Biên phòng - Chiều 13-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã tổ chức hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong thời gian từ ngày 16-7 đến 13-8-2013.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. |
Theo thông tin từ hội nghị, trong 4 tuần qua, dịch cúm gia cầm đã phát sinh ở xã Phú Kiết và xã Hòa Thịnh, xã Mỹ Lương, xã Phước Thạnh, Nhị Mỹ thuộc tỉnh Tiền Giang. Tổng số gia cầm nhiễm vi rút H5N1 gồm 330 con gà và 5 con vịt, 47.100 con chim cút; số chết là 107 con gà, vịt và 3810 con chim cút.
Để đối phó với tình hình trên ngày 22-7-2013 UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định số 1722/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại các địa phương có gia cầm nhiễm bệnh. Đồng thời, tiêu hủy hơn 26 ngàn con chim cút nhiễm bệnh. Cục Thú Y thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cấp hỗ trợ 1.0000.000 liều vắc xin cúm gia cầm( H5N1) cho Chi Cục thú y tỉnh Tiền Giang để tiêm phòng khẩn cấp bao vây các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đối với tình hình gia cầm nhập lậu qua biên giới, Cục thú y đã tổ chức giám sát H7N9 tại 60 chợ, nằm ở các địa bàn như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình.. đã phát hiện 2.554 mẫu gia cầm nhập lậu, gia cầm thải loại, kết quả chưa phát hiện thấy vi rút cúm A H7N9.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cũng đã đi đến nhất trí cao. Để phòng chống dịch cúm gia cầm trong thời gian tới đạt hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho các đàn gia cầm ở địa bàn có nguy cơ cao; Triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự lưu hành vi rút cúm H5N1, H7N9 trên đàn gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Đồng thời các bộ, ban ngành có liên quan cần thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng chống dịch như kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn, tiêm phòng vắc xin cho gia cầm theo quy định, thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi….