Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

8 người thương vong do mưa lũ

Biên phòng - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Quảng Ngãi, thiên tai trong 2 ngày qua đã làm 4 người chết, 4 người bị thương.

Ngày 24-5-2022, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Huấn luyện BĐBP giúp người dân xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc di dời tài sản ra khỏi vùng ngập úng do mưa lớn. Ảnh: Đoàn Chung

Trong đó 2 người chết và 2 người bị thương do sạt lở đất; 2 người bị thương do mưa lớn gây đổ nhà ở Tuyên Quang; 1 người chết do lũ cuốn ở Hòa Bình; 1 người chết do sét đánh ở Quảng Ngãi.

Đợt mưa lớn này cũng đã làm hư hỏng 317 ngôi nhà, nhiều nhất là ở Thái Nguyên 58 nhà.

Ngập úng cục bộ xuất hiện tại nhiều địa phương khiến cho hơn 19.200ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 421ha thủy sản bị thiệt hại và gần 6.900 con gia súc, gia cầm bị chết.

Hiện tại các địa phương đang tích cực tiêu úng để phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều điểm trên các tuyến Quốc Lộ 2, 279, 4C, 4D, tỉnh lộ 170, 171, 177, 204, 212 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập cục bộ, sạt lở hơn 30.000m3 đất đá.

Các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện khắc phục các điểm sạt lở, cảnh báo đoạn đường ngập úng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Hiện tại còn tuyến Quốc lộ 4D (Lào Cai) và một số đường giao thông liên xã đi lại khó khăn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mực nước trên trên sông Lô tại trạm Hàm Yên (Tuyên Quang) đạt đỉnh ở mức 33,78m, dưới báo động (BĐ)3 0,22m lúc 19 giờ ngày 24-5, hiện đang xuống; mực nước lúc 7 giờ ngày 25-5 là 33,32m trên BĐ2 0,32m.

Mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm Quảng Cư (Vĩnh Phúc) đạt đỉnh ở mức 29,56m, trên BĐ3 0,06m lúc 2 giờ ngày 24-5 và đang xuống. Đến 7 giờ sáng 25-5, mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm Quảng Cư là là 28,7m trên BĐ1 0,2m.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, lũ, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO