Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

“40 năm ấy biết bao ân tình”

Biên phòng - Ngày 23-6, tại TP Hồ Chí Minh, các cựu học viên Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 tổ chức Hội khóa kỷ niệm 40 năm Ngày ra trường (1979 - 2019). Trong không khí thân mật, đầm ấm, trên 100 đại biểu là các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên của trường và các cựu học viên Khóa 1 xúc động ôn lại những kỷ niệm, những chặng đường cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những cán bộ ưu tú của lực lượng sau này.

8510_5b
Các cựu học viên Khóa 1 chụp ảnh lưu niệm sau 40 năm ra trường. Ảnh: Phương Vy

Sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước

Sau 40 năm trôi qua với nhiều biến đổi, những thanh niên trai tráng năm xưa nay đã ở độ tuổi trên 60, dưới 70 tuổi. Gặp nhau khi mái tóc đã bạc màu thời gian, da đã chuyển đồi mồi, nhưng câu chuyện, ký ức của những cựu học viên sĩ quan Khóa 1 vẫn còn “nóng” và trẻ trung, nhiệt huyết như ngày nào tuổi mới đôi mươi.

Cựu học viên Khóa 1 - Trung tướng Trần Hoa, nguyên Tư lệnh BĐBP nhớ lại: Trường Sĩ quan Biên phòng 2 được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cán bộ miền Nam để đào tạo đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tháng 3-1977, trường tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên (Khóa 1) đào tạo sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Ban đầu có trên 250 học viên là hạ sĩ quan, chiến sĩ từ các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trên cả nước. Sau khi huấn luyện xong giai đoạn cơ bản, trước yêu cầu cấp bách về nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh rút số học viên có quân hàm Thượng sĩ chuyển sang học bổ túc ngắn hạn để sớm ra trường, về công tác ở biên giới. Số còn lại (197 người) tiếp tục học tập, rèn luyện trong bối cảnh các tuyến biên giới đang nóng lên từng ngày. 

Hồi tưởng lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết, Thiếu tướng Nguyễn Đình Khẩn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng nói: “Tuy đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chúng tôi lúc nào cũng ở tâm thế sẵn sàng xung trận. Vì cuộc chiến trên biên giới Tây Nam diễn ra từng ngày hết sức khốc liệt. Xung đột biên giới và dự báo chiến tranh xâm lược biên giới ở phía Bắc cũng rất căng thẳng. Mà chúng tôi là bộ đội, là tuổi trẻ, không thể ngồi yên. Chúng tôi sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước”.

Nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Biên phòng 2, thầy Lê Cảnh hồi tưởng lại: Tháng Giêng năm 1979, biên giới Tây Nam vừa tạm ổn, thì tháng 2-1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, đất nước đặt trong tình trạng có chiến tranh, lệnh tổng động viên được ban bố. Nhà trường phải đẩy nhanh chương trình giảng dạy, rút ngắn thời gian tốt nghiệp để các sĩ quan trẻ kịp thời tăng cường cho biên giới Tây Nam, chi viện cho chiến trường miền Bắc và sang chiến đấu giúp bạn Campuchia.

Cùng với đó, thực hiện lệnh điều động của trên, có 24 đồng chí học viên được tốt nghiệp sớm, lên đường làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia. Trong những năm tháng anh dũng chiến đấu trên đất bạn Campuchia, có 4 đồng chí  hy sinh. Đó là các đồng chí Nguyễn Văn Phách, Nguyễn Duy Khương, Lê Thành Quả và Nguyễn Kiên Cường. Đến năm 1980, còn có đồng chí Nguyễn Văn Hòa tham gia chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược và hy sinh ở biên giới Hà Giang.  

Đẩy mạnh các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP xúc động nhớ lại: Tháng 6-1979, Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 tốt nghiệp. Phần lớn các sĩ quan trẻ đều phấn khởi vác ba lô về nhận nhiệm vụ ở những vùng chiến sự còn khốc liệt, vẫn còn đổ máu, hy sinh. Một số đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Tuy còn rất trẻ, nhưng khi được giao trọng trách bảo vệ biên giới thiêng liêng, không ai sợ hiểm nguy, gian khổ.

Mọi người ngày đêm cùng đồng đội bám nắm địa bàn, xây dựng thế trận biên phòng, chiến đấu giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, chiến đấu giúp cho đất nước Campuchia hồi sinh. Nhiều đồng chí đã lập được những thành tích xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng. Một số đồng chí giữ các cương vị chỉ huy, lãnh đạo khác nhau trong và ngoài lực lượng BĐBP. Dấu son tự hào của Khóa 1, đó là có 3 đồng chí trở thành lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp Cục, chỉ huy BĐBP cấp tỉnh và tương đương. Đặc biệt, Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 có 5 đồng chí được phong hàm cấp tướng.

csyq_5c
Ban Liên lạc Khóa 1 phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tại TP Hồ Chí Minh tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội” tại Phú Yên. Ảnh: Phương Vy

Gần ½ thế kỷ mới có buổi gặp mặt đông đủ, thân tình. Rất nhiều người đã trưởng thành trên các lĩnh vực, nhưng không ai muốn nói về mình. Vì theo Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, vẫn còn đó những người bạn học với mình không thành đạt. Nhiều đồng chí do công tác nhiều năm ở vùng độc hại chướng khí, sức khỏe bị bào mòn, mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh còn khó khăn, éo le... Vậy nên, ngoài không khí hân hoan của ngày hội ngộ sau 40 năm ra trường, nguyện vọng của đại đa số cựu học viên Khóa 1 là đẩy mạnh các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”.

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, các cựu học viên Khóa 1 đã chung tay, góp sức, góp của hỗ trợ 3 đồng chí xây nhà. Cùng với đó, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tại TP Hồ Chí Minh đã ủng hộ kinh phí để xây thêm 3 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Không thể giúp được nhiều, nhưng với tấm lòng, sự chân thành, trong buổi hội ngộ sau 40 năm, các cựu học viên Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2 đều mong muốn sẽ chung tay để góp phần chia sẻ với những bạn đồng khóa còn khó khăn. 

Phương Vy

Bình luận

ZALO