Biên phòng - Giữa những ngày thời tiết trở lạnh, sáng 21-3, tại xã Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), không khí bống trở nên ấm áp khi người dân nơi đây được đón nhận những tình cảm ấm áp từ cán bộ, viên chức Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) thông qua những tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), sổ BHXH tự nguyện do đích thân Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao tặng. Chương trình còn có sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan nhằm mang lại cho người dân biên giới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Huyện Mường Lát là địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nông nghiệp chậm phát triển, nên Mường Lát vẫn là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cần sự quan tâm của Nhà nước và người dân trong cả nước.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với vai trò thực hiện chính sách an sinh xã hội, những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đưa chính sách BHXH, BHYT tới người dân trên mọi miền Tổ quốc. Toàn Ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, Ngành cũng thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT. Đồng thời, đề xuất các giải pháp vận động, quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được NSNN hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội được tham gia BHXH, BHYT…
“Hôm nay có mặt tại Mường Lát- một địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đời sống người dân vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ, trong đó có cả chính sách an sinh xã hội. BHXH Việt Nam đã quyết định trao tặng 600 cuốn sổ BHXH tự nguyện cho những hộ khó khăn. Đây là tấm lòng của toàn thể CBVC ngành BHXH Việt Nam và những nhà hảo tâm”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng mong muốn, thông qua những cuốn sổ BHXH tự nguyện sẽ đồng hành và phát huy được hiệu quả, hướng tới mục tiêu lâu dài là tất cả người dân đều có lương hưu và được chăm sóc sức khỏe khi về già.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trân trọng cảm ơn BHXH Việt Nam và các nhà tài trợ tới dự Lễ trao tặng nhà mẫu và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát. “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giàu tính nhân văn, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” và là giá trị đạo đức cao quý của dân tộc ta”- ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đỗ Trọng Hưng, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát là huyện vùng cao biên giới xa nhất của tỉnh, nơi sinh sống đoàn kết, hòa thuận gắn bó lâu đời của 6 dân tộc anh em: Mường, Dao, Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, bằng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đóng góp vào công cuộc đấu tranh, dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Mường Lát vẫn là huyện nằm trong nhóm 6 huyện nghèo của tỉnh, 56 huyện nghèo nhất cả nước và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh.
Hiện nay, toàn huyện Mường Lát có 7/8 xã, thị trấn, 31/88 bản giáp biên giới với 105,5 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đây là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng-an ninh của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Với địa hình phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, đất đai cằn cỗi, nằm trong vùng thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc trong huyện thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống, sinh hoạt của đồng bào.
Chỉ tính riêng 5 năm (2015-2020), huyện Mường Lát đã phải chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất liên tiếp trong các năm 2018 và 2019. Đến nay, toàn huyện vẫn còn 8/8 xã, thị trấn, 73/88 bản, khu phố thuộc diện đặc biệt khó khăn; 23 bản chưa có điện lưới quốc gia; 3.262 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,67%, gấp 17,1 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh và 6,6 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực miền núi của tỉnh, trong đó còn 796 hộ nghèo đang phải ở nhà đơn sơ, tạm bợ, dột nát.
“Do nguồn lực của tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát có hạn, khả năng tự vươn lên để giải quyết khó khăn về nhà ở của các hộ nghèo hạn chế, nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức, cá nhân, các DN, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ để xây dựng nhà ở cũng như các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ.
Nguyễn Vĩnh