Biên phòng - Viết về người lính, nhưng đọc “Chuyện vùng biên” của tác giả Nguyễn Trọng Mạch (hiện đang công tác tại Phòng Chính trị, BĐBP Lào Cai), người đọc bị lôi cuốn bởi lối viết mộc mạc, những câu chuyện giản dị của người chiến sĩ nơi biên giới. Từ trải nghiệm qua hàng chục năm bước chân xuống bản, lên chốt cùng đồng đội, những trang văn của anh đưa người đọc đến với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, tạo nên sức hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống của những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Nguyễn Trọng Mạch tự nhận mình không phải là người có năng khiếu văn chương. Anh đến với trang viết bằng sự chân thành, hồn hậu của cậu Binh nhì trẻ măng lần đầu đặt chân lên vùng biên ải Mường Khương, Lào Cai. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ giữa sương giăng mây phủ, trập trùng đá núi Mường Khương, vùng đất lưu truyền biết bao huyền tích văn hóa của đồng bào các dân tộc đã chạm vào tâm hồn của anh, để dòng cảm xúc bất tận tuôn trào. Vậy là, từ một người yêu văn chương, anh đã nảy sinh mong muốn viết về cuộc sống với những hy sinh thầm lặng của đồng đội mình và sự kiên gan giữ đất, giữ bản làng của cộng đồng các dân tộc nơi biên giới.
Với lợi thế của người trong cuộc, từng trang viết của anh ăm ắp chất liệu sống về đồng đội, đồng bào nơi anh đóng quân; khơi gợi, bày tỏ những trăn trở lo toan của con người ở đất Mường Khương. Bắt đầu từ những ghi chép ngắn, rồi bút ký, truyện ngắn, dần dần các sáng tác của anh dày dặn hơn và từng bước tạo được một phong cách riêng. Đồng đội đã “bước vào” các tác phẩm của anh và trở thành những hình tượng đẹp của lòng quả cảm, đức hy sinh, sự vượt khó. Đồng bào các dân tộc Mường Khương là nguồn cảm hứng và là điểm nhấn quan trọng, tạo sự khác biệt và đa dạng về văn hóa trong trang văn của Nguyễn Trọng Mạch.
Không quá “đao to búa lớn” với những chiến công bảo vệ biên giới hay các chuyên án phòng chống tội phạm, “Chuyện vùng biên” của Nguyễn Trọng Mạch bảng lảng và tươi lành như sương sớm, như nước suối nguồn tinh khiết. Ngay cả tên gọi cho từng truyện, ký cũng được đặt đơn giản. “Ngôi nhà tri ân”, “Tổ ba người”, “Con gấu”, “Cây sa mộc giữa Trường Sa cạn”, “Chuyện về những ông bố đơn thân”, “Một chuyến đi săn nước ở Tả Gia Khâu”... Qua các câu chuyện, người đọc có thể cảm nhận được bước chân tuần tra không mỏi của những người lính Biên phòng giữa núi rừng trùng điệp với biết bao hiểm nguy rình rập; cảm nhận được tình quân dân cá nước thông qua những nghĩa cử của các anh đối với đồng bào, như đóng góp tiền lương xây dựng “Mái ấm biên cương”, đêm đêm xuống bản dạy học xóa mù hay đón những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn về đồn nuôi dạy...
Suốt một dải đất từ Tả Gia Khâu nơi Nguyễn Trọng Mạch gắn bó, đến Dìn Chin, Pha Long là những địa danh nổi tiếng bởi sự khô cằn thiếu nước sinh hoạt do hiện tượng castơ. Chuyện thiếu nước ở Tả Gia Khâu qua trang văn Nguyễn Trọng Mạch với tâm thế người trong cuộc đầy sự lạc quan. Ở cái nơi được mệnh danh là Trường Sa cạn này, giọt nước quý hiếm vô cùng. Các anh phải lần rừng tìm được khe nước, lần dây rải ống dẫn về bể trung tâm, về đồn rồi hàng tuần còn phải đi “săn nước”, kiểm tra, bảo vệ đường ống, khắc phục những chỗ rò rỉ do bị gia súc phá, hoặc có người lén “xin” nước.
Điều thú vị là từ chuyện nước sinh hoạt, tác giả đã có những liên tưởng cao hơn, những suy nghĩ sâu hơn: “Giữ dân, giữ nước”, nhiệm vụ ấy đúng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia chúng tôi luôn hoàn thành. Nhưng để nhân dân đồng hành tham gia cùng BĐBP giữ yên biên giới thì phải giúp họ ổn định đời sống ngay trên quê hương mình, trong đó, nước sinh hoạt là vô cùng quan trọng. Vấn đề của Tả Gia Khâu không phải là tìm đâu ra nguồn nước mà là làm thế nào để giữ nước ở lại với dân, với bộ đội.”
Ở thể loại truyện ngắn, thế mạnh của anh là cốt chuyện thực, không hư cấu nên với những độc giả là đồng đội, đồng bào nơi biên giới có thể hiểu và cảm nhận hình bóng của mình trong đó. Những truyện ngắn như “Phân hiệu”, “Tổ ba người”, “Con gấu” hay “Bài học đầu tiên của Binh nhì”... đều lột tả được cuộc sống, chiến đấu của những người chiến sĩ nơi địa đầu cùng những khó khăn, những trái ngang mà họ phải đối mặt.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, truyện ngắn của Nguyễn Trọng Mạch có chuyện, có cấu tứ, nhưng ý văn chưa nhuyễn. Mới tạm dừng lại ở mức truyện ngắn tả thực, dẫu tác giả cũng đã rất dụng công trong việc xây dựng chân dung nhân vật và cốt truyện. Song, với một tác giả “tay ngang”, một nhà văn áo lính, lấy cuộc sống biên thùy làm cảm hứng sáng tác, lấy nhiệt tâm làm ngòi bút và tranh thủ từng giờ rảnh rỗi sau mỗi buổi tuần tra biên giới bảo vệ chủ quyền, xuống bản cùng bà con lo toan tìm sinh kế mới thoát nghèo, để viết văn... thì mỗi trang văn của anh là biết bao cố gắng, là sự khao khát hướng tới cái đẹp, cái thiện của người chiến sĩ đang trên hành trình văn chương còn nhiều vất vả. Và điều quan trọng là, qua 18 tác phẩm trong “Chuyện vùng biên”, đã thấy lấp lánh những giá trị con người, giá trị cuộc sống và sự ấm áp của tình đồng chí, đồng bào nơi biên giới xa xôi mà không phải tác phẩm nào viết về đề tài này cũng có được.
Hoa Hạ – Phạm Vân