ là một trong ít ca khúc thiếu nhi về đề tài này.
- Thời gian qua, Đoàn Văn công BĐBP đã dàn dựng, biểu diễn một số ca khúc được đông đảo mọi người đón nhận. Với vai trò Đoàn trưởng, dự định sắp tới của nhạc sĩ là gì?
- “Cuộc chiến” chống Covid-19 còn diễn ra phức tạp, kéo dài, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta sẽ “chiến đấu” đến ngày chiến thắng. Thời gian tới, tôi sẽ trực tiếp cùng các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đơn vị tích cực dàn dựng, ghi hình các tác phẩm do các nhạc sĩ cả nước gửi về, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ BĐBP, các lực lượng trên tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch Covid-19.
Với tất cả lòng biết ơn, sự trân trọng những hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, Đoàn Văn công BĐBP sẽ có những tác phẩm xứng tầm với những thành tích của họ trong “cuộc chiến” này.
- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
Thanh Thuận (thực hiện)