Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 03:15 GMT+7

5 lưu ý để viết một lá thư chào tạm biệt khi nghỉ việc

Biên phòng - Trong quá trình làm việc chắc chắn bạn sẽ trải qua những quyết định nghỉ việc, từ chức để bắt đầu một cơ hội mới. Thư chào tạm biệt khi nghỉ việc của bạn vừa để chính thức hóa quyết định ấy, vừa là ấn tượng cuối cùng mà bạn sẽ để lại với công ty và đồng nghiệp của mình, vì vậy hãy đảm bảo rằng đó là một bức thư lịch sự, khéo léo.

Có rất nhiều nhân viên vì thiếu kinh nghiệm nên không quan tâm nhiều đến thư tạm biệt hoặc không để lại bất kỳ lời chào nào và cứ thế rời đi. Thói quen này sẽ làm bạn trông thiếu chuyên nghiệp hoặc thậm chí là khiến cấp trên và đồng nghiệp nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ.

Dưới đây là 5 lưu ý để viết một lá thư tạm biệt phù hợp trước khi rời đi và tìm kiếm việc làm ở Sài Gòn hay bất cứ nơi đâu bạn muốn, hãy cùng tham khảo nhé.

Gửi đúng lúc, đúng đối tượng

Đầu tiên để có tâm lý thoải mái khi viết thư tạm biệt, bạn cần biết lựa chọn khoảng thời gian phù hợp. Bạn không nên gửi thư quá sớm để tránh sự phiền nhiễu và phân tâm không đáng có, cũng như không nên chủ quan hoặc ngần ngại để rồi gửi thư sau khi đã nghỉ việc được một thời gian. Thời gian phù hợp nhất đó là khi bạn đã bàn giao xong hết công việc và gửi thư vào một hoặc hai ngày trước hôm làm việc cuối cùng.

Bên cạnh đó, quyết định việc ai sẽ là người nhận thư cũng là điều quan trọng mà bạn cần lưu ý để tránh ồn ào. Lời khuyên là chỉ gửi đến những bộ phận có liên quan trong công ty, bao gồm cấp trên, lãnh đạo trực tiếp và đồng nghiệp xung quanh.

Đề cập lí do

Một lá thư tạm biệt có nhiệm vụ thông báo về quyết định nghỉ việc của bạn, vì thế việc đề cập lí do một cách rõ ràng là điều cần thiết. Có thể trước đó bạn đã trao đổi với cấp trên về vấn đề này, thế nhưng trong một lá thư tạm biệt được gửi đi đồng bộ thì việc một lần nữa nhắc lại lí do sẽ giúp những người nhận thư hiểu được tình hình của bạn. Lưu ý rằng chỉ nên đề cập lí do một cách ngắn gọn, tránh kể lể quá nhiều sẽ tạo ra cảm giác nặng nề và mất đi tính chuyên nghiệp.

Lời cảm ơn

Trong suốt thời gian làm việc chắc chắn bạn đã trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, có được những thành tựu và thách thức khác nhau. Một nhân viên tinh tế sẽ biết cách lồng ghép những lời cảm ơn trong lá thư chào tạm biệt khi nghỉ việc, đồng nghiệp hoặc thậm chí là cấp dưới của mình vì đã cùng hỗ trợ và vượt qua những khó khăn. Lời cảm ơn chân thành luôn tạo được nhiều cảm xúc đồng cảm, vì thế bạn có thể thoải mái bày tỏ sự hài lòng, niềm vui khi được làm việc với những người xung quanh trong suốt thời gian qua.

Tránh cảm xúc tiêu cực

Một lá thư tạm biệt với quá nhiều cảm xúc tiêu cực là điều bạn cần tránh. Bất kể bạn ghét công việc, không thích cấp trên hay công ty đến mức nào, tốt nhất bạn nên giữ cho riêng mình. Những vấn đề tiêu cực phải nên được giải quyết trước khi bạn rời khỏi doanh nghiệp, không nên xem thư tạm biệt là cơ hội để tiện thể nói ra.

Ngoài ra, hãy xem lại những điều không nên nói khi bạn từ chức. Thư từ chức của bạn có thể sẽ được đưa vào hồ sơ tuyển dụng sau này và nó có hoàn toàn có thể trở thành những rào cản ảnh hưởng đến công việc mới trong tương lai.

Đừng quên để lại thông tin liên lạc

Nếu bạn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực liên quan thì việc để lại thông tin liên lạc sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình kết nối và xây dựng mối quan hệ. Đồng nghiệp và cấp trên là người hiểu rõ năng lực và tinh thần làm việc của bạn hơn ai hết, vì thế chắc chắn đây sẽ là cơ hội nếu bạn cần họ viết thư giới thiêu hoặc trong trường hợp họ muốn đề xuất những dự án hoặc cùng hợp tác sau này. Bên cạnh đó việc giữ liên lạc thông qua các trang mạng xã hội cho doanh nghiệp cũng sẽ là cách thức giúp bạn dễ dàng tiếp cận và chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ năng trong công việc một cách dễ dàng.

Trên đây là 5 lưu ý để viết một lá thư chào tạm biệt khi nghỉ việc chuyên nghiệp. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn để lại trong lòng đồng nghiệp và cấp trên những cảm xúc tích cực thông qua thư chào tạm biệt.

Tiến Huy

Bình luận

ZALO