Biên phòng - Sau sự kiện tụ tập đông người gây rối ở Tây Nguyên vào năm 2001, rồi những chuyến vượt biên trái phép sang Campuchia, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã phải chịu cảnh tan cửa nát nhà, thậm chí có trường hợp phải đánh đổi cả mạng sống nơi đất khách quê người chỉ vì mê muội nghe theo lời lừa bịp của bọn phản động FULRO. Phút lỡ lầm đi qua, một số người may mắn thoát chết trở về đất mẹ đã tìm được ánh sáng của cuộc đời. Với họ, được hòa nhập với cộng đồng cũng đồng nghĩa với một sự khởi đầu mới, một mùa xuân mới hứa hẹn bao niềm vui…
Vỡ mộng nơi "miền đất hứa"
Chỉ với một chiêu lừa: Vượt biên sang Campuchia, sẽ có người đón đưa đi nước thứ 3 và không cần lao động vất vả vẫn sống sung sướng như trên thiên đường, bọn phản động FULRO đã đẩy biết bao nhiêu con người vô tội vào ngõ cụt. Háo hức rời bỏ quê hương ôm mộng giàu sang, nhưng khi đặt chân sang bên kia biên giới, nếm trải bao nỗi đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần khi phải sống lay lắt giữa đất khách quê người, hoặc chen chúc nhau trong trại tạm cư tập trung, đói ăn thiếu mặc, họ mới thấy sai lầm của mình.
Lúc này, nhiều người đã tỉnh mộng nhưng gần như bất lực, bởi họ đã trở thành "con rối" để bọn phản động FULRO rêu rao chuyện nhân quyền, dân tộc, tôn giáo nhằm chống phá chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặc dù vậy, bên cạnh số nạn nhân phải nhận cái kết đắng, cũng có những người may mắn tìm được con đường quay trở về quê hương và câu chuyện của họ đã nói lên tất cả.
Chúng tôi tìm gặp Rơ Lan Ting (27 tuổi), ở làng Ka Luh, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - người may mắn thoát chết được trở về quê sau những tháng ngày sống chui lủi ở Campuchia. Dường như vẫn còn bị ám ảnh sau chuyến... "hành xác", Rơ Lan Ting vào đề ngay khi chúng tôi chưa kịp hỏi: "Ngày đó, nghe theo lời bọn xấu nói rằng, nếu vượt biên sang Campuchia, họ sẽ cho sang Mỹ để có cuộc sống sung túc nên mình mới bán hết đất đai, nhà cửa lấy tiền đưa cho bọn họ, để rồi sau đó nhận lấy bao nỗi khổ cực. Giờ được trở về với quê hương, nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, mình thấy ân hận vô cùng. Mình muốn kể câu chuyện của mình để mọi người biết với mong muốn không còn ai bị bọn phản động lợi dụng lừa bịp nữa".
Theo lời kể của Rơ Lan Ting, tai họa ập đến với anh vào khoảng giữa năm 2015, khi có người đến gặp thủ thỉ chuyện vượt biên để đi tìm cuộc sống sung sướng nơi đất khách quê người. Không cần nghĩ ngợi gì, người thanh niên này lén lút trốn gia đình thu gom tiền bạc rồi bắt xe đò vào tận Tây Ninh để tìm đường vượt biên sang Campuchia.
Một thân một mình, không biết tiếng Campuchia, "giấc mơ đổi đời" của Rơ Lan Ting nhanh chóng tan biến trong chuỗi ngày cùng cực. Ngày thì vật vờ đi làm thuê để kiếm cơm, tối đến nằm co ro dưới gầm cầu trong giấc ngủ chập chờn của một kẻ vô gia cư, bất hợp pháp. Sau đó, Ting được đưa vào "trại tị nạn", nhưng ở trong cái trại tạm cư này, cuộc sống cũng chẳng sáng hơn là bao.
Cùng với 15 người khác, Rơ Lan Ting sống chen chúc trong căn phòng chật chội, với tiêu chuẩn mỗi người nhận một 1kg gạo để ăn trong một... tuần, thiếu thì rau rừng độn vào. 16 con người này đều là nạn nhân do bọn phản động FULRO lừa bịp, lôi kéo rồi tự hành xác trên đất Campuchia nên ai cũng sống trong nỗi sợ hãi. Có lúc quẫn trí, Rơ Lan Ting đã nghĩ đến cái chết, nhưng rồi hai tiếng "quê hương" nỗi nhớ gia đình, người thân đã giúp anh sống lại niềm hy vọng được quay trở về đất mẹ. Và rồi, cơ may đã đến khi Rơ Lan Ting cùng một số người trong trại được trao trả về Việt Nam.
