Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

9.116 xã, phường hiện còn ô nhiễm bom, mìn, vật nổ ở các mức độ khác nhau

Biên phòng - Tối 3-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức chương trình Giao lưu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4-4).

qsay9n0ghf-74431_1799116669203898038_thu_tng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP

Thủ trướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương; các vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. 

Tại chương trình, đã ra mắt Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ  đạo 701); công bố hiện trạng bom mìn tồn lưu sau chiến tranh giai đoạn 1; trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn ở các địa phương, các tổ chức quốc tế, gặp mặt các nhà tài trợ lớn trong và ngoài nước.

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn sâu sắc vì góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bom mìn và chất độc hóa học phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 701; chủ động tham mưu đề xuất phương hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống tai nạn bom mìn, phòng chống tác hại chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động tối đa các nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học; đặc biệt là chăm lo giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế, việc làm, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học.

Theo kết quả điều tra, đánh giá tại 11.134 xã của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước tính đến thời điểm tháng 12/2014, có 9.116 xã, phường hiện còn bị ô nhiễm bom mìn vật nổ ở các mức độ khác nhau chiếm 81,87%. Tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến thời điểm tháng 12-2017 là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước.

Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo lập môi trường an toàn cho người dân, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động để khắc phục hậu quả, giảm nhanh diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học. Làm tốt công tác phòng tránh tai nạn, tích cực hỗ trợ nạn nhân.

Tại chương trình giao lưu, ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và ngài Kim Jinol, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn. Đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng của bom mìn sau chiến tranh.

Phương Hiền

Bình luận

ZALO