Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 11:45 GMT+7

Kỷ niệm 44 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Hunsen:

44 năm - Hành trình tìm đường cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen

Biên phòng - Quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với một hành trình gian khổ của Thủ tướng Hunsen là một quyết định táo bạo, sáng suốt khi cách đây đúng 44 năm, vào ngày 20-6-1977, ông đã dẫn các đồng đội vượt rừng, lội suối, băng qua bãi chông mìn với bao rủi ro giữa cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc để tìm sự giúp đỡ từ Chính phủ Việt Nam. Nhờ đó, đã làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Khmer Đỏ, giải phóng Campuchia, cứu những người dân vô tội thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo chưa từng có trong lịch sử đất nước Chùa Tháp.

Năm 2017, Thủ tướng Campuchia Hunsen trở lại thăm địa điểm ông và đồng đội cất giấu vũ khí khi xưa, tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Internet

Sau thắng lợi ngày 17-4-1975, trái với mong đợi của nhân dân Campuchia, tập đoàn diệt chủng do Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, Nuon Chea, Ta Mok, Ieng Thy Rith cầm đầu đã di tản dân ra khỏi các thành phố, cấm tiêu tiền, cấm trường học, cấm giao thương và thực hiện lao động khổ sai tại các trại tập trung, biến đất nước thành một nhà tù không tường chắn. Người dân đã bị đẩy vào thảm cảnh “nồi da nấu thịt”, nguy cơ bị diệt vong của dân tộc Campuchia lúc đó đang hiện hữu.

Không cam chịu dã tâm man rợ của tập đoàn “Angkar” phản động, Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công - Hunsen dự định tổ chức phản kháng lại bằng vũ trang, tuy nhiên, về thế và lực đã không cho phép. Không còn con đường nào khác, ông đã quyết định ly khai và lên kế hoạch trốn khỏi nanh vuốt của Angkar, sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước, trong đó có cả gia đình thân yêu của mình.

21 giờ ngày 20-6-1977, tại sở chỉ huy Trung đoàn vùng 21 (căn cứ Kosthmo, xã Tolum, huyện Memot, tỉnh Kampongcham), ông Hunsen cùng 4 cán bộ thân tín là Nuoch Thol, Nhek Khuon, Sa Sanh và Va PaoHeang bắt đầu hành trình tìm đến Việt Nam. Do hai nước đang trong tình cảnh có tranh chấp vũ trang với nhau, Việt Nam rất khó phân biệt đâu là người ly khai, đâu là quân Khmer Đỏ với ý đồ đánh lén. Tính đến điều này, ông đã quyết định chỉ dẫn theo 4 người, bởi nếu đi nhóm đông thì dễ bị hiểu lầm và có thể xảy ra sự tấn công từ phía Việt Nam.

Mưa to, sấm chớp đì đùng suốt từ 22 giờ đêm hôm trước đến tầm 1 giờ sáng hôm sau. Nhóm của ông Hunsen, một mặt phải hết sức nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm do thời tiết và sự truy sát của quân Pol Pot, mặt khác phải làm thế nào để đảm bảo an toàn tới đích trong chuyến đi này. Họ bí mật di chuyển luồn qua các cánh rừng chằng chịt cây, những trảng cây thốt nốt cao mọc thưa thớt ở vùng đồng bằng và nguy hiểm như Tropeng Rokar, Tropengkhpo và Angdach … trong cái đói, cái lạnh tê người, phía trước họ là huyện Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước) của Việt Nam.

Trước khi tiến vào lãnh thổ Việt Nam, ông Hunsen đã quay mặt về đất mẹ Campuchia với đôi mắt đẫm lệ, tự nhủ trong lòng rằng, 13 tuổi rời xa quê hương vì không có trường học và đến 25 tuổi phải ly hương vì bọn đồ tể Pol Pot dã man.

2 giờ ngày 21-6-1977, khi tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 200 mét, ông Hunsen ra lệnh dừng nghỉ chờ trời sáng rõ để định hướng tiếp tục hành trình trong cái đói cồn cào thấu ruột, thấu gan. Một số câu hỏi mà ông tự vấn mình là liệu có thể bị bỏ mạng khi vượt biên từ Campuchia vào Việt Nam bởi đạp phải mìn của lực lượng Biên phòng Việt Nam hay không? Liệu có bị bỏ tù bởi vượt biên trái phép hay không? Câu hỏi cuối cùng liệu phía Việt Nam có bắt ông và đồng đội để giao lại cho Pol Pot hay không? Ông thực sự vô cùng đau khổ bởi phải lìa xa quê hương, lìa xa người vợ thân yêu đang mang thai tháng thứ 5.

Ông thực sự thấy nặng trĩu trong lòng khi tính đến hậu quả có thể xảy ra với người vợ vẫn còn đang nằm trong nanh vuốt tàn ác của Angkar. Cuối cùng, ông đã tin tưởng vào Việt Nam, quyết lấy tính mạng mình để cược lấy sự may rủi, có thể chết bởi đạn của phía Việt Nam, còn hơn phải sống dở, chết dở dưới chế độ diệt chủng Pol Pot.

Trời mưa nhẹ và tối sầm gây khó khăn cho việc định hướng vì không có la bàn, phải chờ đến khoảng hơn 8 giờ sáng khi trời sáng rõ, nhóm mới của ông tiếp tục nhằm hướng mặt trời mọc - hướng duy nhất để có thể tiếp tục hành trình đến Việt Nam. Sau khi băng rừng khoảng 6km, đến khoảng 11 giờ trưa, họ đã tiếp cận một con đường đất đỏ. Ông Hunsen lệnh cho mọi người cất giấu vũ khí nhằm bảo toàn tính mạng khi đi trên lãnh thổ Việt Nam, nấu cháo với số gạo ít ỏi sót lại, sau đó, tiếp tục đi tìm gặp bộ đội và người dân Việt Nam.

14 giờ ngày 21-6-1977, nhóm của ông đã đến một ấp của Việt Nam cách biên giới Campuchia khoảng 20km. Khi nhìn thấy những công nhân cao su đang trên đường về nhà, nhóm của ông đã tới gặp và được họ dẫn đến ấp Hoa Lư, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh trong bao ngờ vực và cảnh giác cao độ. Sau khi tin tưởng vào sự khẳng định của ông Hunsen, phía Việt Nam đã nấu đầy một nồi 10 cơm (thường dành cho 10 người ăn) và nhiều rau, thịt heo dành cho nhóm 5 người của ông đã từng phải húp cháo cầm hơi hơn 1 năm trời.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (thứ 5 từ trái sang) và Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia (thứ 7 từ trái sang) cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen tại khu vực X16, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hồng Ánh

Đến 16 giờ cùng ngày, nhóm của ông được đưa đi tiếp 4km vào làng Chín (nay là ấp Thạnh Trung, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), chờ đến 18 giờ về huyện lỵ Lộc Ninh và hôm sau di chuyển đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Bao ngờ vực dần xua tan, cuối cùng phía Việt Nam càng hiểu rõ nguyện vọng của ông Hunsen và bắt đầu giúp đỡ.

Khởi đầu hành trình cứu nước vào ngày lịch sử 20-6-1977, ông Hunsen đã khởi xướng một phong trào đấu tranh vũ trang dưới ngọn cờ của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, cùng sự giúp đỡ của quân đội tình nguyện Việt Nam, trở về lật đổ chế độ phản động Pol Pot, giải phóng đất nước vào ngày 7-1-1979, mở ra trang sử mới cho dân tộc Campuchia.

Vì tình yêu chân chính với đất nước, ông Hunsen đã quyết định hy sinh tình riêng, đánh đổi sinh mạng của mình để tìm cơ hội cứu người dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đây là một quyết định rất nguy hiểm và đầy nước mắt đối với cá nhân ông, nhưng chính quyết định này đã mang lại hòa bình và sự phát triển cho đất nước Campuchia ngày nay.

Đỗ Các Đông

Bình luận

ZALO