Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Afghanistan và Mỹ bất lực trước sự hoành hành của IS và Taliban

Biên phòng - Ngày 29-1, thủ đô Kabul của Afghanistan đã hứng chịu một vụ tấn công mới nhằm vào một học viện quốc phòng, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 16 người bị thương. Diễn biến bạo lực mới nhất này chỉ diễn ra 2 ngày sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Kabul khiến ít nhất 103 người thiệt mạng và 235 người bị thương.

ncy2sbj49k-72117_50ea4f60-c644-1ba9-8657-3f6f57ee168a@yahoo.com_anh_1
 Các bác sĩ cấp cứu một nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ở Kabul ngày 29-1. Ảnh: AFP

Bóng đêm bạo lực và bất ổn ở Afghanistan

Ngày 29-1, một nhóm tay súng đã tấn công vào Học viện Quốc phòng Marshal Fahim tại thủ đô Kabul, làm 11 binh sĩ thiệt mạng. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan, một phần tử đánh bom liều chết đã kích nổ bom trước cổng Học viện Quốc phòng Marshal Fahim, sau đó, một nhóm tay súng tấn công vào cơ sở này và giao tranh với các binh sĩ. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã thừa nhận đứng sau vụ tấn công này.

Vụ tấn công xảy ra chỉ một ngày cả nước Afghanistan vừa tổ chức lễ quốc tang tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 27-1 tại thủ đô Kabul làm ít nhất 103 người thiệt mạng, hơn 191 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại quốc gia này trong thời gian gần đây. Kẻ đánh bom đã lái chiếc xe cấp cứu vượt qua một trạm kiểm soát an ninh để vào trung tâm thủ đô với lý do đang chở bệnh nhân. Khi tới một trạm kiểm soát khác gần khu vực tập trung nhiều tòa nhà chính phủ và văn phòng làm việc của một số cơ quan quan trọng như Bộ Nội vụ Afghanistan, Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan, kẻ đánh bom liều chết đã bị chặn lại do có nhiều dấu hiệu tình nghi. Tên này đã cho xe phát nổ ngay sau đó. Nhóm phiến quân Taliban đã thừa nhận gây ra vụ việc.

Trước đó, đêm 20-1, các tay súng đã đột nhập khách sạn Intercontinental, một trong số khách sạn lớn nhất ở thủ đô của Afghanistan, tấn công nhân viên khách sạn và khách thuê phòng. Những kẻ tấn công đồng thời bắt giữ nhiều con tin, trong đó có cả người nước ngoài. Nhóm khủng bố Taliban đã nhận tiến hành vụ tấn công trên và cho biết kế hoạch tấn công khách sạn Intercontinental ban đầu dự định thực hiện đêm 18-1 nhưng đã hoãn lại vì tại khách sạn hôm đó diễn ra một đám cưới. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, các tay súng của Taliban và IS đã tiến hành một loạt các vụ tấn công trên khắp Afghanistan, trong đó có 3 vụ tấn công ở Kabul làm gần 200 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Trong cuộc họp báo ngày 29-1, Tổng thống Ashraf Ghani khẳng định, phong trào Hồi giáo Taliban đang tiến hành các vụ tấn công ở Afghanistan, phải "lựa chọn giữa Hồi giáo và khủng bố, giữa nhân đạo và man rợ". Ông cho rằng, nếu Taliban thực sự tin vào Hồi giáo và nhân loại thì phong trào này phải tự tách mình ra khỏi sự những hành động tàn ác và là con rối của những kẻ lôi kéo.

Sự lúng túng của Washington

Trong năm qua, Taliban đã trở nên mạnh hơn ở nhiều tỉnh, thành Afghanistan. Theo một đánh giá chính thức của Mỹ, Taliban hiện kiểm soát ít nhất 40% Afghanistan. Trong khi đó, chính quyền trung ương Kabul yếu kém, tham nhũng và chia rẽ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có ít nhất 2.640 dân thường thiệt mạng.

rulna4jq81-72117_7e549080-61b4-c8a4-288e-c0435bc189ae@yahoo.com_anh_2
 Lực lượng an ninh triển khai tại Kabul sau vụ tấn công ngày 27-1. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, việc  Taliban và IS dồn dập tấn công vào ngay thủ đô cho thấy sự bất lực của chính quyền Kabul. Điều này đặt ra nghi vấn về hiệu quả hậu thuẫn của Washington cho chính quyền Kabul. Theo hãng tin Mỹ AP, vấn đề then chốt nằm ở chỗ lực lượng an ninh Afghanistan được thành lập quá vội vã, tập hợp nhiều thành phần dân quân khác nhau, thuộc các sắc tộc khác nhau, thậm chí có những nhóm trước đó còn đánh lại nhau. Thời gian huấn luyện cho lực lượng này lại không bao nhiêu, nhiều binh sĩ đã được tung lên chiến tuyến sau không đầy hai tháng huấn luyện.

Với lực lượng yếu kém, kèm theo cơ chế tổ chức lỏng lẻo đã tạo điều kiện để người của Taliban thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng an ninh Afghanistan, cho phép chúng thực hiện các cuộc tấn công ngay từ bên trong. “Các biện pháp an ninh ở các thành phố của Afghanistan thường rất lỏng lẻo, khả năng thu thập thông tin tình báo của quân đội Afghanistan lại kém cỏi, trong lúc quân khủng bố lại có phần thông minh hơn”, chuyên gia Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình châu Á của Trung tâm Wilson  tại Mỹ nhận định.

Một lý do khác khiến Taliban và IS hoành hành dữ dội hơn tại Afghanistan trong thời gian gần đây xuất phát từ việc Mỹ đã tái bố trí lực lượng tình báo, trinh sát và giám sát, chuyển từ Afghanistan qua việc chống lại IS ở Iraq và Syria do đó không còn dự phòng tốt trước những vụ tấn công. Bên cạnh đó, Mỹ cũng gây áp lực lên Pakistan bằng việc cắt viện trợ quân sự 255 triệu USD cho Islamabad để buộc nước này ngừng “nhắm mắt làm ngơ” cho phe Taliban sử dụng phần lãnh thổ Pakistan ở vùng biên giới với Afghanistan để làm địa bàn đánh vào lực lượng Kabul.

Thế nhưng, các biện pháp trên dường như chưa phát sinh tác dụng để tạo ra bức tường an ninh vững chắc bảo vệ Afghanistan. Vì thế, giới phân tích cho rằng, để chiến thắng được Taliban và IS, chính quyền Kabul cần phải thuyết phục được người dân Afghanistan rằng chính phủ có thể bảo vệ dân và cho thấy là họ có khả năng làm được điều đó.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO