Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Âm hưởng hồn quê trong hát sắc bùa Phú Lễ

Biên phòng - Trong chương trình “Về với xứ dừa Bến Tre” vừa diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), bên cạnh những sản phẩm đặc sắc của xứ dừa, UBND tỉnh Bến Tre còn mang đến chương trình những tiết mục hát sắc bùa Phú Lễ - Di sản văn hóa phi vật thể của Bến Tre để giới thiệu với công chúng Thủ đô. Qua đó, đã để lại những dấu ấn về văn hóa, lịch sử của xứ dừa Bến Tre tại “Ngôi nhà chung”, góp phần bảo tồn, quảng bá giá trị độc đáo của hát sắc bùa Phú Lễ trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.

4w87_22
Các nghệ nhân hát sắc bùa Phú Lễ trình diễn các tiết mục đặc sắc tại chương trình “Về với xứ dừa Bến Tre” tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Thuận

Diễn xướng cổ nhất đồng bằng sông Cửu Long

Tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ngoài giao lưu đờn ca tài tử, UBND tỉnh Bến Tre còn tổ chức hát sắc bùa Phú Lễ do đội hát đến từ xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre biểu diễn, giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan chương trình. Hát sắc bùa Phú Lễ từng có thời gian dài bị mai một nên hiện nay, loại hình này đối với rất nhiều du khách đều khá mới mẻ, hầu hết lần đầu biết đến loại hình hát sắc bùa Phú Lễ.

Ở Bến Tre, nói đến hát sắc bùa là người ta nhớ đến hát sắc bùa ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Đây là nơi được xem là cái nôi về hát sắc bùa. Hát sắc bùa Phú Lễ là hình thức diễn xướng dân gian, ra đời vào khoảng thế kỷ XVIII, tồn tại đến những năm 70 của thế kỷ XX, có nguồn gốc từ Nam Trung bộ, cụ thể là vùng đất Quảng Ngãi - Bình Định. Tương truyền, khoảng giữa thế kỷ XVIII, vị quan người Bình Định tên là Trần Văn Hậu làm rể ở đất Phú Lễ, thích hát sắc bùa nên khi về quê vợ đã truyền dạy cho người dân nơi đây cách hát. Sau đó, hát sắc bùa được truyền dạy sang các địa phương lân cận trong huyện Ba Tri như: Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây và Tân Thanh của huyện Giồng Trôm. Tính về thời điểm ra đời, có thể nói, hát sắc bùa là loại hình dân ca cổ nhất của đồng bằng sông Cửu Long.

Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật hát, múa và diễn xướng sân khấu, có hình thức cử hành nghi lễ. Hát sắc bùa không chỉ mang ý nghĩa chúc tụng với lễ nghi nông nghiệp gắn cùng yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới an lành, mùa màng tốt tươi, bình an gia chủ, mà còn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân trong dịp Tết đến, Xuân về.

Một đội hát sắc bùa gồm ít nhất 4 nghệ nhân, có khi lên đến 8 hoặc 12 nghệ nhân, dưới sự điều khiển của một “ông bầu”. Mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Nhạc cụ của một đội hát sắc bùa gồm: Một đờn cò, một trống cơm, sanh tiền và sanh cái được chia đều cho các nghệ nhân còn lại. Thông thường, nghệ nhân đánh trống cơm giữ vai trò đội trưởng có nhiệm vụ sáng tác, luyện tập toàn đội và hát bắt cái (còn gọi là hát cái kể). Nghệ nhân còn lại hát câu kế (còn gọi là hát “con xô”). Hát sắc bùa được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Nội dung hát sắc bùa chủ yếu là những lời chúc tụng nhau cầu mong mùa màng tươi tốt, gia đình bình an, sung túc, nghề nghiệp ổn định, sự nghiệp mở mang... 

Một buổi hát sắc bùa được chia làm 2 phần: Phần mang tính nghi lễ và phần hát góp vui. Phần mang tính nghi lễ bắt đầu thực hiện từ ngoài cửa rào, trước cửa rào, trước bàn thờ gia tiên dán bùa yểm quỷ và trừ tà trên các cửa nhà. Hát nghi lễ trình tự gồm các bài: Mở cửa rào, mở ngõ, cõi nam và khai môn. Phần hát góp vui gồm những bài hát có liên quan đến nghề nghiệp của gia chủ và người thân trong gia đình như nghề làm ruộng, nghề thợ xây, nghề thợ may...

Nghệ sĩ Lương Văn Tất, Câu lạc bộ hát sắc bùa Bến Tre cho biết: “Ngày trước, vào dịp Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn đội hát sắc bùa đến nhà mình để thực hiện nghi lễ trấn áp ma quỷ và mang đến sự an lành, may mắn cho gia đình. Gia chủ khi thấy đội hát sắc bùa đến nhà thì tiếp đón trang trọng, đưa đến trước bàn thờ tổ tiên để dán bùa trấn áp ma quỷ, đem đến sự an lành. Nghi thức hát và dán bùa rất trang nghiêm. Sau những bài hát mang tính nghi lễ, toàn đội hát góp vui với những bài vè, bài lý có nội dung chúc tụng gia chủ làm ăn phát đạt, chúc thành công cho khách đến vui Xuân. Kết thúc phần hát góp vui là bài giã từ”.

Ông Nguyễn Thanh Quang, đội hát sắc bùa xã Phú Lễ cho biết: “Xã có một đội hát sắc bùa của người lớn và 3 đội hát sắc bùa của học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Lễ. Mỗi dịp lễ, Tết, đội hát sắc bùa được mời đi biểu diễn khắp nơi. Địa phương đã có kế hoạch truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật độc đáo của cha ông”.

Hồi sinh một phong tục đẹp

Tuy rằng, hát sắc bùa từng một thời thịnh hành trên vùng sông nước phương Nam, nhưng trải qua bao dâu bể thăng trầm, hát sắc bùa đã dần bị mai một bởi môi trường diễn xướng và nhu cầu xã hội không phù hợp. Từ năm 1985 đến 1998, tục hát sắc bùa ở xã Phú Lễ gần như không còn, do các nghệ nhân lớn tuổi đã qua đời gần hết và không có thế hệ kế thừa.

Đến năm 1998, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa - Thông tin, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đã triển khai thực hiện Dự án “Diễn xướng sắc bùa Phú Lễ” với những lần đi điền dã, tiếp cận nghệ nhân thu thập tài liệu. Từ đó, hát sắc bùa dần hồi sinh với nhiều đội được thành lập. Ngày 23-1-2017, hát sắc bùa Phú Lễ chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ chỗ bị mai một, nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ đã hồi sinh và lan rộng thành phong trào hát sắc bùa trong tỉnh Bến Tre với nhiều đội hát được duy trì và thành lập mới, qua đó góp phần giữ gìn, làm phong phú thêm văn hóa truyền thống đặc sắc của Bến Tre.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO