Biên phòng - Cầu toàn không phải là hoàn toàn xấu, bởi nó chỉ ra rằng bạn chu đáo, cẩn thận và thường hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Nhưng nếu bạn “nghiện” sự hoàn hảo một cách quá mức thì hậu quả có thể gây trầm cảm, giảm hiệu suất công việc, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân. Nếu muốn biết mình có đang quá cầu toàn hay không, hãy cùng tham khảo một số dấu hiệu sau. Từ đây, bạn sẽ biết tiết chế bản thân, giảm bớt ám ảnh về sự hoàn hảo và hướng đến thái độ sống lạc quan hơn.
Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại https://www.careerlink.vn/
Muốn kiểm soát tất cả
Người cầu toàn luôn muốn mọi thứ phải ở trong tầm kiểm soát của mình, nhưng trong cuộc sống lẫn công việc thì luôn có những điều bất ngờ. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn chia sẻ, sự cố gắng kiểm soát quá mức thường dẫn tới căng thẳng và thất vọng, chán nản khi mọi việc không xảy ra đúng như dự kiến.
Nên nhớ rằng, sự thay đổi trong công việc cũng có mặt tích cực của nó, bạn chỉ cần chuẩn bị kĩ lưỡng và linh hoạt trong việc xử lý các tình huống. Làm việc hết mình nhưng đừng quá lo lắng đến kết quả vì có thể gây tác dụng ngược.
Sợ hãi và khó tha thứ lỗi lầm
Chẳng ai là hoàn hảo và mọi người ít nhiều đều có tâm lý sợ thất bại. Nhưng nếu bạn lo lắng, sợ hãi đến mức chỉ luôn chọn những cách làm an toàn, truyền thống và thường trách móc bản thân thậm tệ khi chẳng may có sai lầm xảy ra thì đó dấu hiệu của sự cầu toàn quá mức.
Hãy nhớ, “thất bại là mẹ thành công”, điều quan trọng là bạn biết đứng lên, rút ra bài học từ sai lầm của mình chứ không phải bị ám ảnh bởi nó. Nếu bạn luôn chọn những gì an toàn thì cũng khó có được những kết quả đột phá hay thành công vượt bậc.
Chỉ muốn bắt đầu khi đã có sự chuẩn bị hoàn hảo
Bên cạnh chuyện sợ lỗi lầm, người cầu toàn quá mức cũng có xu hướng chỉ muốn bắt tay vào hành động khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức không có chỗ cho sự bất ngờ xảy ra. Điều này có thể khiến bạn vuột mất những cơ hội tốt bởi muốn dành thời gian để cân nhắc, tính toán và sắp xếp mọi việc. Thực tế những cơ hội tuyệt vời nhất cũng không có gì đảm bảo chắc chắn và càng không dễ gặp được, nên bạn phải tranh thủ kịp lúc.
Áp đặt quy trình làm việc khắt khe
Dấu hiệu này thường xảy ra ở những người làm công việc quản lý. Tính cầu toàn quá mức khiến bạn luôn đòi hỏi quá cao ở nhân viên. Bạn có thể tạo ra một quy trình làm việc cứng nhắc và bắt nhân viên phải tuân thủ tuyệt đối. Điều này sẽ gây tâm lý căng thẳng, ngột ngạt cho cấp dưới của bạn, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Tất nhiên, sự chuyên nghiệp là điều cần thiết nhưng không nên quá khắt khe đến mức gây áp lực cho nhân viên. Điều này cũng sẽ góp phần “giết chết” sự sáng tạo của họ.
Quan tâm quá mức đến ý kiến của người xung quanh
Luôn cố làm hài lòng mọi người, bị ảnh hưởng một cách dễ dàng bởi những lời đánh giá hay ý kiến trái chiều của người khác, đó cũng là dấu hiệu của một người quá cầu toàn. Vì muốn “làm dâu trăm họ” mà bạn luôn nỗ lực để làm mọi việc hoàn hảo nhất có thể. Kết quả là bạn sẽ rất mệt mỏi, áp lực và không bao giờ thấy hài lòng về bản thân. Bởi lẽ, trong cuộc sống, “chín người thì mười ý”, bạn không thể làm hài lòng tất cả. Thay vào đó, cố gắng làm tốt việc của mình và tôn trọng cảm xúc riêng của bản thân hơn là chăm chăm nghĩ về những đánh giá của người khác.
Ám ảnh về sự thành công
Mỗi người đều có định nghĩa thành công riêng tùy thuộc vào tố chất, hoàn cảnh và mục tiêu của bản thân. Do đó nếu bạn luôn bị “ám ảnh” về câu chuyện thành công của người khác, thì chắc chắn bạn đang vượt “ngưỡng” cầu toàn tích cực. Bạn cần xem xét thấu đáo năng lực bản thân để định ra kế hoạch từng bước, theo lộ trình chứ không nên ráo riết ép buộc bản thân một cách quá mức. Suốt ngày lao đầu vào công việc trong thời gian dài sẽ khiến bạn bị rối loạn tâm lý, ức chế tinh thần, kiệt sức và mất khả năng suy nghĩ tích cực.
Trung Thành