Biên phòng - Nhiều năm qua, cột mốc ở A Pa Chải luôn có nhiều lượt khách du lịch ghé thăm, mặc dù đó là một trong những mốc giới xa xôi cách trở và đi lại khó khăn nhất. Mùa xuân, A Pa Chải đẹp lộng lẫy, trong sương giăng hoa nở tràn cả những vạt rừng. Chúng tôi được Đội công tác kiểm soát hành chính của Đồn BP A Pa Chải hướng dẫn lên cột mốc 3 cạnh mang số 0, chuyến đi thấm đẫm khí xuân ở cực Tây của Tổ quốc.
Đêm hôm trước nằm trong Đồn BP A Pa Chải nghe tiếng mưa rào đổ xuống không khí tịch mịch, chúng tôi ai nấy chắc mẩm rằng có thể chuyến đi phải hủy bỏ vì cơn mưa rừng trái mùa này. Vậy mà sáng ra, sương mù còn bao phủ, mưa vừa ngớt mà phóng viên báo Biên phòng, Thượng úy Nguyễn Thị Bích đã bật dậy hối thúc mọi người chuẩn bị leo núi. Chúng tôi mang theo lương thực và nước uống rồi băng qua khoảnh rừng thưa ướt sũng và quãng đường đất đỏ đang được mở rộng ra và tiến thẳng lên hướng cột mốc.
Đại úy Bùi Văn Ngữ, người có thâm niên dẫn đường cho các đoàn công tác và khách du lịch lên mốc 0 vừa đi, vừa chỉ dẫn cho mọi người băng qua những cánh rừng. Rêu lan trên đá trơn trượt và quãng đường rừng khấp khểnh, vừa ngược lên núi, vừa đi sâu vào rừng nguyên sinh làm ai nấy nhanh chóng bị hụt hơi, thở dốc. Đây là đất của bản Tá Miếu, nơi người Hà Nhì sinh sống giàu bản sắc ở cuối trời Điện Biên. Trước đây, A Pa Chải hoang vắng và những khoảnh rừng giữ được đến ngày nay là nhờ đồng bào Hà Nhì thờ thần rừng, không đốt rừng làm nương.
Ông Lỳ Ná Na, Trưởng bản Tá Miếu khoe với chúng tôi là hôm nay, ông cũng phải đi trên con đường này để đến nương gặt lúa. Khoảnh nương ở dưới chân núi, năm ngoái cho 50 bao thóc, năm nay mất mùa, chỉ được 40 bao. Người đàn ông Hà Nhì trẻ tuổi này có thành tích từ lúc làm trưởng bản đã xóa được bản trắng đảng viên bằng cách rèn luyện những thanh niên ưu tú trong bản mình để kết nạp đảng viên mới. Ở đây bà con tự quản đường biên, cột mốc, các hộ dân làm nương và sinh sống gần đường biên đều thường xuyên có cơ chế trao đổi thông tin với BĐBP. Ông là một trong những người Hà Nhì tiến bộ nhất trong bản, có công vận động bà con không tảo hôn, không phá rừng, không buôn lậu qua biên giới.
Trước thời điểm những năm 2000, A Pa Chải hiếm khi có khách lạ. Gần đây, dân du lịch ưa khám phá và thích leo núi, thích đến thăm các cột mốc biên giới đã lui tới thường xuyên. Có nhiều dịp cán bộ, chiến sĩ của đồn không đủ để bố trí dẫn khách lên mốc vì đông quá. Trung tá Phạm Hồng Giang cười vui vẻ nói: Khách đến càng đông là chứng tỏ ngày càng có nhiều bạn bè xa gần yêu mến BĐBP, chia sẻ với công việc của chúng tôi hằng ngày, thêm yêu đất nước, yêu mốc quốc giới, đường biên. Đó là niềm tự hào chứ không phải một gánh nặng. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ của đồn đều rất cố gắng, có người đã từng dẫn khách lên mốc 0 số lượt đi về không thể tính được nữa vì quá nhiều, nhưng vẫn vui vẻ mỗi khi được nhận nhiệm vụ.
