Biên phòng - Trợ lý nhân sự hay còn gọi HR Assistant là vị trí đảm nhiệm các công việc hỗ trợ Trưởng phòng nhân sự. Bạn từng cho rằng đây là một công việc dễ dàng và nhàn hạ? Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Đằng sau vẻ ngoài chỉn chu, chuyên nghiệp và là một loạt khó khăn chỉ những người trong ngành mới thực sự thấu hiểu.
Trong bài viết hôm nay, hãy cùng nhau khám phá những thử thách mà một trợ lý nhân sự cần phải đối mặt và vượt qua để trở thành một HR Assistant giỏi chuyên môn và có cơ hội thăng tiến lên vị trí Trưởng phòng nhân sự nhé!
Làm dâu trăm họ
Tham khảo mô tả công việc trong info việc làm Cần Thơ, TPHCM hay Hà Nội, bạn có thể thấy việc lớn việc nhỏ trong công ty đều đến tay trợ lý nhân sự vì công việc đòi hỏi họ phải tương tác và làm việc với nhiều cá nhân trong công ty, từ quản lý đến nhân viên cấp dưới. Mỗi cá nhân đều có những mục tiêu, yêu cầu riêng và việc đáp ứng, hỗ trợ tất cả cá nhân này là điều vô cùng phức tạp, buộc họ phải có khả năng thích ứng và giao tiếp hiệu quả với mọi đối tượng.
Mặt khác, HR Assistant cũng phải làm việc với các đối tác bên ngoài như: các công ty tuyển dụng, các tổ chức đào tạo hoặc các cơ quan nhà nước. Mỗi đối tác lại có các quy định, tiêu chuẩn khác nhau và việc hiểu, tuân thủ các quy định này cũng là một thách thức đối với trợ lý nhân sự.
Xử lý công việc kết hợp lý hợp tình
Trợ lý nhân sự luôn phải cân nhắc áp dụng các quy định, chính sách công ty và các quy định pháp luật một cách nhất quán, đồng thời cũng phải thể hiện sự quan tâm, cảm thông đối với cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, họ thường phải giải quyết các vấn đề như xung đột, bất đồng quan điểm hoặc khó khăn của mỗi nhân viên. Khi đứng trước những tình huống như vậy, họ phải có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và đưa ra các giải pháp vừa hợp tình, vừa hợp lý để tạo động lực cho nhân viên nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và nội quy công ty.
Ví dụ: khi xử lý vấn đề nghỉ phép, trợ lý nhân sự cần áp dụng các quy định của công ty và luật lao động để đảm bảo tính công bằng và nhất quán trong việc xử lý yêu cầu của nhân viên. Cùng lúc đó, họ cũng phải thấu hiểu những khó khăn riêng của nhân viên để đưa ra quyết định hợp lý dựa trên quy định và tính nhân văn.
Cập nhật các thay đổi pháp luật, quy định một cách nhanh chóng
Nếu không nhanh chóng cập nhật những thay đổi liên quan đến pháp luật, doanh nghiệp rất có thể phải đối diện với các mức phạt. Do đó, nhiệm vụ của trợ lý nhân sự là phải nhanh chóng nắm bắt thông tin quản lý nhân sự tổng thể và cả đặc thù ngành nghề để phổ biến cho phòng nhân sự và truyền thông đến tất cả nhân viên nếu cần thiết. Điều này đòi hỏi ở họ sự cẩn thận, năng lực phân tích, tinh thần trách nhiệm và những nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp thu kiến thức mới và áp dụng vào công việc.
Ví dụ: một HR Assistant cần cập nhật những thay đổi mới về luật lao động và chính sách nhân sự. Điều này có thể bao gồm các thay đổi về thuế thu nhập cá nhân, quyền lợi của người lao động hay nguyên tắc bảo mật dữ liệu. Họ phải hiểu và áp dụng những thay đổi này vào các quy trình và quy định của công ty để đảm bảo tính hợp pháp.
Dung hòa lợi ích doanh nghiệp và nhân viên
Dung hòa lợi ích doanh nghiệp và nhân viên là một thách thức đối với những người làm công việc trợ lý nhân sự. Họ phải đảm bảo rằng quyết định và hành động của mình đồng thời tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của nhân viên, đặc biệt là về vấn đề lương thưởng, phúc lợi. Điều này cũng dẫn đến những quyết định khó khăn khi xử lý các tình huống như cắt giảm nhân sự hoặc tái cấu trúc tổ chức. Khi đó, HR Assistant sẽ phải làm việc với các bên liên quan để tìm ra giải pháp tốt nhất cho công ty, đồng thời đảm bảo tính công bằng và tôn trọng quyền lợi của nhân viên.
Kiểm soát, điều phối mọi hoạt động phòng nhân sự
Từ chấm công, thanh toán lương, chế độ bảo hiểm, thưởng phạt, đề bạt, sa thải, thai sản, nghỉ hưu... đều có sự tham gia của trợ lý nhân sự. Trưởng phòng là người đưa ra mục tiêu, lộ trình nhưng kiểm soát và điều phối lại thuộc trách nhiệm của trợ lý nhân sự. Đơn cử như công tác tuyển dụng, việc tìm được nhân sự lấp đầy vị trí còn thiếu đã khó, làm sao để đảm bảo sự phù hợp và gắn kết của nhân sự mới lại càng khó hơn. Tiến trình tuyển dụng đều do trợ lý nhân sự chỉ đạo thực hiện cho nên người phải “đứng mũi chịu sào” khi kết quả đạt được không như mong muốn dĩ nhiên chính là trợ lý nhân sự.
Khích lệ tinh thần nhân sự
Người dù bị tổn thương vẫn phải đi xoa dịu nỗi đau của người khác chính là hình dung hoàn hảo nhất về trợ lý nhân sự. Dù bản thân họ lắm lúc cũng mệt, cũng mất phương hướng nhưng thân là đại diện của doanh nghiệp, là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, họ không được phép để lộ sự sa sút tinh thần trước toàn thể cán bộ nhân viên. Không những vậy, họ còn phải không ngừng khích lệ, động viên, truyền động lực cho người lao động lấy lại ý chí làm việc, nỗ lực, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó khăn, cùng nhau hưởng thụ thái bình thịnh trị. Lắm lúc miệng cười mà lòng đau lắm chứ chả đùa.
Thế đấy, trên đời này làm gì có nghề nào là vinh quang, là hoàn hảo. Đã có tốt ắt có xấu, đã có ưu ắt có nhược. Mấu chốt nằm ở chỗ bạn có đủ dũng cảm để đương đầu và vượt qua những khó khăn đó để gặt hái thành quả hay không mà thôi.
Trang Đoàn