Biên phòng - Buổi phỏng vấn việc làm có thể mở ra cơ hội nghề nghiệp cho bạn nhưng nó cũng có thể khép lại giấc mơ việc làm khiến bạn có nguy cơ đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài, không có thu nhập. Điều đó cho thấy, buổi phỏng vấn việc làm thực sự quan trọng. Bạn cần phải tuân thủ những quy tắc để ghi điểm tối đa với nhà tuyển dụng, dành lấy cơ hội việc làm.
Dưới đây là 7 quy tắc “vàng” bạn nên nắm rõ trước khi bước vào phỏng vấn xin việc.
Ngoại hình phù hợp
Mặc dù yêu cầu ngoại hình không được tìm thấy trong hầu hết các danh sách tuyển dụng ở Hà Nội, TPHCM hay bất kỳ địa phương nào khác nhưng bạn đừng chủ quan và cho rằng “mặc gì cũng được” khi đi phỏng vấn.
Trước buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp. Nếu công ty có quy định riêng về trang phục thì bạn nên tuân thủ. Nếu không, bạn cần thực hiện quy tắc trang phục phù hợp với tiêu chí như lịch sự, hài hòa; không quá nổi bật nhưng không cẩu thả để giúp bạn tự tin trước nhà tuyển dụng. Và đừng quên “soi” lại bản thân từ đầu tóc, đến móng tay hay tư thế đi đứng, ngồi nghỉ… trước khi tham gia phỏng vấn.
Không được muộn giờ
Rất nhiều ứng viên đã bị loại chỉ vì lỗi này. Nhà tuyển dụng không có thời gian để chờ đợi bạn. Người cần phải chờ nếu có thì chính là bạn. Vì thế tốt nhất, bạn hãy sắp xếp để đến trước giờ phỏng vấn. Bạn nên tính quãng thời gian từ nhà tới điểm phỏng vấn để tránh không bị trễ giờ vì bất kể lý do gì.
Không ngồi xuống trước khi được mời
Cách bạn thể hiện trong những phút đầu tiên của buổi phỏng vấn việc làm rất quan trọng. Nó giúp bạn tạo ấn tượng, lấy thiện cảm từ nhà tuyển dụng cũng như làm cho bầu không khí bớt căng thẳng.
Quy tắc là bạn không nên khép nép, lo lắng, căng thẳng nhưng cũng không thể sỗ sàng, thoải mái tự nhiên một cách quá đà.
Bạn cần thể hiện sự lịch sự. Hãy chờ nhà tuyển dụng ngồi xuống trước khi bạn ngồi. Khi ngồi, bạn nên thẳng lưng, hơi nghiêng về phía trước thể hiện tâm thế sẵn sàng bước vào buổi phỏng vấn.
Giao tiếp bằng mắt và nụ cười
Đây là hai vũ khí hiệu quả mà ứng viên nên sử dụng. Ánh mắt nhìn thẳng nhà tuyển dụng thể hiện sự tự tin và sự tôn trọng bạn dành cho họ. Nụ cười thể hiện bạn là người nhiệt tình, thân thiện đồng thời phần nào giải tỏa căng thẳng trong bạn.
Vậy nên đừng giữ khuôn mặt lạnh lùng, cũng đừng vì tự ti mà luôn cúi mặt, không dám giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng.
Hãy lắng nghe
Lắng nghe là kỹ năng đặc biệt quan trọng trong giao tiếp với nhà tuyển dụng. Lắng nghe giúp bạn hiểu nội dung nhà tuyển dụng thực sự muốn, giúp bạn không bỏ sót thông tin họ cung cấp. Quan trọng hơn, lắng nghe thể hiện phẩm chất của ứng viên luôn sẵn sàng học hỏi, tiếp thu và cầu tiến.
Vì thế bạn đừng vội lên tiếng khi nhà tuyển dụng đang nói mà hãy kiên nhẫn đợi họ nói hết, sau đó, bình tĩnh đưa ra quan điểm hoặc câu trả lời của bạn.
Nên trung thực
Không vì để nhà tuyển dụng đánh giá cao mà bạn thổi phồng năng lực cá nhân. Không vì muốn có mức lương cao mà bạn nói quá mức về thu nhập trong công việc cũ. Bạn cũng không nên phóng đại thành tựu, đóng góp ở công ty cũ hay về các mối quan hệ.
Hãy trung thực trong câu trả lời của mình. Đó chính là cách bạn lấy thiện cảm tốt nhất từ nhà tuyển dụng. Bởi khi bị nhà tuyển dụng phát hiện một “sự thật” dù nhỏ nhất thì bạn cũng sẽ bị mất điểm và bị loại khỏi buổi phỏng vấn.
Không nói xấu công ty cũ
Nhiều ứng viên không xác định được nội dung nên chia sẻ và không nên chia sẻ. Khi nhà tuyển dụng khai thác về công việc cũ, bạn nhanh trí kể xấu công ty, nói về những xích mích, mối quan hệ không tốt trong quá khứ.
Bạn nghĩ mình đang nói sự thật. Tuy nhiên thực tế nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là ứng viên không khéo léo, nhiều chuyện thậm chí không biết cách xây dựng mối quan hệ, thiếu văn minh. Thay vào đó, bạn nên thể hiện quan điểm dù công ty cũ tốt hay xấu đều cho bạn trải nghiệm, bài học quý.
Cảm ơn nhà tuyển dụng
Bất kể kết quả buổi phỏng vấn xin việc ra sao thì trước khi rời đi, bạn cần gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng. Lời cảm ơn thể hiện sự kính trọng với người đã trao cho bạn cơ hội việc làm, dành thời gian để trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Hơn nữa, qua lời cảm ơn thể hiện bạn là người khiêm tốn, đón nhận kết quả phỏng vấn tích cực dù có thể không như mong đợi.
Đó đều là những phẩm chất mà nhà tuyển dụng đánh giá cao. Vì thế, đừng quên nói lời cảm ơn với người sẽ quyết định mở hay đóng cánh cửa tương lai nghề nghiệp của bạn.
Trên đây là một số quy tắc quan trọng mà bạn nhất định nên biết trước khi tham gia một cuộc phỏng vấn việc làm. Chắc chắn nắm được các quy tắc này, bạn sẽ tự tin và ghi điểm với nhà tuyển dụng một cách xuất sắc.
Nguyễn Lý