Như để tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi, Đại úy Bùi Văn Ngữ kể chuyện, người già nhất vượt qua quãng đường rừng lên núi hơn 10 cây số này là một cụ ông đã 83 tuổi. Cụ bày tỏ nguyện vọng cả đời chỉ mong tới được mốc Ngã ba biên giới một lần nên đồn đã phải cử 2 chiến sĩ đi cùng cụ. Tới nơi rồi, ông cụ bật khóc như một đứa trẻ nói: "Thế là nguyện vọng cả đời của tôi đã toại nguyện. Tôi chết cũng nhắm mắt được rồi".
Người nhỏ tuổi nhất là em bé 3 tuổi, con gái của một cán bộ Đồn BP A Pa Chải. Em bé được cha cõng suốt quãng đường rừng dốc, trơn nhãy, nhiều đoạn phải bò trên những phiến đá tảng to vài tấn xếp lô xô lên nhau. Cả gia đình ấy cuối cùng cũng lên được tới mốc giới. Cả đồn sung sướng vì lần đầu tiên, một tâm hồn trẻ thơ được trải nghiệm nỗi khó khăn gian khổ hoang vu mà công việc của người lính Biên phòng hằng ngày phải đối mặt.
Và quả thật, dọc tuyến biên giới trên đất liền suốt chiều dài đất nước chỉ có 2 mốc Ngã ba biên giới. Một mốc ở Ngã ba Đông Dương tại cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum và mốc số 0 tại A Pa Chải. Quãng đường lên mốc số 0 từ phía Trung Quốc dễ đi nhất và nước bạn đã làm những bậc thang bằng sắt để nối những quãng đường dốc nhất. Phía Việt Nam vẫn là con đường mòn xuyên qua rừng nguyên sinh và đi ngược lên đỉnh núi. Bên Lào là một vực thẳm chính diện và sâu hun hút. Đây là một trong những mốc khó thi công nhất trong cả quá trình phân giới cắm mốc biên giới bộ giữa Việt Nam và 2 quốc gia láng giềng Lào, Trung Quốc.
Khi chúng tôi lên tới đỉnh núi, sương mù mới bắt đầu tan và trời sáng nhẹ. Gió rít trên đỉnh núi, mồ hôi ướt áo, bắt đầu lạnh thấu, nhưng không ai giấu được vẻ mặt phấn khích tột độ khi đã chinh phục xong quãng đường rừng bằng đôi chân của mình, được nhìn thấy cột mốc hoa cương tuyệt đẹp nằm giữa đỉnh núi mù sương. Xung quanh quang cảnh như được vẽ lên bằng đồ họa, cây rừng xanh thẫm nổi trên nền màu đục của khí núi, sừng sững như những chiến sĩ đứng gác, tĩnh lặng và trang nghiêm.
Thượng úy Nguyễn Thị Bích đứng vào hàng cán bộ, chiến sĩ của Đồn A Pa Chải trang nghiêm chào cột mốc. Chị có nguyện vọng được diện kiến cột mốc đặc biệt này với tư cách một người lính Biên phòng và đã toại nguyện. Có cả 2 niềm vui trong lần công tác này, Thượng úy Bích cứ lưu luyến mãi không muốn xuống núi ngay. Có vài vị khách du lịch đường xa cũng đã bắt kịp chúng tôi ở đỉnh núi, cùng chiêm ngưỡng đường biên và cột mốc đặc biệt có 3 cạnh gắn 3 quốc huy của 3 quốc gia. Một du khách dù đã mất sức leo núi nhưng vẫn còn hoạt bát và anh làm huyên náo cả khoảnh rừng bằng những câu chuyện kể dọc đường đi. Lấy ra chiếc máy ảnh cũ kỹ, anh bắt đầu chụp lia lịa quang cảnh và những người xung quanh, nói rằng, để chia sẻ với người khác khi trở về. Bao nhiêu bước chân không mỏi đã tới mốc giới này làm nên huyền thoại về một địa chỉ đỏ.
Suốt quãng đường trượt xuống núi trở về đồn, chúng tôi ai cũng nuối tiếc phải xa dần khu rừng nguyên sinh này. Vẻ đẹp của những thân cây nhiệt đới luôn được tắm trong sương mù quanh năm suốt tháng kỳ bí và huyền ảo. Rêu, địa y và đặc biệt là các loại cỏ hoa bật lên trong mùa xuân. Những cây phong rụng lá đỏ lác đác lần cuối trước khi vào một mùa nảy lộc mới.
Hằng ngày những bước chân không mỏi vẫn tới bên những cột mốc biên cương.
Trương Thúy Hằng