Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

A Lưới nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Biên phòng - Chỉ trong khoảng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện 3 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình lây lan nhanh chóng, cán bộ và nhân dân huyện A Lưới đã quán triệt, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của loại dịch bệnh nguy hiểm này.

1zua_11b
Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện A Lưới. Ảnh: Võ Tiến

Diễn biến phức tạp

Ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày 28-5, tại gia đình ông Hồ Văn Phin, thôn Pa Ring Cân Tôm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới. Ông Hồ Văn Phin cho biết: “Gia đình tôi nuôi 14 con lợn, con lớn nhất 81kg. Trong mấy ngày vừa qua, lợn nhà tôi nuôi bỗng nhiên bỏ ăn, thở gấp, không vận động mà chỉ nằm một chỗ. Sau vài ngày thì con lợn đầu tiên chết. Gia đình tôi đã báo cho lãnh đạo địa phương biết để tìm cách xử lý”.

Ổ dịch thứ 2 được phát hiện vào ngày 5-6, tại gia đình bà Trần Thị Thu Hằng, thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong, huyện A Lưới. Đàn lợn tại gia đình gồm 9 con, con lớn nhất 25kg. Lợn của gia đình bà Hằng cũng chết với những biểu hiện tương tự. 

Sau khi nhận được thông tin lợn chết tại các gia đình nói trên, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành lấy mẫu lợn chết để xét nghiệm, đồng thời, kiểm soát toàn bộ số lợn tại các gia đình này không cho xuất chuồng hay mổ thịt. Kết quả, đàn lợn của 2 hộ nói trên dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương khác.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Hiện tại, huyện A Lưới có tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy 23 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy là 797kg. Các gia đình có lợn bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo Quyết định số 1253 của Chủ tịch UBND tỉnh là 80% theo giá thị trường hiện tại, với đơn giá là  25.000 đồng/ kg. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo các địa phương cần chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiên quyết xử lý các vi phạm trong kiểm dịch.

Nỗ lực ngăn chặn

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến rất phức tạp, lây lan với tốc độ rất nhanh, trên diện rộng, khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn về kinh tế, lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng các ổ dịch để xử lý. Đối với các địa phương chưa có dịch, các ngành chức năng thống kê nắm tổng đàn lợn thực tế tại địa phương, giám sát chặt chẽ dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; khuyến cáo trong thời gian có dịch không tái đàn để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bà Hồ Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới cho biết: Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện, chúng tôi đã phát 700 tờ rơi tuyên truyền; cấp 1.022 lít hóa chất, hơn 1,45 tấn vôi; lập 2 chốt để chốt chặn, kiểm soát. Đồng thời, vận động 1.078 hộ gia đình chăn nuôi lợn cam kết thực hiện “5 không” (bao gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật chết; không vứt động vật chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý).

x9l8_11a
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Võ Tiến

Huyện A Lưới gồm 21 xã, thị trấn với 84km đường biên giới giáp với nước bạn Lào gồm hai cửa khẩu và nhiều đường tiểu ngạch. Đa số các hộ chăn nuôi lợn theo hướng nhỏ, lẻ, phân tán. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được chú trọng. Tại các xã biên giới, đặc biệt là tại các cửa khẩu, lực lượng BĐBP đóng chân trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để phòng, chống dịch bệnh.

Thiếu tá Hồ Văn Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Để ngăn chặn dịch bệnh, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại cũng như tầm quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi còn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn có dịch; cử cán bộ trực tiếp đến các hộ chăn nuôi lợn tuyên truyền, giúp người dân vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng nhằm mục đích khống chế, kiểm soát nhanh dịch bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng”.

Có thể thấy, dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực của các cấp, các ngành và người dân đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện biên giới A Lưới cơ bản được kiểm soát. 

Võ Tiến

Bình luận

ZALO