Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Biên phòng - Sau 80 năm ra đời, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên các giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua năm 1943. Ảnh: baotanglichsu.vn

Giá trị của lịch sử

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. Với khoảng 1.500 chữ, được soạn thảo trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh cách mạng, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và công cuộc kiến thiết nền văn hóa.

Đảng ta coi sự nghiệp cách mạng văn hóa là của toàn dân, trong đó, đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ là một xu hướng khoa học và nhất quán. Ngay từ những năm đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó vừa là định hướng, vừa là mục tiêu cho chúng ta xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 5 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; Phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; Phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo, ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng. Việt Nam lúc đó mang tính chất xã hội thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang làm cho đất nước kiệt quệ, tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cũng đặt ra những thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội.

Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài, nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định và nó đã đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu.

Đề cương nêu lên ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đó là dân tộc, đại chúng, khoa học. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Bài học lớn nhất, bao trùm và xuyên suốt từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay là Đảng ta đã đưa ra được một cương lĩnh về một nền văn hóa tập trung cho nhiệm vụ cứu quốc và mục tiêu ấy đã thành công. Gắn bó với đời sống dân tộc, với những nhiệm vụ chính trị, xã hội xuyên suốt gần một thế kỷ tồn tại, nhiệm vụ cứu quốc, kháng chiến, kiến quốc, mở đường cho những phong trào yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nền văn hóa Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử đương đại.

Điều đáng nói là 80 năm qua, trải qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, những đường hướng ấy dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, nó vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo.

Xây dựng văn hóa trong thời đại mới

Năm 2023 là mốc kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Trải qua 80 năm, Đề cương vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bảo vệ độc lập dân tộc, gốc rễ là bảo vệ bản sắc văn hóa. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022. Ảnh: Giang Đình

Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương về văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trên con đường hội nhập và phát triển. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, chúng ta cần phải thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 nhằm góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nhìn nhận từ bối cảnh chúng ta hiện nay, đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng có những thời điểm ở đâu đó, văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân.

Việc phát triển văn hóa như thế nào để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh của phát triển Việt Nam, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra những hệ giá trị, sự phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa như làm thế nào để văn hóa Việt Nam phát huy được những thế mạnh một cách khoa học, thể hiện được các giá trị bản sắc của Việt Nam, nhưng đồng thời gắn phát triển văn hóa vào xu thế đổi mới, hội nhập của chúng ta. Đã đến lúc văn hóa phải thực sự trở thành một trụ cột phát triển của Việt Nam. Sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa.

Quá trình toàn cầu hóa là một cuộc chơi lớn, cởi mở, nhưng cũng sòng phẳng và khắc nghiệt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đi đến tận cùng của cái dân tộc sẽ bắt gặp cái chung của nhân loại, hay nói chính xác hơn là trong chiều sâu của mỗi nền văn hóa của các dân tộc cũng chứa đựng phần chung của con người. Một nền văn hóa lấy dân tộc, nhân dân, đất nước làm điểm tựa sẽ bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, sẽ như liều kháng sinh văn hóa giúp cho dân tộc ấy, đất nước ấy đủ sức đề kháng trước những xu hướng không lành mạnh, có hại trong quá trình hội nhập.

Có thể thấy, nhận thức về nguồn lực văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ta ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc quan tâm chú trọng phát triển nguồn lực văn hóa, con người, phát huy tối đa tiềm năng “sức mạnh mềm” của đất nước là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO