Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 11:56 GMT+7

6 điểm cần lưu ý khi buộc phải đưa ra quyết định chớp nhoáng

Biên phòng - Dù trong cuộc sống thường ngày hay trong công việc, nhiều khi chúng ta bị “dồn ép” đến tình huống phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Đó có thể gọi là quyết định ngay lập tức, mang tính cấp thiết, tức thời; cần sự dứt khoát trong hoàn cảnh bắt buộc phải đưa ra giải pháp nhanh chóng mà không có thời gian đắn đo, cân nhắc.

Khả năng đưa ra quyết định cũng là một dạng kỹ năng mềm rất quan trọng cho tất cả mọi người. Dù bạn làm việc độc lập hay nhóm, dù bạn là nhân viên bình thường hay ở cấp quản lí, rèn luyện tốt kỹ năng này giúp bạn tự tin ứng phó tốt với các tình huống. Sau đây là 6 điểm lưu ý khi buộc phải đưa ra quyết định chớp nhoáng trong tình huống khẩn cấp, bạn tham khảo nhé.

Tính xác thực của thông tin, dữ liệu

Điều bạn cần lưu ý trước khi đưa ra quyết định nhanh chóng, đó là tính xác thực của thông tin, dữ liệu. Bởi một quyết định dựa trên thông tin và dữ liệu sai lệch sẽ kéo theo sai lệch về kết quả. Kiểm tra lại nguồn thông tin, đảm bảo độ chính xác cao nhất có thể bạn mới có được những quyết định chính xác tiếp đó. Kể cả khi bạn cần quyết định nhanh chóng để “chớp thời cơ”, hay tận dụng cơ hội “có một không hai” nào đó thì việc xác thực lại thông tin, dữ liệu một lần nữa là việc không thừa. Vậy nên, bạn nhất định cần thẩm định thông tin trọng tâm trước khi đưa ra quyết định.

Bạn đủ thẩm quyền đưa ra quyết định hay không?

Trước khi đưa ra quyết định chớp nhoáng, bạn nên tự đặt câu hỏi xem vấn đề cần quyết định có thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của bạn hay không? Cho dù quyết định được đưa ra trong tình huống “khẩn cấp” thì chắc chắn bạn vẫn là người phải chịu trách nhiệm về hệ quả. Do đó, bạn cần lưu ý, xem xét đến các vấn đề pháp lý rõ ràng (nếu có). Trong trường hợp bạn làm theo lệnh cấp trên thì cũng nên chắc rằng người ra lệnh cũng đủ thẩm quyền. Điều này sẽ tránh cho bạn những rắc rối về sau.

Cân nhắc kết quả và hậu quả xảy ra

Trước khi đưa ra quyết định, dù là tìm việc làm nhanh tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh hoặc xử lý các vấn đề trong công việc, bạn cần lưu ý cân nhắc đến 2 yếu tố quan trọng, đó là lợi ích và thiệt hại. Tất nhiên trong một thời gian ngắn, bạn không thể đo lường chính xác. Do đó, quá trình xem xét chỉ mang tính chất tương đối dựa trên khả năng phán đoán và cách nhìn nhận vấn đề của bạn. Bạn cần nhanh chóng đánh giá mức độ ảnh hưởng của quyết định bao gồm cả được và mất, cả thành công và thất bại. Có như vậy bạn sẽ đón nhận kết quả đạt được cũng như dự trù được tổn thất do quyết định gây ra.

Chọn quyết định ít mạo hiểm nhất

Trong một thời điểm cần phải có quyết định nhanh chóng bạn rất khó để phân tích được giải pháp nào là tốt nhất cho vấn đề, tình huống, hay cơ hội đầu tư nào đó... Tuy nhiên, dù tình hình có vội vàng cấp bách bạn cũng cần lưu ý đến mức độ rủi ro của quyết định. Vì chưa đủ thời gian để định lượng chính xác mức độ thành công nên tốt nhất bạn nên chọn giải pháp an toàn, ít rủi ro nhất để lỡ khi thất bại hoặc phát sinh vấn đề, mức độ tổn thất đỡ hơn. Sự mạo hiểm chỉ dành cho trường hợp bạn đưa ra quyết định có chiều sâu (có thời gian, có sự chuẩn bị, có chiến lược rõ ràng cẩn thận).

Tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc những người liên quan

Bạn không chắc rằng mình có đủ năng lực hoặc đủ sáng suốt để đưa ra quyết định tốt nhất thì nên tham khảo ý kiến chuyên gia hay người có chuyên môn sâu... Hãy kết nối nhanh và nêu trọng tâm vấn đề để họ có thể nắm rõ. Những ý kiến người có chuyên môn trong lĩnh vực đó là nguồn tham khảo quý giá để tránh những sai lầm đáng tiếc trong tương lai.

Trong trường hợp vấn đề chung, bạn nên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của những người liên quan. Bởi vì đó cũng là quyền lợi và trách nhiệm của họ. Cho dù bạn đưa ra một quyết định đúng hay sai nhưng nếu có sự ủng hộ của mọi người thì bạn cũng không phải là “tội đồ” duy nhất.

Bám sát mục tiêu

Và cuối cùng, khi đưa ra quyết định dù chóng vánh cũng cần lưu ý đến mối liên hệ với mục tiêu ban đầu. Mục tiêu ban đầu chính là “kim chỉ nam” cho mọi quyết định của bạn. Bám sát mục tiêu giúp bạn không bị lệch hướng. Ngược lại nếu xa rời mục tiêu sẽ làm bạn mất thời gian và công sức quay lại.

Ra quyết định chóng vánh thường diễn ra trong thời gian ngắn mà bạn không có sự chuẩn bị trước nên bạn cần có sự tập trung cao, óc phán đoán, tư duy logic và khả năng xem xét vấn đề nhanh gọn, chính xác. Một khi đã đưa ra quyết định, bạn phải quyết đoán và chịu trách nhiệm cho chính quyết định của mình, không do dự, không đổ lỗi hay trốn tránh. Kỹ năng ra quyết định cũng chính là một trong các tiêu chí cần thiết nhất của một quản lý giỏi. Nếu rèn luyện tốt kỹ năng này, bạn có thể dễ dàng đưa ra quyết định đúng đắn nhất ngay cả trong trường hợp cấp bách.

Đặng Hảo

Bình luận

ZALO