Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 05:22 GMT+7

6 dấu hiệu cho thấy bạn nên từ chối thư mời làm việc

Biên phòng - Từ chối thư mời làm việc là một quyết định khó khăn, nhất là khi bạn đang trong tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn đã cố gắng nhiều như thế nào, và bạn xứng đáng có một công việc thực sự phù hợp với bản thân mình. Do vậy, bạn cần cân nhắc thật thấu đáo tất cả các khía cạnh về công việc đó để đưa ra quyết định đúng. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi chấp nhận lời mời làm việc.

Bạn còn quá mơ hồ về công việc đó

Bất kể bạn đang tìm việc làm ở Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh hay Đồng Nai thì cũng không nên chấp nhận một đề nghị làm việc khi chưa hiểu rõ về công ty cũng như vị trí ứng tuyển. Trước khi đưa ra quyết định (thậm chí trước khi ứng tuyển), hãy tìm hiểu xem doanh nghiệp này có uy tín không, họ có những thành tựu gì, đối đãi với nhân viên ra sao... Những công ty quan tâm tới thành quả lâu dài sẽ có những mô tả công việc rất cụ thể, và họ sẵn sàng chia sẻ sâu hơn với các ứng viên để hai bên đều hiểu rõ nhiệm vụ và kỳ vọng của nhau. Bạn có thể thoải mái đặt ra những thắc mắc của mình cuối buổi phỏng vấn. Nếu người phỏng vấn không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng và bạn bước ra khỏi phòng phỏng vấn trong khi vẫn còn băn khoăn, chẳng biết mình phải làm gì, thì bạn chắc hẳn cần cân nhắc cẩn thận khi nhận lời làm việc.

Buổi phỏng vấn không được tổ chức tốt

Buổi phỏng vấn mang đến những ấn tượng đầu tiên giúp bạn có đánh giá của mình về công ty. Đây chưa hẳn là dấu hiệu của công ty tồi nhưng có thể cho bạn cái nhìn chung nhất về công việc và những người sẽ làm việc cùng mình. Hãy chú ý xem bạn có được tiếp đón, hướng dẫn đầy đủ không? Bạn có cảm nhận được một không khí chuyên nghiệp không? Người phỏng vấn có biết tên hay thông tin cơ bản về bạn không, có đặt những câu hỏi thích hợp liên quan tới công việc bạn đang làm hay không? Thái độ của người phỏng vấn đối với bạn như thế nào?... Tuy chỉ là bước đầu và không nói lên quá nhiều điều về công ty, nhưng nếu bạn cảm thấy họ đã tổ chức một buổi phỏng vấn quá sơ sài, hay bạn không được tôn trọng trong quá trình phỏng vấn, thì có thể đó không phải nơi dành cho bạn.

Không thấy nhiều cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến

Nhiều người cảm thấy hài lòng với một công việc ổn định và không nghĩ nhiều tới ảnh hưởng của nó đến con đường sự nghiệp sau này. Nhưng nếu công việc này không nằm trong định hướng nghề nghiệp của bạn, hoặc bạn không thấy ở nơi này có nhiều cơ hội phát triển, đó có thể là lý do bạn nên từ chối thư mời làm việc. Hãy xét về lâu về dài, công việc này sẽ cải thiện vị trí của bạn ra sao, cho bạn những kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn gì, có giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu dài hạn của mình không.

Bạn gặp vấn đề về mức lương và việc đàm phán lương

Tiền lương là vấn đề không thể coi nhẹ khi nhận được thư mời làm việc. Có thể mức lương cơ bản quá thấp so với thị trường, hoặc chưa xứng đáng với khối lượng trách nhiệm bạn được giao cho. Bên cạnh đó, giả sử bạn đang ở giai đoạn đàm phán lương, và việc này diễn ra không suôn sẻ lắm. Nếu mức lương bạn kỳ vọng hoàn toàn phù hợp với thị trường, và xứng đáng với chuyên môn, kinh nghiệm của bạn, thì bạn đương nhiên có quyền được đề xuất với nhà tuyển dụng. Có thể công ty đang đánh giá thấp nhân viên của mình, hoặc mức độ đối đãi chưa tốt, nên hãy nhớ phải nhìn nhận thấu đáo để bảo vệ được lợi ích của bản thân.

Chấp nhận công việc với mức lương quá thấp dễ dẫn tới sự bất mãn và thất vọng. Nhưng ngược lại, nếu tiền bạc là điểm hấp dẫn duy nhất của công việc, cũng đừng vội vàng chấp nhận ngay. Nếu làm việc chỉ vì tiền, bạn có thể phải chịu đựng áp lực và khó có thể xây dựng một sự nghiệp thành công.

Khối lượng công việc thực tế vượt quá so với mô tả

Bạn ứng tuyển một vị trí vì thấy mô tả tuyển dụng phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu của bản thân. Nhưng khi bước vào phòng phỏng vấn, bạn nhận ra khối lượng công việc thực tế khổng lồ hơn rất nhiều, và mức lương có thể cũng không như kỳ vọng. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể đàm phán mức lương mình mong muốn. Còn nếu quỹ thời gian hiện tại của bạn không đủ chỗ dành cho nhiều trách nhiệm như vậy, hoặc bạn là một người coi trọng sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, thì đây cũng là một lý do đáng để cân nhắc có nhận việc hay không.

Vị trí công việc đó đã nhiều lần thay đổi nhân sự

Trước khi quyết định có nhận việc hay không, hãy để ý xem công ty đã từng đăng tuyển vị trí tương tự trên các trang web việc làm một vài lần trong năm qua chưa. Tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao công việc đó vẫn còn trống dù đã đăng tin tuyển dụng khá lâu. Nếu không phải do vị trí này khó đạt được, mà do đã phải thay đổi nhân sự liên tục, thì nguyên nhân có thể là từ quản lý yếu kém, chế độ đãi ngộ của công ty không tốt, văn hóa công sở không lành mạnh... Chỉ cần bạn có bất kỳ nghi ngờ gì về công ty, đừng ngần ngại tìm hiểu kỹ hơn từ người quen trong ngành, từ đánh giá về công ty trên mạng, hoặc hỏi đáp trực tiếp trong cuộc phỏng vấn. Sau đó hỏi xem bạn có thể làm tốt công việc không, có thể gắn bó với vị trí này lâu hơn người trước đó hay không.

Tìm kiếm công việc là một quá trình đầy khó khăn, nhưng tỷ lệ thành công sẽ cao hơn khi bạn có sự chuẩn bị kỹ càng. Hãy chú ý tới những dấu hiệu này trước khi chấp nhận hoặc từ chối thư mời làm việc, vì đi tìm việc đã căng thẳng lắm rồi, việc bạn “nhắm mắt” gật đầu trước một vị trí không dành cho bạn sẽ khiến bạn mệt mỏi gấp nhiều lần sau đó. Chúc các bạn may mắn!

Hà Phương

Bình luận

ZALO