Một mùa xuân yêu thương
Cùng chung cảnh ngộ và phải nếm trải nhiều đắng cay như Rơ Lan Ting, còn có 8 người dân ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) gồm: Siu Bêh, Rơ Mah Thoat, Rơ Mah Aloh, Siu Phôi, Siu In, Siu H'Djreo, Siu But và Rơ Mah Brơi cũng được trở về Việt Nam an toàn, chấm dứt chuỗi ngày sống lang bạt bên tận đất Thái Lan. Sau cơn mê, mỗi người một gia đình và có cách tính toán làm ăn khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là quyết tâm đứng dậy trong sự nâng niu, đùm bọc chở che của cộng đồng và các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương.
Ngay sau khi trở về Việt Nam, Siu Phôi cùng 7 "chiến hữu" lầm lỡ khác đã mổ một con lợn mấy chục cân để tạ lỗi với dân làng. Trong buổi gặp mặt xúc động có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, Siu Phôi đã kể một cách chi tiết những điều "mắt thấy tai nghe, thân thể cảm nhận" của mình để bà con nghe, qua đó vạch trần trò bịp bợm của bọn phản động FULRO.
Trở về với hai bàn tay trắng, không những không bị phân biệt đối xử, những người lầm lỡ còn được chính quyền địa phương sở tại và cộng đồng tạo mọi điều kiện giúp đỡ hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ được xem xét bố trí lại đất ở, đất sản xuất, được trợ giúp tối đa về nguồn vốn để phát triển kinh tế nên hầu hết đã nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Đến thăm gia đình anh Siu Phôi trong những ngày đầu năm, chúng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc đang ngập tràn trong căn nhà nhỏ nhưng kiên cố khang trang của anh. Siu Phôi cho biết, vụ mùa vừa qua, mặc dù thu hoạch chưa được nhiều lúa, mỳ so với thời điểm trước khi bỏ làng vượt biên giới trái phép sang Thái Lan, nhưng như vậy là quá vui rồi. Gia đình anh được hỗ trợ tối đa về lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và cả nguồn vốn để phát triển kinh tế nên chắc chắn sang năm cuộc sống sẽ khá giả hơn nhiều.
Trước thềm Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, Siu Phôi tâm sự: "Tết này là tết của sự hồi sinh, một mùa xuân vàng của những người lầm lỡ như mình được trở về đoàn tụ. Mình cảm ơn chính quyền địa phương, cảm ơn mọi người đã cho mình cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Giờ thì mình đã hiểu không nơi nào có sự yêu thương, đùm bọc như quê hương...".
Một năm mới đang đến với nhiều niềm vui mới. Với những người lầm đường lạc lối tuổi đời còn trẻ như Kpui H'Tuyết ở làng Trol Đen, thị trấn Chư Ty (Đức Cơ, Gia Lai), bên cạnh việc ổn định cuộc sống, họ đã tính chuyện xây dựng hạnh phúc gia đình. Cô gái tuổi đôi mươi này được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai vào ngày 12-7-2016, giờ đây đã cởi bỏ được sự tự ti để trưởng thành, cứng cáp hơn. Nhờ tình thương, những lời nhắc nhở ân cần của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, già làng, trưởng thôn, Kpui H'Tuyết đã hiểu ra sai lầm của mình. Cô trở nên hoạt bát, siêng năng cả trong công tác xã hội, chuyện đồng áng và việc gia đình. Ông Kpui Pon (bố của H'Tuyết) cho biết: "Nó khôn hơn trước nhiều lắm. Sắp tới gia đình mình sẽ "bắt chồng" cho nó (cưới chồng - PV) để nó yên tâm ở nhà lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn...".
Để tạo điều kiện cho những người lầm đường lỡ bước trở về tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền tỉnh Gia Lai đã giúp đỡ họ cả vật chất lẫn tinh thần để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2016, tỉnh Gia Lai có 160 trường hợp vượt biên trái phép, hồi hương trở về địa phương và tất cả đều được trợ giúp tối đa cả về vật chất lẫn tinh thần để tái hòa nhập cộng đồng. Trong số đó, có 56 gia đình điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đã được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, thực phẩm... để từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hoàng Nga