Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 09:56 GMT+7

Ngành Tuyên giáo của Đảng:

90 năm sắt son một chặng đường vẻ vang

Biên phòng - Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng Cộng sản thông qua công tác tư tưởng để truyền bá nhân tố tự giác vào quần chúng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác tư tưởng. Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền làm cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng có nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng ủng hộ và đi theo đường lối cách mạng của Đảng. 

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn, BĐBP Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Quang Long

Ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành tài liệu mang tên “Tuyên truyền đại cương (Đề cương) ngày Quốc tế đỏ 1-8”. Đề cương tuyên truyền này có 4 phần: A. Ý nghĩa ngày mồng 1 tháng 8; B. Nội dung (04): Các nguy cơ chiến tranh đế quốc; Đế quốc chủ nghĩa đánh nhau; Đế quốc chủ nghĩa đánh Liên bang Xô viết; Đế quốc chủ nghĩa đánh phá phong trào giải phóng ở thuộc địa và bán thuộc địa.

Đề cương này khi được phát hành rộng rãi đã tạo được tiếng vang lớn, góp phần cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đề cương tuyên truyền ngày Quốc tế đỏ 1-8 là tư liệu quý báu, minh chứng cho một hoạt động rất có hiệu quả của Ban Cổ động và Tuyên truyền của Trung ương Đảng. Kể từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc son trong lịch sử, được chọn làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh-người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu một tấm gương sáng mẫu mực về công tác tuyên giáo phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ nhân dân. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã thông qua hoạt động báo chí để tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thức tỉnh tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều và cũng thông qua họ chuyển tài liệu cách mạng về nước để tuyên truyền giác ngộ nhân dân trong nước.

Sau khi cách mạng thành công, Người tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho công tác tuyên truyền và đội ngũ làm công tác tuyên tuyền. Về công tác tuyên truyền, Người nhắc phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động; phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, của dân tộc. Về đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, Người căn dặn phải biết rõ mục đích tuyên truyền của mình, phải biết nhẫn nại, không được lên mặt “quan cách mạng”, tôn trọng sự thực, nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”.

Học tập theo lời dạy của Người, 90 năm qua, trên suốt chặng đường cách mạng, trong kháng chiến và kiến quốc, công tác tuyên giáo luôn đóng một vai trò đặc biệt, một lĩnh vực trọng yếu trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân và tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối cách mạng; đề ra nhiều khẩu hiệu phản ánh nguyện vọng của quần chúng lao động, qua đó làm dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Khi thực dân Pháp ra sức tiến hành khủng bố hòng dìm phong trào cách mạng trong biển máu, công tác tư tưởng góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng. Trong thời kỳ vận động dân chủ, công tác tuyên giáo tạo ra một cao trào cách mạng sôi nổi. Công tác tuyên giáo trong thời kỳ 1939 - 1945 cũng góp phần bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong cách mạng; cổ vũ nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, “rũ bùn đứng dậy” khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám 1945, giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tuyên giáo đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân tộc tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Trong suốt 21 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo thực hiện cuộc vận động chính trị nhằm quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Góp phần phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối năm 1975.

Sau năm 1975, công tác tuyên giáo đã động viên các tầng lớp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh tái thiết đất nước; chiến thắng hai cuộc chiến tranh ở hai đầu của Tổ quốc. Kể từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước năm 1986 đến nay, công tác tuyên giáo đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới với vai trò là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo...

90 năm sắt son một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, công tác tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ cách mạng.

Kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo là dịp để những người hiện đang làm công tác tuyên giáo cùng nhau ôn lại truyền thống; đồng thời, biểu thị quyết tâm phấn đấu xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyên Vũ

Bình luận

ZALO