Biên phòng - Hành trình tìm được công việc phù hợp bao giờ cũng cần trải qua những vòng phỏng vấn xin việc căng thẳng. Bạn có thể thành công nhưng bạn cũng có thể thất bại với buổi phỏng vấn đó. Là một người quan sát tốt, bạn hoàn toàn có thể nhận thấy dấu hiệu thành công hoặc thất bại, từ đó có cho mình kế hoạch khác và có sự chuẩn bị tốt hơn cho những buổi phỏng vấn sau này.
Dưới đây là một số dấu hiệu của buổi phỏng không thành công, áp dụng khi bạn tìm việc làm tại Hải Phòng, Hà Nội hay TPHCM.
Nhà tuyển dụng hạn chế giao tiếp với bạn
Một buổi phỏng vấn thành công luôn là cuộc đối thoại của cả hai bên ứng viên và nhà tuyển dụng, trong đó người phỏng vấn thì vui vẻ, hào hứng còn ứng viên thì tự tin, thoải mái.
Nếu nhà tuyển dụng hạn chế giao tiếp với bạn, chỉ ngồi để lắng nghe bạn nói, điều đó cho thấy rằng bạn đã không thực sự thu hút họ. Thậm chí nhà tuyển dụng còn không nhìn bạn, họ lơ là với những chia sẻ của bạn hoặc tập trung sang việc khác… đó là dấu hiệu chứng tỏ buổi phỏng vấn không đạt được kết quả tốt.
Nhà tuyển dụng không đề cập nhiều đến chuyên môn
Chuyên môn luôn là một trong những nội dung quan trọng của buổi phỏng vấn. Qua nội dung này, bạn được thể hiện năng lực, phẩm chất, trình độ và sự hiểu biết về yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Cũng thông qua việc trao đổi về chuyên môn giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định chính xác khi lựa chọn nhân sự.
Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn, họ không đề cập đến vấn đề này. Điều đó giống như câu chuyện chưa đi vào chủ đề chính vậy. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy, bạn không phải lựa chọn phù hợp cho vị trí tuyển dụng này.
Nhà tuyển dụng nói về những yêu cầu mà bạn không có
Nhà tuyển dụng lắng nghe bạn trình bày, tập trung khi bạn chia sẻ. Nhưng sau khi bạn chia sẻ xong, họ lại tập trung nói về những điểm bạn chưa có, những yêu cầu mà bạn không đáp ứng được, những kinh nghiệm bạn không phù hợp với vị trí ứng tuyển. Thậm chí, họ sẽ chia sẻ thẳng thắn rằng, họ mong muốn những kỹ năng, năng lực chuyên môn khác chứ không phải những gì bạn đã chia sẻ.
Đó là dấu hiệu rõ rệt của buổi phỏng vấn xin việc không thành công.
Không đề cập đến lương hoặc không đạt được thỏa thuận về lương
Đàm phán lương luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm. Nếu cuối buổi buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đề cập đến vấn đề này thì đây là cơ sở để bạn hi vọng cho kết quả tốt đẹp sắp tới. Bởi chỉ khi họ đã “chấm” bạn cho vị trí tuyển dụng, họ mới thực hiện đàm phán lương.
Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng không đề cập tới vấn đề quyền lợi, mức lương thì hi vọng cho sự thành công của buổi phỏng vấn là rất khó. Thậm chí nếu nhà tuyển dụng và bạn có bước vào giai đoạn đàm phán lương nhưng không đạt được thỏa thuận thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy buổi phỏng vấn đã thất bại.
Không đề cập tới bước tiếp theo
Thông thường, nhà tuyển dụng tạo nhiều vòng phỏng vấn để lựa chọn được ứng viên tốt nhất. Nếu sau buổi phỏng vấn, bạn không được đề cập tới những bước tiếp theo của quá trình tuyển dụng như lịch trình, thời gian, những yêu cầu để bạn chuẩn bị cho vòng tiếp theo thì rõ ràng họ không còn quan tâm tới bạn.
Nếu chỉ có một vòng phỏng vấn, bạn không được hỏi về thời gian có thể bắt đầu công việc, quy trình làm việc... thì đó cũng là dấu hiệu chắc chắn của buổi phỏng vấn không thành công.
Buổi phỏng vấn kết thúc sớm hơn dự kiến
Buổi phỏng vấn sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến nếu nhà tuyển dụng không đặt câu hỏi cho ứng viên, bỏ qua việc đàm phán lương, cũng chẳng hào hứng trong trao đổi, giao tiếp… Họ muốn kết thúc nhanh buổi phỏng vấn với bạn vì bạn không đáp ứng được mong muốn của họ.
Một buổi phỏng vấn tối thiểu cũng diễn ra trong khoảng 15 đến 30 phút, nhưng bạn vừa vào chưa được 10 phút đã thấy nhà tuyển dụng nói lời cảm ơn và kết thúc buổi phỏng vấn, đó là dấu hiệu cho thấy, buổi phỏng vấn của bạn không thành công.
Thất bại trong một cuộc phỏng vấn xin việc không nói lên tất cả về bạn. Điều đó chỉ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân và giành chiến thắng cho vòng phỏng vấn lần sau. Bởi vậy nếu bạn nhận ra cuộc phỏng vấn của mình không như ý, biết được kết quả thì bạn cũng hãy bình tâm, vui vẻ đón nhận, phân tích và rút ra bài học cho mình và sẵn sàng cho những “cuộc chiến” tiếp theo nhé.
Nguyễn Lý