Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 11:31 GMT+7

Kỷ niệm 62 năm ngày thành lập cục chính trị BĐBP (23/4/1959-23/4/2021):

62 năm - Một chặng đường vẻ vang

Biên phòng - Thành lập và trưởng thành trong bom đạn chiến tranh, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Cục Chính trị BĐBP luôn ra sức học tập, công tác, chiến đấu, rèn luyện, giữ vững bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Phát huy truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Cục Chính trị BĐBP đang nỗ lực phấn đấu trở thành đơn vị “chuyên nghiệp - mẫu mực - đi đầu”, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP triển khai quyết định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về Biểu tổ chức, biên chế cơ quan Cục Chính trị BĐBP. Ảnh: Bích Nguyên

Sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) được thành lập, ngày 23-4-1959, Bộ Công an đã ra Nghị định số 153/NĐ-CA về việc thành lập 4 cục gồm: Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần thuộc Ban chỉ huy CANDVT Trung ương, nay là BĐBP.

Những mốc son lịch sử vẻ vang

Ngay từ những ngày đầu thành lập, mặc dù còn non trẻ, Cục Chính trị BĐBP đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, hướng dẫn các mặt công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong củng cố và xây dựng lực lượng, chống âm mưu bạo loạn, cướp chính quyền của bọn phản động; động viên tư tưởng, tổ chức, triển khai lực lượng vũ trang chi viện cho An ninh vũ trang miền Nam, tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Đồng thời, triển khai CTĐ, CTCT trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, chủ động đối phó với các hoạt động của Mỹ - ngụy phá hoại miền Bắc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào.

Trong các giai đoạn lịch sử, Cục Chính trị BĐBP đã làm tham mưu, đề xuất ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về công tác dân vận, địch vận phục vụ yêu cầu bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và các địa bàn trọng điểm; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, hình thành phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới. Đồng thời, tham mưu, giải quyết tốt vấn đề nổi phỉ ở Tây Nghệ An, xưng đón vua Mèo ở nhiều vùng dọc biên giới Việt - Trung; truy quét, gọi hàng, tiêu diệt 43 toán/490 tàn quân Tưởng; dẹp bạo loạn ở Quang Chiểu (Thanh Hóa), dập tắt nhiều vụ gây rối trật tự trị an ở Hồ Thầu, Dào San (Lai Châu), Y Tý, Ngải Thầu (Lào Cai), Thanh Y (Quảng Ninh), tiễu phỉ ở Hà Giang... Cùng với đó, Cục Chính trị BĐBP đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng cơ sở chính trị ở 61 xã biên giới, đào tạo hàng trăm cán bộ thôn, bản là người dân tộc thiểu số...

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai, Cục Chính trị BĐBP đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về: CTĐ-CTCT trong tình hình mới, công tác địch vận trong phòng và chống gián điệp; xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn trong thời chiến... Ở những vùng xung yếu ven biển, cục cử nhiều đoàn công tác xuống các đơn vị, phối hợp với các lực lượng địa phương củng cố, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ trị an... Chỉ tính từ năm 1965 đến 1968, các đơn vị CANDVT đã bắt 84 toán gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy, thu nhiều vũ khí và phương tiện. Thắng lợi to lớn này đã góp phần đập tan âm mưu thâm độc “đánh cộng sản trong lòng cộng sản” của đế quốc Mỹ và tay sai, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội miền Bắc, bảo vệ tốt chủ quyền, an ninh biên giới, bờ biển, hải đảo và các mục tiêu nội địa.

Cũng trong thời gian này, Cục Chính trị BĐBP đã triển khai văn bản hướng dẫn CTĐ-CTCT trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào; chỉ đạo lựa chọn cán bộ sang giúp bạn tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ trật tự trị an, an ninh vùng giáp biên giới Việt - Lào. Với tinh thần giúp bạn như tự giúp mình, từ năm 1965-1968, Cục Chính trị BĐBP trực tiếp chỉ đạo các đội công tác cơ sở ngoại biên kiên cường bám dân, bám địa bàn, bám đối tượng thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các bộ tộc Lào, xây dựng được phong trào trị an rộng khắp 51 xã biên giới Việt - Lào. Các đội công tác cũng giúp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho cán bộ của Lào, đồng thời, giúp đồng bào các bộ tộc Lào đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Cùng với các mặt công tác, công tác tuyên truyền, báo chí được Cục Chính trị BĐBP đẩy mạnh. Trên khắp các nẻo đường biên cương xa xôi, dưới bom đạn của kẻ thù, các phóng viên của Tờ tin CANDVT, nay là Báo Biên phòng đã có mặt ở những nơi hẻo lánh, đầy thử thách nguy hiểm từ Leng Su Sìn (Điện Biên) tới Mèo Vạc (Hà Giang), chiến trường K5, chiến trường miền Nam, Tây Nguyên để phản ánh thực tế cuộc sống, công tác, chiến đấu sinh động của các chiến sĩ CANDVT. Đoàn Văn công CANDVT đã khắc phục gian khổ, mang lời ca, tiếng hát động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các địa phương biên giới.

Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Cục Chính trị BĐBP đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công (hạng Nhất và Ba), 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhất, Nhì, Ba), 14 Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), cùng nhiều hình thức khen thưởng khác. Năm 2017, Cục Chính trị BĐBP vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vững bước vào thời kỳ đổi mới

Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, Cục Chính trị BĐBP đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp để Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, quyết định có tính chiến lược như: Chỉ thị 15/CT-TTg “Về tăng cường chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo”; Quyết định 16/QĐ-HĐBT “Về tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân”; Chỉ thị số 01/CT-TTg “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề xây dựng và bảo vệ biên giới, gồm: Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh BĐBP, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 29-4-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33; Luật Biên phòng Việt Nam...

Cùng với đó, Cục Chính trị BĐBP tập trung tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên.

Phát huy tính năng động, sáng tạo, Cục Chính trị BĐBP đã chủ động, tích cực tham mưu triển khai nhiều mô hình thiết thực, cụ thể như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Bến bãi an toàn”; tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới; Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” và các chương trình: “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; Bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số Đan Lai (Nghệ An), Chứt (Hà Tĩnh), La Hủ (Lai Châu); “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn Biên phòng”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; chiến dịch “Hãy làm sạch biển”...

Trước yêu cầu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, Cục Chính trị BĐBP đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP và các địa phương tổ chức kết nghĩa lực lượng bảo vệ biên giới 2 nước láng giềng, mô hình “Kết nghĩa cụm cư dân bên biên giới”.

Có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, công tác và trưởng thành, trong bất kể hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cục Chính trị BĐBP đã nỗ lực khắc khục khó khăn, gian khổ, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của BĐBP.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO