Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Afghanistan: Niềm tin ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Biên phòng - Theo giới quan sát khu vực Trung Đông, gần đây, Mỹ dường như đang tạo điều kiện thuận lợi để Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung tâm trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Điều này thể hiện ở việc Mỹ đề xuất tổ chức một hội nghị ở Thổ Nhĩ Kỳ để các bên tham chiến tại Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán.

Lễ kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Bakhtar

Đề xuất được đưa ra trong bức thư của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Truyền thông Afghanistan đã tiết lộ nội dung bức thư vào cuối tuần qua. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, nước này đã yêu cầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức một cuộc họp cấp cao giữa Chính phủ Afghanistan cùng quân nổi dậy Taliban và đại diện các bên liên quan để thúc đẩy đàm phán thỏa thuận hòa bình.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ý định đề nghị Liên hợp quốc triệu tập các Ngoại trưởng và đặc phái viên từ Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ để thảo luận về cách thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan.

Bức thư của Ngoại trưởng Mỹ đã làm dấy lên sự tức giận trong một bộ phận giới chức Afghanistan. Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh khẳng định, quốc gia này cần hòa bình nhưng không chấp nhận sự sai khiến từ bên ngoài. Tuy nhiên, đánh giá về “yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ”, hầu như chính quyền và giới chuyên gia quốc tế cùng chung niềm tin rằng, “người bạn đặc biệt” của Afghanistan có thể tạo ra những bước đột phá mới.

Nhà bình luận chính trị Afghanistan Nizam Katawazi coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác tiềm năng của đất nước, có thể mang lại bước đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình đang bị đình trệ. Không giống như nhiều quốc gia và khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì sự cân bằng mong manh trong quan hệ với Afghanistan xuyên suốt thời kỳ chiến tranh và hòa bình.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần cẩn trọng khi tham gia sâu hơn vào tiến trình hòa bình Afghanistan, bởi đây là một thử thách đầy chông gai. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối diện với nguy cơ tự “ném mình” vào “vòng cấm” nếu không có một chính sách rõ ràng.

Mặt khác, trong 2 thập kỷ chiến loạn ở Afghanistan, khối lượng các tuyên bố ủng hộ và sự quan tâm của quốc tế là rất lớn, song, đều không có sáng kiến nào mang lại hành động hữu hình, có hiệu quả thực chất. Một cơ chế khu vực tích hợp để hỗ trợ hòa bình Afghanistan vẫn còn thiếu, điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với các nước có vị thế đối với khu vực Trung Đông có xu hướng xấu đi.

Đầu tháng 3 năm nay, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu cột mốc 100 năm quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ ngoại giao và chính trị của hai nước bắt đầu vào ngày 1-3-1921 thông qua việc ký kết Hiệp định Liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-Afghanistan. Vào thời điểm đó, Afghanistan là quốc gia thứ hai công nhận Đại hội đồng Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ - tổ chức đang đấu tranh để chống lại các cuộc xâm lược của các cường quốc.

Trong khi đó, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thủ đô Kabul, Afghanistan là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên ở thành phố này. Trải qua 1 thế kỷ, tình bạn đặc biệt của hai nước liên tục được thúc đẩy.

Ngoại trưởng Afghanistan Haneef Atmar khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực tái thiết và chống khủng bố của đất nước sau năm 2001. Ngoại trưởng Atmar cũng bày tỏ mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì sự hợp tác chân thành với các nỗ lực hòa bình để chấm dứt bạo lực ở Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Afghanistan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những đóng góp toàn diện cho Afghanistan cả trên bình diện song phương và thông qua các nỗ lực của Liên hợp quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chương trình hỗ trợ phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ cho Afghanistan hiện là một trong những chương trình hỗ trợ lớn nhất đối với một quốc gia. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang có khoảng 1.200 binh sĩ ở Afghanistan theo phái bộ NATO.

Dựa trên nền tảng vững chắc trong quá khứ cùng những điều kiện thuận lợi trong hiện tại, giới phân tích tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ mang đến Afghanistan những bước đột phá, giải quyết tình trạng đàm phán hòa bình đình trệ.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO