Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

4 mẹo trả lời phỏng vấn về sai lầm trong công việc

Biên phòng - Trong quá trình làm việc không ai tự tin rằng mình chưa bao giờ và không bao giờ mắc sai lầm. Điều quan trọng là bạn đã học được bài học gì và rèn luyện mình trở nên như thế nào. Khi đặt câu hỏi về điều này, mục đích của nhà tuyển dụng muốn đánh giá cách giải quyết vấn đề và mức độ phù hợp của ứng viên với công việc.

Vậy làm thế nào để có câu trả lời phỏng vấn khéo léo nhất cho câu hỏi về sai lầm? Hãy cùng tham khảo một số “tuyệt chiêu” dưới đây nhé.

Giải thích ngắn gọn về lỗi, không quá đi sâu vào đó

Không ai muốn mắc sai lầm, đôi khi đó chỉ là một dự trù tình huống sai lệch, một quyết định sai hay một lối làm việc sai. Nếu được hỏi về lỗi lầm trong các cuộc phỏng vấn ứng tuyển kế toán tại TPHCM, Marketing tại Hà Nội hay bất cứ ngành nghề nào và ở bất cứ đâu, bạn không nên trốn tránh, vòng vo mà nên chia sẻ thẳng thắn.

Tuy nhiên, làm thế nào để lỗi lầm đó không là tác nhân, là điểm mấu chốt tác động xấu đến suy nghĩ của nhà tuyển dụng về bạn, thậm chí đánh rớt bạn trong vòng vấn? Điều này tùy thuộc vào sự khéo léo của bạn.

Bạn nên nói với thái độ bình thường nhất, càng đơn giản hóa càng tốt, chỉ đề cập ngắn gọn và không nhấn mạnh bằng các ngôn từ “thái quá”, không kể lể dài dòng. Hãy xem nó như là một lỗi sai phổ biến mà có thể người khác cũng sẽ gặp phải nếu trong tình huống đó.

Chọn sai lầm gây hậu quả ít nhất

Nếu được hỏi về sai lầm, đừng chọn những lỗi nghiêm trọng (nếu có). Điều đó chỉ khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp bạn.

Nên chọn một sai lầm mà ít để lại hậu quả nhất. Có thể đó là một quyết định, một chút sơ suất mà công việc đã gặp một chút rắc rối hoặc hiệu quả thấp so với kì vọng.

Nhận trách nhiệm về bản thân thay vì đổ lỗi

Khi nói về sai lầm trong công việc, bạn nên nhớ nhận trách nhiệm về mình. Một số ứng viên có thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho đồng nghiệp hay các nguyên nhân khách quan… Cách phản ứng đó cho thấy bạn là người tiêu cực, hay đổ lỗi, thiếu trách nhiệm. Một người có biểu hiện như vậy thường sẽ không tiến bộ và gây khó chịu cho những người xung quanh nếu làm việc cùng.

Thay vào đó, hãy thẳng thắn nhận trách nhiệm. Nếu có hãy đề cập thêm việc tự bạn đã nỗ lực khắc phục (hay bù đắp) cho sai lầm đó như thế nào. Điều này chứng tỏ bản tính trung thực, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm. Đây chính là phẩm chất cần có của một ứng viên mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng đánh giá cao.

Nhanh chóng chuyển sang bài học đã được rút ra sau sai lầm

Như đã đề cấp trên, thay vì nhấn mạnh đến sai lầm và hậu quả, bạn nên nhanh chóng chuyển sang bài học rút. Khi đặt câu hỏi này mục đích cuối cùng của nhà tuyển dụng là muốn biết liệu ứng viên đã vượt qua và học được điều gì sau sai lầm đó. Vì vậy, hãy trả lời phỏng vấn bằng cách đề cập đến cách bạn giải quyết và cải thiện để trở nên tốt hơn ở hiện tại như làm việc cẩn thận hơn, học cách dự phòng, ứng phó với các tình huống tốt hơn, tự tin hơn hoặc quyết đoán hơn…

Chẳng hạn “Sau sự cố đó tôi học cách làm việc thận trọng hơn, tỉ mỉ trong từng chi tiết để chắc chắn rằng không để xảy ra bất cứ một sơ suất nào nữa. Tôi hiểu rằng dù một sự cố nhỏ cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả cuối cùng”.

Ai cũng có thể mắc lỗi nhưng điều quan trọng là bạn biết cách sửa chữa sai lầm để hạn chế ảnh hưởng đến đồng nghiệp và công ty. Hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là tuýp người sẵn sàng đối mặt giải quyết vấn đề và nỗ lực thay đổi các điểm yếu để trở nên tốt hơn từng ngày trong quá trình trả lời phỏng vấn.

Đặng Hảo

Bình luận

ZALO