Biên phòng - Thông thường, khi ứng tuyển bất cứ một công việc nào, ứng viên sẽ dựa vào phần mô tả trong bảng tuyển dụng để biết mình sẽ làm gì. Tuy nhiên, trong trường hợp công việc bạn mới nhận không như mô tả công việc, đó thường do lỗi diễn đạt của người đăng tin tuyển dụng hoặc do cố tình nhằm thu hút ứng viên thì bạn nên bình tĩnh tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
6 cách sau đây được xem là bí quyết ứng xử thông minh và chuyên nghiệp cho ứng viên nếu gặp phải tình huống trên.
Phân tích và đánh giá tình hình
Không phải lúc nào bạn cũng nhận được công việc hoàn toàn như mô tả dù bạn đang tìm việc làm ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh và kiên nhẫn quan sát, nhận định tình hình. Bạn cần xác định được mình làm công việc mới này có thích hợp, có đúng với khả năng của mình hay không? Liệu bạn sẽ cần bao lâu thời gian để thích ứng hoặc nắm bắt công việc? Công việc đó sẽ tạo thuận lợi, hay gây bất lợi, hạn chế nào cho bạn? Bạn sẽ phải bắt đầu từ đâu và vượt qua như thế nào? Trả lời được các câu hỏi trên một cách cụ thể và chính xác sẽ giúp bạn tìm được hướng đi đúng cho mình.
Trao đổi trực tiếp với người quản lý
Một cuộc trò chuyện trực tiếp với người quản lý của mình cũng là cách ứng xử hay thay vì phàn nàn và giữ những khúc mắc trong lòng.
Hãy trao đổi thẳng thắn với sếp của mình vì có thể người đăng tin tuyển dụng và người quản lí có sự “lệch pha”. Trong cuộc trò chuyện bạn cũng nên khéo léo thể hiện quan điểm của mình về công việc và có thể đề nghị một số điều kiện làm việc. Đảm bảo rằng sếp hiểu rõ tình hình và sẽ trợ giúp bạn hết khả năng. Trong trường hợp các điều kiện mô tả công việc quá khác biệt gây khó khăn bạn cần thương lượng lại với các chế độ tương ứng. Không nên để bản thân rơi vào thế bí.
Kiên nhẫn
Đa số ứng viên phải mất một khoảng thời gian (thường là 3-6 tháng) để làm quen và bắt nhịp với công việc. Hành động nghỉ việc ngay khi thấy công việc không như mô tả có thể xem là một lựa chọn khá vội vàng. Do đó, lời khuyên tốt nhất từ các chuyên gia tuyển dụng hàng đầu đó là bạn nên kiên nhẫn.
Sự kiên nhẫn giúp bạn - nhân viên mới bình tĩnh “kiểm soát tình hình” một cách thực tế và chính xác nhất. Không phải lúc nào công việc không như mô tả của nhà tuyển dụng cũng mang nghĩa tiêu cực. Dó đó, nếu có thể hãy tạo cho bản thân một cơ hội khám phá, biết đâu rằng bạn sẽ nhận ra tiềm năng của bản thân của một số khía cạnh khác.
Tìm hiểu từ các đồng nghiệp
Bạn cần một khoảng thời gian để kết nối và thăm dò từ các đồng nghiệp. Vận dụng sự thông minh và nhạy cảm để bạn tìm hiểu công việc cụ thể, tình hình làm việc, các đặc điểm và phương thức hoạt động mà công ty đang hướng đến. Chia sẻ của những người đã có thời gian làm việc tại đây sẽ phần nào giúp bạn hình dung công việc rõ hơn. Là nhân viên mới, bạn hạn chế thể hiện quan điểm cá nhân một cách rõ ràng và hào hứng quá mức. Tuy nhiên, nếu xét thấy có sự tin cậy và trong tình huống cần thiết, bạn cũng nên khéo léo chia sẻ một số băn khoăn về công việc.
Nỗ lực nhiều hơn
Nếu quyết định nhận công việc mới, bạn sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều lần so với công việc như trong mô tả. Có thể ban đầu bạn sẽ thấy thất vọng hoặc hụt hẫng. Tuy nhiên để làm được việc, bạn cần ổn định lại tâm lý, thay đổi suy nghĩ và lấy lại năng lượng tích cực để bắt đầu làm việc.
Tuyệt đối không phàn nàn, hay có lời nói, hành động bày tỏ thái độ chán nản, bức xúc. Điều này chỉ gây hiệu ứng xấu khi người khác nhìn nhận về bạn ngay khi bạn chỉ là nhân viên mới. Và chắc chắn cơ hội sẽ không dành cho những nhân viên như vậy.
Hành trình tìm kiếm cho mình một công việc như mong muốn không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ luôn gặp trở ngại và một số điều phát sinh. Quan trọng là thái độ ứng xử khi gặp phải tình huống xấu, chẳng hạn như nhiệm vụ không giống như mô tả công việc. Bình tĩnh nhìn nhận, phân tích và hiểu rõ chính mình là cách hay để giúp bạn có hướng đi đúng. Tránh phát sinh các thái độ tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân và mọi người. Chỉ cần bạn chủ động, độc lập và có năng lực thì bạn sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội làm việc mong muốn.
Đặng Hảo