Biên phòng - Cách đây 59 năm, kể từ mùa phượng vĩ đầu tiên, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang đã long trọng khai giảng khóa 1. Sự kiện lịch sử đó đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Với ý nghĩa đó, ngày 20-5 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống Học viện Biên phòng.

Ngay sau ngày thành lập lực lượng BĐBP (3-3-1959), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang xác định đào tạo cán bộ là một nhiệm vụ, một mặt công tác quan trọng của lực lượng, nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tổ chức chỉ huy chiến đấu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trên bộ, trên biển và giới tuyến tạm thời. Trước yêu cầu đó, ngày 14-3-1962, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã ra quyết định thành lập Trường Bổ túc sĩ quan và đào tạo hạ sĩ quan đóng quân tại xã Trung Sơn Trầm, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây.
Sau gần 1 năm xây dựng cơ sở vật chất, ngày 30-1-1963, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra Quyết định tách riêng Trường Hạ sĩ quan và Trường Sĩ quan để phù hợp cho phát triển quy mô đào tạo cán bộ, sĩ quan vừa có trình độ chỉ huy đội quân chiến đấu, vừa chỉ huy đội quân công tác. Được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, Trường Sĩ quan đã long trọng tổ chức khai giảng khóa đào tạo sĩ quan đầu tiên vào ngày 20-5-1963, đánh dấu sự ra đời của Học viện Biên phòng.
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ khai giảng khóa đào tạo sĩ quan đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn nói: “Nhà trường chúng ta là nền công nghiệp nặng, là lò luyện thép, mà các đồng chí là những thỏi thép được tôi luyện trong đó. Lò có tốt thì thép mới tốt, thép có tốt thì mới có công cụ tốt…” Lời huấn thị của đồng chí Bộ trưởng đã trở thành mục tiêu phấn đấu, là phương châm đào tạo trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành của nhà trường.
Ngày 16-6-1965, khóa 1 sĩ quan Công an nhân dân vũ trang với 351 học viên, thuộc 3 chuyên ngành: chính trị, biên phòng, nội địa đã tốt nghiệp ra trường, phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ. Thành công của khóa đào tạo đầu tiên là sự khởi sắc cho quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo của nhà trường. Trong cuộc trường chinh vạn dặm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, dẫu nhiều lần phải tổ chức đi sơ tán, nhà trường vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngừng phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Đến năm 1975, trường đã bổ sung cho lực lượng 4.535 cán bộ sĩ quan.
Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từ những cơ sở vật chất tạm bợ ban đầu, với vốn sẵn có là tấm lòng nhiệt huyết của những cán bộ, giảng viên, nhà trường đã đào tạo cho lực lượng những cán bộ ưu tú. Mảnh đất Sơn Tây đầy nắng và gió đã chứng kiến biết bao học viên phấn đấu, luyện rèn trở thành sĩ quan vừa hồng, vừa chuyên trên các tuyến biên giới. Trong mọi điều kiện và những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của thời chiến, học viên tốt nghiệp ra trường đều hăng hái lên đường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh huệ, từng bước hiện đại, ngày 17-5-2000 Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quyết định giao cho nhà trường nhiệm vụ đào tạo cao học. Ngày 7-7-2003, Bộ Quốc phòng ra quyết định nâng cấp Trường Đại học Biên phòng lên thành Học viện Biên phòng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Học viện Biên phòng.
Lúc này, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện trong sự nghiệp xây dựng Học viện trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học hàng đầu của lực lượng BĐBP. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Biên phòng đã nhất quán chủ trương đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc chuẩn hóa quy trình giáo dục, đào tạo gắn với xây dựng, kiện toàn đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, và được xem là khâu đột phá có tính chất quyết định.
Từ những chất lượng vượt bậc trong công tác giáo dục, đào tạo của Học viện Biên phòng, tháng 12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sỹ chuyên ngành Quản lý biên giới và cửa khẩu cho Học viện Biên phòng. Hiện nay, Học viện Biên phòng đang tổ chức đào tạo hàng trăm đối tượng: đại học, sau đại học, chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh, với các chuyên ngành: Quản lý Biên giới; Trinh sát Biên phòng; Quản lý Cửa khẩu; Phòng chống ma túy và tội phạm; đào tạo ngắn hạn, dài hạn học viên Cử nhân quân sự cho nước bạn Lào và Campuchia; bồi dưỡng tiếng Anh.
Nhiệm vụ xây dựng Học viện chính quy vững mạnh là một trong các mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển. Khuôn viên, cơ sở vật chất của Học viện Biên phòng đến nay đã có nhiều đổi thay khang trang, sạch đẹp làm cơ sở để Học viện Biên phòng tiến lên xây dựng Học viện thông minh. Đời sống của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ từng bước được cải thiện. Các chế độ sinh hoạt khoa học, học tập ngoại khóa, rèn luyện thể lực được Học viện quan tâm và duy trì đều đặn, đảm bảo mọi học viên có thể lực bền bỉ, dẻo dai. Với khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, học viên Học viện Biên phòng không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn nỗ lực thi đua rèn luyện sức khỏe để “chân cứng đá mềm”, đạp bằng mọi gian lao thử thách trên khắp nẻo biên cương.
Mỗi bước đi của Học viện Biên phòng đều gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và BĐBP. 59 năm đã đi vào lịch sử, gắn liền với 19 kỳ Đại hội, với những quyết sách, những định hướng lớn lao.
Phát huy truyền thống vẻ vang, mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Biên phòng hôm nay không ngừng phấn đấu vươn lên, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đào tạo những thế hệ sĩ quan “văn, võ song toàn”, quả cảm và giàu trí tuệ, để trên mọi nẻo đường biên giới những hạt giống được ươm trồng công phu nơi mái trường Học viện Biên phòng sẽ mãi là nhân tố quan trọng vì biên cương bền vững, vì đất nước phồn vinh.
Trong hành trình 59 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Biên phòng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 7 Huân chương Quân công, 4 Huân chương Chiến công, 1 Huân chương Lao động, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 2 lần được Bác Hồ và Bác Tôn tặng Lẵng hoa và hàng chục lần được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tư lệnh BĐBP tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc.
Mai Viết Nhân